Kiểm sát viên là một vị trí trong Viện kiểm sát nhân dân. Chức vụ này có vai trò hết sức quan trọng đối với các chức năng nhiệm vụ và thực hành quyền công tố. Kiểm soát mọi hoạt động tư pháp và là hình ảnh nổi bật, gần gũi và sinh động thực tế nhất về viện kiểm sát nhân dân. Vậy kiểm sát viên là gì? Phù hiệu, cấp hiệu của Kiểm sát viên là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Kiểm sát viên là ai?
Theo Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Trong đó, việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định như sau:
- Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
- Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự
Ngoài ra còn kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
(Theo khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)
Về thời hạn bổ nhiệm, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. (Theo Điều 82 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)
2. Ngạch kiểm sát viên và kiểm sát viên sơ cấp
Ngạch kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân gồm có:
- Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm sát viên cao cấp;
- Kiểm sát viên trung cấp;
- Kiểm sát viên sơ cấp.
Điểm đáng lưu ý ở đây là:
Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được bố trí 04 ngạch kiểm sát viên.
Ở Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng là kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
Các viện kiểm sát khác có thể được bố trí các ngạch kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
3. Tiêu chuẩn của kiểm sát viên
- Tiêu chuẩn chung
Để được bổ nhiệm làm kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân nói chung phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
+ Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;
+ Có trình độ cử nhân luật trở lên;
+ Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát;
+ Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật;
+ Có sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
+ Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên sơ cấp (đây là tiêu chuẩn được bổ sung so với trước đây).
- Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên trung cấp:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Đã là kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm;
+ Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với kiểm sát viên sơ cấp;
+ Đã trúng tuyển kì thi vào ngạch kiểm sát viên trung cấp (đây là tiêu chuẩn được bổ sung so với trước đây).
Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiểm sát viên trung cấp nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên trung cấp.
- Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Đã là kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm;
+ Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với kiểm sát viên cấp dưới;
+ Đã trúng tuyển ki thi vào ngạch kiểm sát viên cao cấp.
Ngoài ra, trong trường họp do nhu cầu công tác cán bộ của viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiểm sát viên cao cấp nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm thi có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên cao cấp.
- Tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
+ Đã đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên;
+ Đã là kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm;
+ Có năng lực chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngoài ra, trong trường hợp do nhu cầu công tác cán bộ của viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 20 năm trở lên, có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhưng thiếu tiêu chuẩn đã là kiểm sát viên cao Cấp ít nhất 05 năm thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt:
Bổ nhiệm kiểm sát viên trong trường họp đặc biệt chỉ áp dụng khi: Người được điều động đến để làm lãnh đạo viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Tuy chưa đủ thời gian làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên và các tiêu chuẩn về năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên
Cụ thể tại Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên như sau:
- Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Ngoài ra, Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp.
- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp do luật định.
- Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.
- Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
5. Phù hiệu kiểm sát
Là biểu tượng của ngành kiểm sát nhân dân, làm bằng kim loại dày 1,5mm, hình tròn, đường kính 30mm; phía trái và phải phù hiệu mỗi bên có 4 bông lúa vàng, phía trên cùng nơi tiếp giáp giữa hai ngọn bông lúa là ngôi sao vàng dập nổi, đường kính 1,8mm, chính giữa phù hiệu có lá chắn và hai thanh kiếm đặt chéo phía sau, mũi kiếm chúc xuống phía dưới, hai đuôi nhô lên phía trên, đường kính 15 mm màu bạch kim trên nền đỏ và có những tia của ngôi sao phía trên chiếu xuống. Xung quanh hình lá chắn có 12 vòng nhỏ như 12 đầu đinh, phía dưới có nửa bánh xe răng đường kính 4 mm màu xanh thẫm, vòng cung phía dưới của bánh xe có 2 chữ KS màu bạch kim nổi. Phía sau phù hiệu có đinh ốc nhỏ để gắn vào mũ.
6. Cấp hiệu kiểm sát viên
Cấp, bậc kiểm soát viên Viện kiểm sát nhân dân được phân biệt bằng cấp hiệu gắn trên ve áo, hình bình hành, dài 56mm, rộng 32mm, nền đen, xung quanh viền màu vàng hoặc trắng, cổ gạch và các ngôi sao tuỳ theo cấp, bậc kiểm sát viên, đường kính mỗi ngôi sao 10 mm.
Bề mặt cấp hiệu đính lá chắn -2 thanh kiếm thống nhất cho cả ba cấp kiểm sát viên, chiều cao từ gốc đốc kiếm đến mũi kiếm 22mm, chiều rộng lá chắn 15 mm; cụ thể như sau:
a) Cấp hiệu viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Xung quanh cấp hiệu viền màu vàng, bề rông đường viền 4mm, trên nền cấp hiệu đính Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 20 mm, và lá chắn 2 thanh kiếm.
b) Cấp hiệu kiểm sát viên cao cấp (từ bậc 1 đến bậc 4):
Xung quanh cấp hiệu viền màu vàng, bề rộng đường viền 4 mm, trên nền cấp hiệu gắn lá chắn 2 thanh kiếm, tiếp đó là các ngôi sao vàng để chỉ các bậc (mỗi sao chỉ 1 bậc).
c) Cấp hiệu kiểm sát viên trung cấp (từ bậc 1 đến bậc 3):
Xung quanh cấp hiệu viền màu trắng, chiều rộng đường viền 3 mm, bề mặt cấp hiệu gắn lá chắn 2 thanh kiếm nằm trên 2 gạch trắng, chiều rộng mỗi gạch 2 mm, chiều dài bằng chiều dài của cấp hiệu; gạch thứ nhất (từ dưới lên) cách đường viền 6 mm, gạch thứ 2 cách gạch thứ nhất 2 mm. Phía trên 2 gạch là các ngôi sao xếp thành hàng ngang để chỉ các bậc (mỗi ngôi sao chỉ 1 bậc).
d) Cấp hiệu kiểm sát viên sơ cấp ( từ bậc 1 đến bậc 3):
Xung quanh cấp hiệu viền màu trắng, chiều rộng đường viền 3 mm, bề mặt cấp hiệu gắn lá chắn 2 thanh kiếm nằm trên 1 gạch trắng, chiều rộng gạch 2 mm, chiều dài bằng chiều dài cấp hiệu, cách đường viền phía dưới 8 mm; phía trên gạch là các ngôi sao xếp thành hàng ngang để chỉ các bậc (mỗi ngôi sao chỉ 1 bậc).
Nội dung bài viết:
Bình luận