Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Quản lý chất thải rắn trong sinh hoạt là một nội dung quan trọng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, quy định cụ thể như sau:
1. Phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau:
- Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);
- Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh);
- Nhóm còn lại.
Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp.
- Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý.
2. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
- Từ nay đến ngày 31/12/2021, hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm sau:
+ Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
+ Hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
+ Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
+ Trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Từ ngày 01/01/2022, đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định, thực hiện quản lý như sau:
+ Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
+Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải thực phẩm khôngđể làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôithì phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
3. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
- Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp và điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.
- Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ. Các thiết bị lưu chứa tại các khu vực công cộng phải bảo đảm tính mỹ quan.
- Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ.
- Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu theo quy định.
4. Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
- Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định.
- Thông báo rộng rãi về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư.
- Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
- Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
- Đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
-Định kỳ hàng năm báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
- Bảo đảm các phương tiện vận chuyển, thiết bị lưu giữ, điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu vực lưu giữ (nếu có) đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định. Bảo đảm thời gian thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không được quá 02 ngày.
- Trường hợp chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng thời thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải thực hiện theo quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
- Chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng theo đúng quy định.
- Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn sinh hoạt cho mỗi lần tiếp nhận theo quy định.
- Lập các báo cáo theo quy định.
5. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
- Chi phí thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp thông qua ngân sách địa phương.
- Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cơ sở để xác định giá dịch vụ và là căn cứ để ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính đúng, tính đủ cho một đơn vị khối lượng chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện xử lý bao gồm:
+ Chi phí vận hành, duy trì;
+ Chi phí khấu hao, máy móc, nhà xưởng, công trình được đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm nước rỉ rác và khí thải nếu có) đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định;
+ Các chi phí, thuế và phí khác theo quy định của pháp luật.
- Nguồn thu để chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm phí vệ sinh và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
6. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được áp dụng theo Quyết định số27/2018/QĐ-UBNDngày 20/12/ 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, theo đó giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cụ thể như sau:
- Cá nhân, hộ gia đình: 20.000 đồng/hộ/tháng;
- Phòng trọ: 15.000đồng/phòng/tháng;
- Hộ kinh doanh cá thể (không bao gồm các hộ kinh doanh ăn uống, thực phẩm, vựa rau quả, trái cây): 30.000 đồng/hộ/tháng;
- Trường học, nhà trẻ, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (không bao gồm bệnh viện), công an, quân đội, trụ sở làm việc của doanh nghiệp (không bao gồm cơ sở sản xuất): 140.000 đồng/đơn vị/tháng;
- Cửa hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh ăn uống, nhà máy, bệnh viện, cơ sở sản xuất (bao gồm vựa rau quả, trái cây), cơ sở kinh doanh, chợ, bến tàu, bến xe và công trình xây dựng: Cự ly vận chuyển từ 25km trở lại: 182.000 đồng/tấn rác; Cự ly vận chuyển trên 25km đến 65km: 380.000 đồng/tấn rác.
Giá dịch vụ quy định nêu trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp một đối tượng áp dụng nhiều mức thu thì chỉ thu mức giá cao nhất. Căn cứ tình hình thực tế tại các huyện, thành, thị, các cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt với cá nhân, đơn vị sử dụng.
Ngày 17/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Luật gồm 16 chương, 171 điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, riêng quy định về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường (khoản 3, Điều 29) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.
Khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thì các quy định về Quản lý chất thải rắn trong sinh hoạt áp dụng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định từ Điều 72 đến Điều 80, trong đó các vấn đề về quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định cụ thể và rõ ràng hơn: quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt…Các quy định này hướng tới thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn, nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải nộp sẽ cao, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải.
Nội dung bài viết:
Bình luận