Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi với các nội dung: đối tượng chịu thuế, không chịu thuế; giá tính thuế, thuế suất thuế TTĐB; hoàn thuế, khấu trừ thuế Tiêu thụ đặc biệt; … được ban hành ngày 28/10/2015. Dưới đây là thông tin cơ bản của Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
1. Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là sắc thuế đánh vào một số hàng hoá dịch vụ đặc biệt nằm trong danh mục Nhà nước quy định. Tính chất đặc biệt hay không đặc biệt của hàng hoá, dịch vụ ở một quốc gia tùy thuộc vào phong tục, tập quán, lối sống văn hoá và mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó. Nhìn chung, các hàng hoá, dịch vụ được lựa chọn để thu thuế TTĐB có các tính chất sau:
- Việc sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hoá, dịch vụ này chưa thật cần thiết đối với đời sống xã hội nên thường chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.
- Lượng cầu của hàng hoá, dịch vụ này thường biến động theo thu nhập nhưng ít biến động theo mức giá cả.
- Các loại hàng hoá này cần hạn chế tiêu dùng do không có lợi đối với nền kinh tế - xã hội nói chung hoặc có hại cho sức khỏe, môi trường hay gây lãng phí cho xã hội.
Thuế TTĐB là nguồn thu quan trọng của thuế tiêu dùng, tạo ra một tiềm năng rất lớn về nguồn thu cho NSNN. Do các loại hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB có khối lượng tiêu thụ lớn, ít người sản xuất, lượng cầu ít biến động, dễ xác định và ít có khả năng thay thế. Trong khi đó, nó lại đòi hỏi rất ít về nguồn lực quản lý. Vì vậy, thuế TTĐB thường tạo ra sô' thu đáng kể cho NSNN. Thuế TTĐB còn được coi là công cụ quan trọng thực hiện mục đích hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ được coi là đặc biệt. Trong việc thực hiện mục tiêu này, tư tưởng chung là hạn chế những hàng hoá, dịch vụ mà việc sản xuất, tiêu dùng không có lợi cho nền kinh tế quốc dân xét trên phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Mặt khác, thuế TTĐB góp phần quan trọng trong việc tái phân phối thu nhập của người có thu nhập cao, đảm bảo công bằng xã hội.
2. Thuộc tính pháp lý của Nghị định 108/2015/NĐ-CP
- Số ký hiệu: 108/2015/NĐ-CP
- Ngày ban hành: 28/10/2015
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày có hiệu lực: 01/01/2016
- Nguồn thu thập: Công báo số 1107 + 1108/2015 Ngày đăng công báo: 09/11/2015
- Ngành: Tài chính
- Cơ quan ban hành/ Chức danh / Người ký: Chính phủ
- Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng
- Phạm vi: Toàn quốc
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
- Lý do hết hiệu lực: Bị hết hiệu lực theo Quyết định số 2840/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ theo Luật Phí và lệ phí
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
3. Nội dung chính của Nghị định 108/2015/NĐ-CP
Nghị định số 14/2019/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng không chịu thuế, hoàn thuế và khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, về việc khấu trừ thuế, Nghị định số 14/2019/NĐ-CP nêu rõ, người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng các nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu (bao gồm cả số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế) hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán ra.
Đối với xăng sinh học, số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ của kỳ khai thuế được căn cứ vào số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp hoặc đã trả trên một đơn vị nguyên liệu mua vào của kỳ khai thuế trước liền kề của xăng khoáng để sản xuất xăng sinh học.
Đối với các doanh nghiệp được phép sản xuất, pha chế xăng sinh học, việc kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học (bao gồm cả số thuế chưa được khấu trừ hết phát sinh kể từ kỳ khai thuế tháng 1/2016) được bù trừ với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác phát sinh trong kỳ. Trường hợp sau khi bù trừ còn số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc hoàn trả.
Nghị định cũng bổ sung quy định trường hợp tàu bay không vận chuyển hành khách phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, trường hợp tàu bay, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch; Tàu bay không sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ban hành Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt (Mẫu số 01/TTĐB) và Bảng xác định thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ (nếu có) (Mẫu số 01-1/TTĐB).
Về căn cứ tính thuế Tiêu thụ đặc biệt
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có))/ (1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt)
Nghị định số 108/2015 quy định giá tính thuế TTĐB
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra và hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
- Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có))/ 1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Trường hợp cơ sở nhập khẩu hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ ô tô dưới 24 chỗ và xăng các loại), cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ ô tô dưới 24 chỗ) bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán ra nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Ngoài ra, Nghị định 108 còn quy định trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ ô tô dưới 24 chỗ và xăng các loại) và giá bán của cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ ô tô dưới 24 chỗ) thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Trên đây là nội dung giới thiệu của chúng tôi về Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như các vấn đề pháp lý khác có liên quan trong phạm vi này. Trong quá trình tìm hiểu nếu quý khách hàng còn thắc mắc hay quan tâm và có nhu cầu tư vấn và hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Nội dung bài viết:
Bình luận