Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong bài viết này, Luật ACC xin được cập nhật tới bạn đọc một số nội dung quan trọng tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.
Để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống và phù hợp thực tiễn, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm:
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019
- Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021
- Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề
- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020…
Nghị định số 92/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu. Đây là một bước đánh dấu để đưa Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh của thế giới.
1. Giảm 30% thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2021
Đối tượng áp dụng:
Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 (không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác).
Lưu ý: Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.
Cách xác định:
Số thuế TNDN được giảm được tính trên số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021, sau khi đã trừ đi số thuế TNDN mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định.
Kê khai:
Căn cứ doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 và dự kiến doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN hàng quý.
Khi thực hiện quyết toán thuế TNDN năm 2021, việc xử lý số thuế nộp thiếu hoặc nộp thừa của số thuế tạm nộp các quý so với số thuế phải nộp theo quyết toán năm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2. Miễn thuế TNCN, GTGT và các loại thuế khác trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Đối tượng áp dụng:
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 (theo danh sách địa bàn do chính quyền địa phương ban hành).
Cách xác định:
- Đối với trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền: Cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 trên Thông báo nộp tiền.
- Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền: Người nộp thuế căn cứ số thuế phải nộp theo Tờ khai thuế.
Kê khai:
- Đối với trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền: Cơ quan thuế lập danh sách hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được miễn thuế, căn cứ số thuế thực nộp của từng hộ, cá nhân kinh doanh để xác định số thuế được miễn và ra Quyết định miễn thuế kèm theo danh sách hộ, cá nhân kinh doanh được miễn thuế.
- Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền: Hộ, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ tự xác định số thuế phải nộp sau khi miễn thuế để khai trên Tờ khai thuế, đồng thời lập bản xác định số thuế được miễn để nộp kèm theo Tờ khai thuế.
3. Giảm 30% thuế GTGT kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021
Đối tượng áp dụng:
Hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
- Dịch vụ vận tải;
- Dịch vụ lưu trú và ăn uống;
- Thông tin và truyền thông;
- Dịch vụ hành chính và hỗ trợ;
- Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí.
Cách xác định:
Đối với phương pháp GTGT khấu trừ: Giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ
Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: Giảm 30% mức tỷ lệ tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ
Kê khai:
- Phương pháp khấu trừ: Khi lập hoá đơn giảm thuế, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, bên bán kê khai thuế GTGT đầu ra, bên mua kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn.
- Phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: Khi lập hoá đơn bán hàng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.
4. Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Đối tượng áp dụng:
Doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020.
Cách xác định:
Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành Quyết định miễn tiền chậm nộp.
Kê khai:
Người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp, trong đó nêu rõ số lỗ phát sinh của kỳ tính thuế năm 2020 lến cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị, cơ quan thuế ban hành Thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp hoặc Quyết định miễn tiền chậm nộp thuế.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về chủ đề: Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15. Nếu quý khách hàng có bất kỳ câu hỏi liên quan đến chủ đề này có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để nhận được câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất. Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, chúng tôi tự tin cam kết cho Quý khách hàng dịch vụ pháp lý tốt nhất, nhanh nhất, giá cả hợp lý nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận