Nội dung bài viết:
Số hiệu:82/2008/QĐ-UBND
Loại văn bản:Quyết định
Lĩnh vực, ngành:Thương mại, Văn hóa - Xã hội
Nơi ban hành:Tỉnh Đồng Nai
Người ký:Huỳnh Thị Nga
Ngày ban hành:02/12/2008
Ngày hiệu lực:12/12/2008
Ngày đăng:Dữ liệu đang cập nhật
Số công báo:Dữ liệu đang cập nhật
Tình trạng:Hết hiệu lực: 20/02/2020
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2008/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 02 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Thông tư số 54/2006/TT-BVHTT ngày 18/01/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường;
Căn cứ Thông tư số 69/2006/TT-BVHTT ngày 28/8/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 220/TTr-VHTTDL ngày 12/9/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu quy hoạch:
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường. Số lượng cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn xã hội, tiêu cực trong các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường.
- Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh và nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa VIII), kết luận Hội nghị TW10 (khóa IX) và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VIII.
- Thực hiện thắng lợi cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
2. Nguyên tắc quy hoạch:
- Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường là loại hình kinh doanh có điều kiện và không khuyến khích. Việc phát triển cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn của từng huyện, thị xã và thành phố phải căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương từ nay đến năm 2020, bao gồm các yếu tố về số lượng và mật độ dân số, trong đó chú trọng đến các yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; nhu cầu phát triển du lịch; nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân ở từng khu vực khác nhau; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
- Quy hoạch karaoke, vũ trường phải đi đôi với việc tăng cường quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với việc quản lý hệ thống dịch vụ văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa để đảm bảo cho phát triển văn hóa - thông tin đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
- Các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phải đảm bảo các quy định tại Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Thông tư số 69/2006/TT-BVHTT ngày 28/8/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ; Thông tư số 54/2006/TT-BVHTT ngày 18/01/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường.
3. Nội dung quy hoạch:
Định hướng từng bước đưa hoạt động karaoke, vũ trường vào các Trung tâm VHTT, Nhà Văn hóa, các điểm phục vụ du lịch, khu vui chơi giải trí có quy mô đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại theo đúng quy định pháp luật.
a) Hoạt động karaoke:
Giữ nguyên hiện trạng các điểm kinh doanh karaoke lành mạnh phù hợp với Thông tư 54/2006/TT-BVHTT. Đối với xã, phường, thị trấn có số lượng cơ sở kinh doanh karaoke vượt quá số lượng quy định, nếu có trường hợp rút phép hoặc ngưng hoạt động thì cũng không được cấp phép thêm cơ sở mới. Số lượng cơ sở kinh doanh karaoke được cấp phép trên địa bàn xã, phường, thị trấn không vượt quá số lượng 03 cơ sở/ấp và 05 cơ sở/khu phố.
b) Hoạt động vũ trường:
Giữ nguyên hiện trạng các điểm khiêu vũ lành mạnh, sau khi đã được khảo sát và có cam kết phù hợp với Thông tư 54/2006/TT-BVHTT. Số lượng cơ sở kinh doanh vũ trường được cấp phép không vượt quá 02 cơ sở/huyện, 03 cơ sở/thị xã và 10 cơ sở đối với thành phố Biên Hòa.
c) Giải pháp thực hiện:
Căn cứ tình hình thực tế, từ nay đến 2020 triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm huy động nhiều nguồn lực của xã hội trong việc phát triển sự nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ các sản phẩm văn hóa chất lượng cao.
- Chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (quan tâm đến đối tượng là công nhân các khu công nghiệp), tạo nhiều tụ điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi lành mạnh để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, giảm bớt tệ nạn xã hội và những hoạt động phi văn hóa.
- Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là ở cơ sở để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý địa bàn của UBND các cấp, các ngành liên quan. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở cố tình vi phạm.
- Thực hiện công tác hướng dẫn, tuyên truyền đồng thời tổ chức tập huấn cho tất cả chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
- Nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động dịch vụ văn hóa. Ngăn chặn các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội phát triển tràn lan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện quy hoạch theo các nội dung đã được phê duyệt.
2. Việc tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke, vũ trường theo cơ chế một cửa liên thông và thực hiện phân cấp như sau:
- Đối với doanh nghiệp: Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, liên thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp huyện;
- Đối với hộ kinh doanh cá thể: Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, liên thông với phòng Văn hóa và Thông tin cùng cấp.
3. Đội kiểm tra liên ngành phối hợp Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra hoạt động karaoke, vũ trường theo quy định.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện có trách nhiệm báo cáo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình hoạt động karaoke, vũ trường theo quản lý ngành.
Điều 3. Việc gia hạn giấy phép karaoke, vũ trường được áp dụng sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành quyết định này. Trường hợp cấp giấy phép mới chỉ thực hiện khi Chính phủ có văn bản chỉ đạo.
Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, các ngành chức năng có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI |
Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.