Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2020. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB) gồm 7 chương, 36 điều, quy định một số vấn đề cơ bản như: Biện pháp quản lý cung ứng rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động PCTT…Luật quy định quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức được sống trong môi trường không có tác hại của rượu, bia; tiếp nhận thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học và đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, tác hại của rượu, bia; phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý được hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ...
1.Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm
- Kích động, xúi giục, lôi kéo hoặc ép buộc người khác uống rượu.
- Người dưới 18 tuổi uống rượu, bia.
- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.
- Sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, người đang công tác trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và khi nghỉ giải lao giữa giờ làm việc giờ và giờ học.
- Điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn.
- Quảng cáo rượu có độ mạnh từ 15 độ trở lên.
- Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe.
- Khuyến mại trong kinh doanh rượu, bia từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
- Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép sử dụng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
- Kinh doanh rượu không có giấy phép, đăng ký; Bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
- Việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia lậu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rượu, bia nhập lậu.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu bia trong giờ làm việc được quy định tại điểm c khoản 3 như sau: “Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực”.
Ngoài ra, khi say rượu, bia, cán bộ, công chức, viên chức còn có thể bị:
Bị phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP khi sử dụng rượu bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng hoặc thậm chí bị phạt tù đến 07 năm về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Phải bồi thường thiệt hại nếu vì dùng rượu bia mà gây thiệt hại cho người khác theo Điều 596 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bị phạt đến 14 triệu đồng (đối với xe máy) theo Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và đến 40 triệu đồng theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đối với xe ô tô) nếu dùng rượu bia có nồng độ cồn vượt quá quy định khi tham gia giao thông.
2.Các địa điểm không được uống rượu, bia
Luật quy định địa điểm không được uống rượu, bia gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác. Ngoài ra, theo Điều 3, Nghị định số 24/2020/NĐCP ngày 24/02/2020 quy định một số địa điểm không được uống rượu, bia nơi công cộng như sau:
Công viên, trừ những nhà hàng trong khuôn viên công viên được phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Lệnh này có hiệu lực;
Nhà chờ xe buýt;
Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao khi tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và mục đích sử dụng chính, trừ việc tổ chức liên hoan văn hóa ẩm thực có uống rượu, bia.
Quản lý chặt quảng cáo rượu, bia
Tổ chức, cá nhân khuyến mại rượu, bia phải thực hiện đúng quy định của Luật này và các quy định khác của Luật Quảng cáo. Cung cấp thông tin chính xác về nồng độ cồn của rượu, bia và phải có cảnh báo để phòng tránh tác hại của rượu, bia, tránh nhầm lẫn về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe.
Luật cũng quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia như quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để PCTHRB đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác. Đặc biệt, Luật quy định không quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18h - 21h hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo trong các chương trình thể thao đã mua bản quyền được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; quản lý quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ; rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên…
3.Các biện pháp giảm tác hại của rượu bia
Luật đưa ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; các biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.
Quy định các cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp sau:
Tư vấn về PCTHRB cho người đến khám chữa bệnh; thực hiện một số biện pháp khác nhằm sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia; chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu bia theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế./
Nội dung bài viết:
Bình luận