Việc xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể luôn là một vấn đề được quan tâm. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, để đăng ký Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể, ngoài các tài liệu thông thường cần có, trong đơn đăng ký bắt buộc phải có quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật ACC sẽ cung cấp thông tin về Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Mời các bạn tham khảo.
1. Nhãn hiệu là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 (sau đây được gọi là Luật Sở hữu trí tuệ), nhãn hiệu được giải thích là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Cụ thể có các loại nhãn hiệu sau đây:
- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, nhãn hiệu của một tổ chức, cá nhân,...chỉ được bảo hộ khi tổ chức, cá nhân,... đó tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
2. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể là gì?
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể là quy định về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với các thành viên thuộc tổ chức tập thể đó. Đây cũng là tài liệu bắt bộc khi làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ.
3. Nội dung của quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể
Theo quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, quy chế về sử dụng nhãn hiệu tập thể cần đảm bảo các nội dung sau:
- Thông tin cơ bản, quan trọng về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ nhãn hiệu đăng ký.
- Các điều kiện để được cấp quyền sử dụng và chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu .
- Nghĩa vụ cần tuân thủ của người được chủ sở hữu nhãn hiệu cấp quyền sử dụng.
- Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu (người đăng ký nhãn hiệu) về vấn để kiểm soát tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu,v.v....
- Thông tin về cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và đảm bảo chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ nhãn hiệu đã đăng ký.
- Cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới quá trình sử dụng, khai thác nhãn hiệu tập thể
- Danh sách thành viên được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể
4. Mẫu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể
UBND HUYỆN SƠN ĐỘNG HTX SẢN XUẤT NẤM ĂN NẤM DƯỢC LIỆU HUYỆN SƠN ĐỘNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Bắc Giang, ngày …… tháng ….. năm …… |
QUY CHẾ
SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
“NẤM SƠN ĐỘNG”
– Căn cứ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 về việc đăng ký nhãn hiệu tập thể;
– Căn cứ vào giấy chứng nhận kinh doanh số: 20G000473 ngày 25 tháng 05 năm 2015.
– Căn cứ vào Điều lệ hoạt động của Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn nấm dược liệu Huyện Sơn Động.
Để góp phần giúp các hộ, cơ sở chế biến, sản xuất nấm trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa. Đồng thời giới thiệu rộng rãi ra thị trường, nhằm bảo vệ, nâng cao uy tín sản phẩm nấm tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương;
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể “Nấm Sơn Động” cho sản phẩm Nấm của hợp tác xã Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Huyện Sơn Động, địa chỉ: Han 2, Xã An Lập, Huyện Sơn Động, Tỉnh Bắc Giang
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sản xuất và/hoặc kinh doanh sản phẩm nấm tươi trên địa bàn : Han 2, Xã An Lập, Huyện Sơn Động, Tỉnh Bắc Giang
(Danh sách các hội viên có phụ lục kèm theo)
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Nhãn hiệu tập thể được đề cập trong Quy chế này là nhãn hiệu tập thể “Nấm Sơn Động, hình” cho sản phẩm nấm tươi.
2. Hợp tác xã được đề cập trong Quy chế này là Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn nấm dược liệu Huyện Sơn thuộc: Han 2, Xã An Lập, Huyện Sơn Động, Tỉnh Bắc Giang
3. Hội viên: là tất cả các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nấm tươi trên địa bàn Han 2, Xã An Lập, Huyện Sơn Động, Tỉnh Bắc Giang tự nguyện tham gia và tuân thủ Điều lệ của Hợp tác xã.
Chương II
ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 4. Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể
Hợp tác xã là tổ chức duy nhất được quyền đại diện cho các hội viên đứng ra thực hiện các thủ tục sau:
1. Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể để sử dụng chung trong Hợp tác xã
2. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Điều 5. Phương thức sở hữu và quản lý nhãn hiệu tập thể
1. Hợp tác xã là tổ chức duy nhất được đại diện cho các hội viên thực hiện quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể “Nấm Sơn Động, hình” cho nhóm sản phẩm:
– Nhóm 31: Nấm tươi, Rau củ quả tươi
2. Hợp tác xã thống nhất quản lý việc sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể. Các hội viên chỉ có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể theo đúng các quy định tại Quy chế này.
