“Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. Vậy giấy khai sinh có sao y bản chính được không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết: Giấy khai sinh có sao y bản chính được không?
Giấy khai sinh có sao y bản chính được không?
1. Sao y bản chính là gì? Bản sao y là gì?
Sao y bản chính hay còn gọi là chứng thực bản sao từ bản chính.
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Sao y bản chính khác với chứng thực chữ ký.
Bởi nội dung, hình thức của bản sao y được chứng thực là đúng với bản chính. Trong khi đó, chứng thực chữ ký là việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực (không chứng thực nội dung, hình thức văn bản).
Còn tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP định nghĩa “bản sao y” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.
2. Giấy khai sinh có sao y bản chính được không?
Khoản 4 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định về giấy khai sinh như sau:
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, theo đó mọi thông tin của cá nhân trong các hồ sơ, giấy tờ khác (hộ chiếu, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,…) như: Họ tên, giới tính, năm sinh, quốc tịch, quê quán,… phải thống nhất với thông tinh trong giấy khai sinh.
Nếu các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ không trùng khớp với thông tin trên giấy khai sinh của một cá nhân thì phải thực hiện điều chỉnh.
Vậy, giấy khai sinh có công chứng được không?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014:
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Dựa vào cách giải thích trên có thể hiểu việc công chứng thường chỉ thực hiện với các hợp đồng, giao dịch, bản dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Còn đối với bản sao giấy khai sinh, công chứng viên sẽ thực hiện chứng thực, điều này được ghi nhận tại Điều 77 Luật Công chứng 2014 như sau:
Điều 77. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản của công chứng viên
1. Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.
2. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Với những căn cứ nêu trên, tóm lại bạn không thể yêu cầu công chứng giấy khai sinh mà thay vào đó là chứng thực bản sao giấy khai sinh, “giấy khai sinh công chứng” chỉ là cách gọi quen thuộc của người dân. Bạn cần lưu ý điều này để không bị nhầm lẫn về tên gọi cũng như thủ tục thực hiện.
3. Thủ tục sao y giấy khai sinh hiện nay thế nào?
1. Hồ sơ, thủ tục sao y giấy khai sinh
Để làm thủ tục sao y giấy khai sinh, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây:
- Bản chính giấy khai sinh, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực.
- Trường hợp bạn chỉ xuất trình bản chính giấy khai sinh thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực.
- Bản sao, chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực phải có đầy đủ các trang đã ghi thông tin của bản chính.
Sau khi nộp các giấy tờ nêu trên, người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính và bản chính giấy tờ, văn bản không thuộc các trường hợp không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao thì thực hiện chứng thực như sau:
- Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính theo mẫu quy định;
- Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
- Đối với bản sao có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
- Người yêu cầu chứng thực sẽ được nhận kết quả trong ngày tại nơi nộp hồ sơ.
4. Có được cấp bản sao giấy khai sinh khi bị mất bản chính giấy khai sinh không?
Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc như sau:
"1. Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
2. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
3. Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết."
Như vậy, trường hợp của bạn bị mất bản chính Giấy khai sinh nhưng ở Sổ hộ tịch vẫn còn thông tin thì bạn được cấp bản sao Giấy khai sinh.
Trên đây là các nội dung giải đáp của chúng tôi về Giấy khai sinh có sao y bản chính được không? Trong quá trình tìm hiểu, nếu như các bạn cần Công ty Luật ACC hướng dẫn các vấn đề pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận