Nghị định về Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 101/2010/NĐ-CP

Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Trong bài viết này ACC sẽ gửi đến bạn đọc nội dung về Nghị định về Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 101/2010/NĐ-CP.

Nghị định Về Luật Phòng Chống Bệnh Truyền Nhiễm Số 101 2010 NĐ Cp

Nghị định về Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 101/2010/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 101/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2010

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CÁCH LY Y TẾ, CƯỠNG CHẾ CÁCH LY Y TẾ VÀ CHỐNG DỊCH ĐẶC THÙ TRONG THỜI GIAN CÓ DỊCH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1. CÁCH LY Y TẾ, CƯỠNG CHẾ CÁCH LY Y TẾ

Điều 1. Áp dụng biện pháp cách ly y tế

1. Biện pháp cách ly y tế tại nhà được áp dụng đối với các trường hợp:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch, trừ đối tượng là người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh dịch thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là một số bệnh thuộc nhóm B);

b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B;

c) Người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.

2. Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;

b) Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

3. Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp:

a) Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A;

b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

4. Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

Điều 2. Thẩm quyền, hình thức quyết định và thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế

1. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế:

a) Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở y tế đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều 1 Nghị định này;

b) Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định này;

c) Người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

2. Việc quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế được thực hiện theo một trong các hình thức sau:

a) Ban hành quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với từng đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế;

b) Ban hành quyết định phê duyệt danh sách các trường hợp bị áp dụng biện pháp cách ly y tế;

c) Phê duyệt trực tiếp trên bản danh sách các trường hợp bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

3. Thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế:

a) Thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế do người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định nhưng không quá 21 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế có hiệu lực. Riêng đối với hình thức cách ly y tế tại cửa khẩu, thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế không quá 02 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế có hiệu lực;

b) Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế chưa khỏi bệnh hoặc chưa được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì phải gia hạn thời gian cách ly.

Quyết định gia hạn thời gian cách ly y tế là 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Điều 3. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà

1. Trong thời gian 03 giờ, kể từ khi phát hiện người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) lập danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã để xem xét, phê duyệt.

2. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của Trạm trưởng Trạm y tế xã, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phải quyết định việc phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế. Trường hợp từ chối phê duyệt phải nêu rõ lý do.

3. Trong thời gian 03 giờ, kể từ khi danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế được phê duyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã có trách nhiệm:

a) Thông báo việc áp dụng biện pháp cách ly cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và thân nhân của họ, đồng thời thông báo cho Công an xã và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc để phối hợp giám sát việc thực hiện biện pháp cách ly y tế;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp giám sát, theo dõi sức khỏe của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế;

c) Báo cáo và đề xuất với Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã về các biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ lây nhiễm từ người bị cách ly y tế ra cộng đồng.

4. Trường hợp người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Sau khi tiếp nhận đối tượng, người đứng đầu khoa, phòng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận đối tượng có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện việc cách ly và chăm sóc, điều trị cho người bệnh;

b) Thông báo với Trạm trưởng Trạm Y tế xã về tình trạng bệnh của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

6. Sau khi nhận được thông báo của người đứng đầu khoa, phòng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận đối tượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã có trách nhiệm:

a) Thông báo hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cách ly y tế trong trường hợp nhận được thông báo xác định người đó không mắc bệnh truyền nhiễm;

b) Lập danh sách những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong trường hợp nhận được thông báo xác định người đó mắc bệnh truyền nhiễm.

Điều 4. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế

1. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi phát hiện đối tượng thuộc quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, trưởng khoa, phòng nơi đối tượng đang khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế và báo cáo người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để xem xét, phê duyệt.

2. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của trưởng khoa, phòng nơi đối tượng đang khám bệnh, chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải phê duyệt danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế.

Trường hợp đối tượng thuộc khoản 4 Điều 3, khoản 5 Điều 5 Nghị định này, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải phê duyệt lại danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế mà chỉ thực hiện thủ tục tiếp nhận người bệnh và chỉ đạo việc thực hiện cách ly y tế đối với đối tượng tại cơ sở của mình.

3. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế được phê duyệt, trưởng khoa, phòng nơi đối tượng đang khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:

a) Thông báo việc áp dụng biện pháp cách ly y tế cho đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và thân nhân của họ;

b) Chuyển đối tượng đến địa điểm thực hiện cách ly y tế và phân công nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị cho đối tượng.

4. Trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cách ly y tế mà xác định người bị áp dụng biện pháp cách ly không mắc bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thông báo hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người đó.

5. Sau khi hết thời gian cách ly, nếu người bệnh chưa khỏi bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị quyết định việc gia hạn thời gian cách ly.

Điều 5. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu

1. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi phát hiện đối tượng thuộc quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế và báo cáo người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu để xem xét, phê duyệt.

2. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới, người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu phải phê duyệt danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế.

3. Trong thời gian 01 giờ, kể từ khi danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế được phê duyệt, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm:

a) Thông báo việc áp dụng biện pháp cách ly y tế cho:

- Đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và thân nhân của họ đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam;

- Thân nhân hoặc người chịu trách nhiệm vận chuyển đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là thi hài, hài cốt;

- Chủ hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là hàng hóa, phương tiện vận tải, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người;

- Cơ quan phụ trách an ninh tại cửa khẩu để phối hợp trong việc giám sát việc thực hiện cách ly y tế.

b) Chuyển đối tượng đến địa điểm thực hiện cách ly y tế và phân công nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị cho đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

Trường hợp đối tượng bị cách ly y tế là hàng hóa, phương tiện vận tải, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người, thi hài, hài cốt, việc áp dụng các biện pháp xử lý y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm dịch y tế biên giới.

4. Sau khi hết thời gian thực hiện biện pháp cách ly y tế, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm lập danh sách những đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và gửi cho Trạm y tế xã nơi đối tượng cư trú để thực hiện việc theo dõi sức khỏe.

5. Trường hợp người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

6. Sau khi tiếp nhận đối tượng, người đứng đầu khoa, phòng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận đối tượng có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện việc cách ly y tế và chăm sóc, điều trị cho người bệnh;

b) Thông báo với người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu về tình trạng bệnh của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

7. Trường hợp nhận được thông báo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định người đó mắc bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm lập danh sách những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và gửi cho Trạm Y tế xã nơi người tiếp xúc cư trú để theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe.

Điều 6. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở, địa điểm khác

1. Trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly y tế của cửa khẩu:

a) Trong thời gian 06 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới, người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu gửi văn bản về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) nơi có cửa khẩu đề nghị hướng dẫn thực hiện việc cách ly y tế;

b) Trong thời gian 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu, Sở Y tế tỉnh phải có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện cách ly y tế.

2. Trường hợp số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch, trong thời gian 06 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) quyết định việc áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 48 và việc huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch theo quy định tại Điều 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 7. Quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời

1. Biện pháp ngăn chặn tạm thời được áp dụng trong thời gian chờ quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế của người có thẩm quyền quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Các biện pháp ngăn chặn tạm thời gồm:

a) Bắt buộc áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm;

b) Hạn chế giao tiếp của đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp cách ly y tế với môi trường và cộng đồng xung quanh.

3. Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn:

a) Trạm trưởng Trạm Y tế xã đối với đối tượng thuộc quy định khoản 1 Điều 1 Nghị định này;

b) Trưởng khoa, phòng nơi đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang khám bệnh, chữa bệnh;

c) Người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới đối với đối tượng thuộc quy định khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 6 Nghị định này;

d) Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

4. Thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn:

a) Không quá 03 giờ đối với đối tượng thuộc quy định khoản 1 Điều 1 Nghị định này;

b) Không quá 01 giờ đối với đối tượng thuộc quy định khoản 2, 3 Điều 1 Nghị định này;

c) Không quá 06 giờ đối với đối tượng thuộc quy định Điều 6 Nghị định này.

Điều 8. Các trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại Điều 1 nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại Điều 2 Nghị định này.

Điều 9. Thẩm quyền và thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế

1. Thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Thời điểm ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế:

a) Trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 1 của Nghị định này: trong vòng 24 giờ, kể từ khi phát hiện đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ;

b) Trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các khoản 3 Điều 1 của Nghị định này: trong vòng 06 giờ, kể từ khi phát hiện đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ.