Điều 6. Quyền hạn của cơ quan quản lý nhãn hiệu tập thể
1. Ban hành các văn bản quản lý phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng, khai thác nhãn hiệu tập thể và tổ chức hướng dẫn hội viên thực hiện các văn bản đã ban hành:
a) Quy trình kỹ thuật sản xuất nấm
b) Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm;
c) Quy định về sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm;
d) Quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
đ) Các văn bản hướng dẫn khác do Hợp tác xã ban hành phục vụ cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể
2. Lập quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xây dựng, phát triển vùng sản xuất sản phẩm nấm bảo hộ nhãn hiệu tập thể theo quy hoạch được phê duyệt.
3. Xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, kế hoạch hằng năm để quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
4. Tổ chức triển khai các hoạt động cấp quyền, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định nêu tại Quy chế này;
5. Tổ chức triển khai các hoạt động in ấn, cấp tem nhãn sử dụng trong Hợp tác xã
6. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và phát triển hệ thống thương mại phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm của hội viên.
7. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan để tập huấn, hướng dẫn kiến thức về sản xuất, kinh doanh, quản lý, khai thác nhãn hiệu… cho các hội viên.
8. Thu phí sử dụng nhãn hiệu của hội viên và sử dụng phí đó vào mục đích chung của Hợp tác xã theo quy định đã được tập thể hội viên biểu quyết thông qua.
9. Các nhiệm vụ khác phù hợp với điều lệ hoạt động của Hợp tác xã và quy định của pháp luật.
Điều 7. Nội dung quản lý, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể
Ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, Ban chấp hành Hợp tác xã có trách nhiệm phải thực hiện các nội dung quản lý, giám sát sau:
1. Quản lý, giám sát các hoạt động khoanh vùng sản xuất của các nhóm sản xuất thuộc Hợp tác xã.
2. Quản lý, giám sát các hoạt động thực hành sản xuất sản phẩm theo Quy trình kỹ thuật đã ban hành.
3. Quản lý, giám sát việc sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm theo Quy định sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm.
Chương III
ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC SỬ DỤNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ
CỦA HỘI VIÊN ĐƯỢC SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 8. Điều kiện được sử dụng nhãn hiệu tập thể
Để được sử dụng nhãn hiệu tập thể, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là hội viên của Hợp tác xã
2. Có hoạt động sản xuất và/hoặc kinh doanh sản phẩm nấm tươi nằm trong vùng quy hoạch thuộc Han 2, Xã An Lập, Huyện Sơn Động, Tỉnh Bắc Giang
3. Sản phẩm nấm được sản xuất theo đúng Quy trình kỹ thuật sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo Quy trình kiểm soát chất lượng và Tiêu chuẩn chất lượng do Hợp tác xã công bố.
4. Tuân thủ quy định về sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm do hợp tác xã ban hành.
5. Có đơn đề nghị được sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Điều 9. Quyền của hội viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể
1. Được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể trong các hoạt động thương mại.
2. Được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
3. Được quyền cung cấp các tài liệu về quản lý, sản xuất, thương mại và các tài liệu khác liên quan đến việc phát triển sản xuất nấm
4. Được hưởng các lợi ích từ hoạt động đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã mang lại.
5. Được quyền giám sát các hoạt động quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu của Ban chấp hành Hợp tác xã và các hoạt động sử dụng nhãn hiệu của các hội viên khác.
6. Được quyền tham gia, đề xuất các ý kiến liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác nhãn hiệu tập thể.
Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể
1. Tuân thủ Quy trình kỹ thuật sản xuất trong các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm.
2. Duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm được gắn nhãn hiệu tập thể theo đúng Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã được Hợp tác xã công bố.
3. Sử dụng tem, nhãn, bao bì cho đúng sản phẩm được gắn nhãn.
4. Không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, chuyển giao tem, nhãn, bao bì cho người khác sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được sự cho phép của Hợp tác xã
5. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Ban chấp hành Hợp tác xã theo các nội dung được quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
6. Nộp phí sử dụng nhãn hiệu theo quy định.
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO LIÊN QUAN
ĐẾN HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 11. Hành vi vi phạm Quy chế
Mọi hoạt động khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể sau đây được xác định là hành vi vi phạm Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể.
1. Sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm không đáp ứng Tiêu chuẩn chất lượng đã được Hợp tác xã công bố.
2. Sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm không tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy chế kiểm soát chất lượng đã được Hợp tác xã ban hành.
3. Sử dụng tem, nhãn, bao bì không đúng với sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
4. Sử dụng không đúng tem, nhãn, bao bì cho sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
5. Tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, tự ý chuyển giao tem, nhãn, bao bì sản phẩm cho người khác sử dụng.
6. Hội viên của Hợp tác xã là chủ cơ sở sản xuất bị giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu.
7. Không nộp lệ phí sử dụng nhãn hiệu theo quy định.
8. Thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng xấu làm tổn hại đến uy tín, danh tiếng của Hợp tác xã, của thành viên khác cũng như Nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ.
Điều 12. Hình thức xử lý
Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hành thức sau:
1. Cảnh cáo
2. Thu hồi tem, nhãn, bao bì sản phẩm đã sử dụng sai mục đích.
3. Đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể có thời hạn
4. Thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Điều 13. Nguyên tắc và thẩm quyền xử lý
1. Mọi hành vi vi phạm Quy chế phải được xử lý kịp thời, công khai, bình đẳng và theo đúng Quy chế và phải được thông báo kết quả xử lý tới toàn thể Hội viên của Hợp tác xã.
2. Ngoài việc xử lý vi phạm theo Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quy chế
a) Ban chỉ đạo Hợp tác xã được quyền áp dụng các hình thức xử lý nêu tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 12 của Quy chế này. Quyết định xử lý của Ban chỉ đạo Hợp tác xã được thông qua khi được 2/3 số thành viên Ban chỉ đạo biểu quyết tán thành.
b) Hợp tác xã được quyền áp dụng các hình thức xử lý nêu tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 12 của Quy chế này. Quyết định xử lý của Hợp tác xã được thông qua khi được 2/3 số hội viên của Làng nghề biểu quyết tán thành.
Điều 14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có tranh chấp, bất đồng hoặc phát hiện có hành vi vi phạm các hội viên có thể khiếu nại, tố cáo với Ban chỉ đạo Hợp tác xã để xem xét, giải quyết.
2. Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể phải được xem xét, giải quyết trên cơ sở Quy chế của Hợp tác xã và pháp luật hiện hành có liên quan của Nhà nước.
3. Trường hợp vụ việc phức tạp, nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết, Hợp tác xã sẽ có văn bản đề nghị hoặc văn bản chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
1. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh vướng mắc, hội viên hoặc các bộ phận trực thuộc Hợp tác xã cần tổng hợp trình Ban chỉ đạo làng nghề nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Mọi sửa đổi, bổ sung Quy chế này phải được Hợp tác xã lập thành văn bản và được ít nhất 2/3 số hội viên biểu quyết thông qua tại Hội nghị toàn thể hội viên của Hợp tác xã
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này đã được Hợp tác xã sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu huyện Sơn Động chấp thuận thông qua và có hiệu lực thi hành sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý với các cơ quan quản lý Nhà nước.
2. Mọi nội dung trong Quy chế có giá trị bắt buộc thi hành đối với mọi thành viên của Hợp tác xã sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu huyện Sơn Động sử dụng nhãn hiệu tập thể: “Nấm Sơn Động”.
Trên đây là tất cả thông tin về Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể [Chi tiết 2023] mà Công ty Luật ACC cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!
Nội dung bài viết:
Bình luận