Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Đây là hình thức trách nhiệm dân sự được lập ra nhằm mục đích buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trong bài viết này ACC sẽ giới thiệu đến bạn đọc quy định về bồi thường thiệt hại cho công ty.
Quy định về bồi thường thiệt hại cho công ty
1. Những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty
Dưới đây là những trường hợp người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động (công ty).
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Theo Điều 35 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải bảo đảm có lý do luật định hoặc đã báo trước đúng thời hạn cho người sử dụng lao động biết.
Trường hợp nghỉ ngang, người lao động sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Khi đó, người lao động sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 40 Bộ Luật Lao động năm 2019 như sau:
Bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Bồi thường thêm 1 khoản tiền lương theo hợp đồng lao động tương ứng với những ngày không báo trước. Hoàn trả chi phí đào tạo nếu trong quá trình làm việc được cử đi học nghề, đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động.
Ngoài việc phải bồi thường, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật cũng gặp phải thiệt thòi khi không được nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp.
Vi phạm thỏa thuận về bí mật kinh doanh, công nghệ
Theo khoản 2 Điều 21 Bộ Luật Lao động năm 2019, khi giao kết hợp đồng lao động, nếu công việc của người lao động có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, công nghệ của công ty thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về các nội dung liên quan đến việc bảo vệ bí mật đó.
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau: Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Nếu người lao động vi phạm thỏa thuận, công ty có quyền xử lý vi phạm và yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận. Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này cũng phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Làm hư hỏng tài sản
Theo khoản 1 Điều 129 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của công ty sẽ phải bồi thường.
Trường hợp gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì chỉ cần bồi thường tối đa 3 tháng tiền lương. Số tiền này sẽ được khấu trừ hằng tháng từ tiền lương của người lao động sau khi đã nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc và thuế thu nhập cá nhân nhưng tối đa không quá 30% lương/tháng.
Làm hư hỏng tài sản công ty do cố ý hoặc sơ suất nhưng với hậu quả nghiêm trọng hoặc có giá trị thiệt hại thực tế trên 10 tháng lương tối thiểu vùng thì người lao động bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của công ty.
Làm mất tài sản
Căn cứ khoản 2 Điều 129 Bộ Luật Lao động năm 2019, nếu làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tài sản khác do công ty giao cho hoặc làm tiêu hao vật tư quá định mức cho phép, người lao động có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tùy từng trường hợp mà mức bồi thường sẽ khác nhau, thậm chí có trường hợp người lao động còn không cần bồi thường cho công ty.
Có hợp hợp đồng trách nhiệm: Bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận. Do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, sự kiện khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép: Không phải bồi thường.
Trường hợp còn lại: Bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động.
2. Yếu tố quyết định người lao động có phải bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của Công ty
Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 quy định việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Theo đó, khi người lao động gây thiệt hại lớn khoảng 100 triệu thì việc công ty yêu cầu anh/chị bồi thường thiệt hại thì còn phụ thuộc vào yếu tố lỗi, điều kiện gây ra thiệt hại và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của anh/chị như thế nào.
3. Công ty có được tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người lao động gây thiệt hại không?
Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động;
- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
+ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
+ Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
+ Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của bộ luật này;
+ Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
+ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
+ Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Như vậy, thì ngoài những lý do theo quy định tại Điều 36 như trên, Công ty không được quyền tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh/chị, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như vậy là trái với quy định pháp luật. Anh/chị liên hệ lại với công ty để giải quyết các vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại và đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách phù hợp nhất.
Trên đây là bài viết Quy định về bồi thường thiệt hại cho công ty. Công ty Luật ACC tự hào là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp lý, tư vấn pháp luật, thủ tục giấy tờ cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp trên Toàn quốc với hệ thống văn phòng tại các thành phố lớn và đội ngũ cộng tác viên trên khắp các tỉnh thành. Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Nội dung bài viết:
Bình luận