3. Nội dung của quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế:

a) Đối tượng bị bắt buộc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế;

b) Địa điểm thực hiện việc cưỡng chế cách ly y tế;

c) Thời hạn cách ly y tế;

d) Trách nhiệm của đối tượng bị bắt buộc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế và cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.

4. Thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế:

a) Thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế do người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định nhưng không quá 21 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế có hiệu lực;

b) Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế chưa khỏi bệnh hoặc chưa được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhưng trong quá trình thực hiện biện pháp cưỡng chế cách ly y tế không tuân thủ các quy định của cơ quan thực hiện việc cưỡng chế cách ly phải gia hạn thời gian cưỡng chế cách ly.

Quyết định gia hạn thời gian cưỡng chế cách ly y tế là 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Điều 10. Thủ tục tiến hành cưỡng chế cách ly y tế

1. Trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế đang ở trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Trưởng khoa, phòng nơi quản lý người bệnh thực hiện việc thông báo nội dung của quyết định cho đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly, thân nhân của họ và người trực tiếp chăm sóc cho người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế;

b) Thủ trưởng cơ quan công an nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở có trách nhiệm phân công cán bộ phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện cưỡng chế cách ly y tế và giám sát việc thực hiện cưỡng chế cách ly y tế trên cơ sở đề nghị của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế là đối tượng kiểm dịch y tế biên giới:

a) Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thực hiện việc thông báo nội dung của quyết định cho:

- Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế và thân nhân của họ;

- Thân nhân hoặc người chịu trách nhiệm vận chuyển đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế là thi hài, hài cốt;

- Chủ hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là hàng hóa, phương tiện vận tải, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người;

b) Cơ quan phụ trách an ninh tại cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới trong việc thực hiện cưỡng chế cách ly y tế và giám sát việc thực hiện cưỡng chế cách ly y tế theo đề nghị của Thủ trưởng tổ chức kiểm dịch y tế biên giới.

3. Trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế đang lưu trú ở vùng có dịch, cơ quan công an cấp xã nơi đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly đang cư trú có trách nhiệm:

a) Thông báo nội dung của quyết định cho đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly, thân nhân của họ và người được giao nhiệm vụ chăm sóc cho người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế;

b) Thực hiện việc đưa người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế từ nơi lưu trú đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc cách ly y tế;

c) Phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc giám sát đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.

4. Việc quản lý người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này.

Điều 11. Điều kiện đối với cơ sở thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế 

1. Cơ sở thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được thiết lập ở vị trí ít người qua lại. Trường hợp dùng để cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc một số bệnh thuộc nhóm B phải có phòng đệm trước khi vào phòng cách ly;

b) Cửa ra vào và cửa sổ phải bảo đảm đủ độ kín và chắc chắn để bảo đảm áp lực âm so với khu vực bên ngoài. Trường hợp không có phòng cách ly áp lực âm phải đặt phòng cách ly ở cuối chiều gió và mở hai cửa sổ để bảo đảm thông khí;

c) Có điện, nước sạch, khu vệ sinh độc lập và hệ thống xử lý chất thải trước khi thải vào nơi chứa chất thải.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Điều 12. Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài

1. Thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài thực hiện theo quy định tại các Điều 3, 4 và 5 Nghị định này. Riêng việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp người nước ngoài có thân nhân đi cùng: người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và thân nhân của họ. Đồng thời gửi văn bản thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế;

b) Đối với trường hợp người nước ngoài không có thân nhân đi cùng: Người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế gửi thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

3. Căn cứ các quy định của Nghị định này, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Điều 13. Quản lý người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

1. Trong thời gian áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng chế độ ăn, mặc, ở và không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế nếu:

a) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có diễn biến bệnh hoặc mắc các bệnh khác vượt quá khả năng xử lý của mình thì thủ trưởng cơ quan thực hiện việc cách ly phải chuyển người đó đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ khả năng gần nhất để điều trị cho người bệnh;

b) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế mà bị tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế phải tiến hành việc kiểm thảo tử vong theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện vệ sinh trong việc quàn, ướp, chôn cất, di chuyển thi hài, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Việc vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế từ địa điểm này đến địa điểm khác phải sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dụng, đồng thời phải áp dụng các biện pháp dự phòng để không làm lây nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người vận chuyển và ra cộng đồng.

Điều 14. Chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

1. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định này được miễn viện phí.

2. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ y tế; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám, điều trị do Quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

3. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm do ngân sách nhà nước bảo đảm.

4. Các cơ sở thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bảo đảm kịp thời, thuận lợi. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Ngân sách nhà nước hỗ trợ miễn phí tiền ăn cho các đối tượng là người nghèo.

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể chế độ áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và trách nhiệm của nhà nước quy định tại Điều này.

Chương 2. ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH ĐẶC THÙ TRONG THỜI GIAN CÓ DỊCH

Điều 15. Áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng

1. Điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong vùng đang có dịch:

a) Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc thuộc nhóm B nhưng có khả năng lây truyền ở mức độ cao theo quy mô và tính chất của từng loại bệnh truyền nhiễm;

b) Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch là qua ăn, uống hoặc có nguy cơ trở thành trung gian truyền bệnh ở mức độ cao theo quy mô và tính chất của từng loại bệnh truyền nhiễm.

2. Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong vùng đang có dịch được thực hiện khi cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đã khống chế được dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp huyện.

4. Nội dung của quyết định áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng:

a) Quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng phải quy định rõ loại hình dịch vụ ăn uống bị tạm đình chỉ, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định;

b) Quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng phải quy định rõ loại hình dịch vụ ăn uống được hủy bỏ áp dụng theo quyết định tạm đình chỉ, phạm vi và thời gian áp dụng.

5. Trường hợp hết thời gian trong quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng nhưng dịch vẫn chưa được khống chế, Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tương ứng để xem xét, quyết định việc ban hành quyết định điều chỉnh thời gian áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.

Điều 16. Áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh

1. Điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh:

a) Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh và nguy cơ lây truyền qua ăn, uống ở mức độ cao.

2. Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh được thực hiện khi cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đã khống chế được dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Thẩm quyền quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng đối với loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh trên địa bàn tỉnh;

b) Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng trong phạm vi toàn quốc đối với loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh đã có từ hai tỉnh trở lên quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng.

4. Nội dung của quyết định áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng thực phẩm:

a) Quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng thực phẩm phải quy định rõ loại thực phẩm bị cấm kinh doanh, sử dụng, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định;

b) Quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng thực phẩm phải quy định rõ loại thực phẩm được hủy bỏ theo quyết định cấm kinh doanh, sử dụng, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định.

5. Trường hợp hết thời gian trong quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng đối với từng loại thực phẩm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định việc ban hành quyết định điều chỉnh thời gian áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng thực phẩm.

Điều 17. Áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch

1. Điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng:

a) Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

2. Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng được thực hiện khi cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đã khống chế được dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Thẩm quyền quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp huyện;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ hai huyện trở lên theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh;

c) Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng đối với các hoạt động, dịch vụ có quy mô lớn ở trong nước.

4. Nội dung của quyết định áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng:

a) Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng phải quy định rõ các hình thức tập trung đông người, hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng bị cấm, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định;

b) Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng phải quy định rõ các hình thức tập trung đông người, hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng được hủy bỏ quyết định cấm, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định.

5. Trường hợp hết thời gian trong quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng nhưng vẫn chưa khống chế được dịch, Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tương ứng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét, quyết định việc ban hành quyết định điều chỉnh thời gian áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Điều 18. Đưa tin về việc áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch

1. Quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 06 giờ, kể từ thời điểm ban hành, cụ thể như sau:

a) Quyết định áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng và biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được đăng tải trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã thuộc huyện với tần xuất 03 lần/ngày trong thời gian 07 ngày liên tục;

b) Quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm và biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được đăng tải trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo của tỉnh và các huyện trong thời gian 07 ngày liên tục;

c) Quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm và biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được đăng tải trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, các báo có phạm vi phát hành toàn quốc trong thời gian 07 ngày liên tục.

2. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.

Chương 3. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2010.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Nghị định; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Nghị định này để đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước.

2. Căn cứ các quy định của Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với đối tượng đang thi hành hình phạt tù tại trại giam hoặc đang thi hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

Trên đây là toàn bộ nội dung về Nghị định về Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 101/2010/NĐ-CP. mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất, chúng tôi có các dịch vụ hỗ trợ mà bạn cần. ACC đồng hành pháp lý cùng bạn.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo