Mẫu Quy chế dùng cho chi bộ đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập là văn bản hướng dẫn tổ chức, nguyên tắc hoạt động và trách nhiệm của chi bộ trong các đơn vị công lập. Quy chế này giúp tăng cường kỷ luật, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, đảm bảo chi bộ thực hiện tốt vai trò chính trị và chuyên môn tại cơ sở.
Mẫu Quy chế dùng cho chi bộ đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập
1. Chức năng của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập là gì?
Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và viên chức, người lao động; xây dựng đảng bộ, chi bộ và đơn vị trong sạch, vững mạnh.
2. Nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập?
Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị: Lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng: Tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và người lao động.
Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ: Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng, phát hiện và xử lý các vi phạm.
Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội: Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị hoạt động hiệu quả.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần: Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Xây dựng đơn vị: Xây dựng đơn vị trở thành nơi làm việc hiệu quả, dân chủ, văn minh.
3. Mẫu Quy chế dùng cho chi bộ đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập
ĐẢNG BỘ BỘ TÀI CHÍNH CHI BỘ (CHI ỦY) ............ * Số - QC/CB |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm .… |
DỰ THẢO
QUY CHẾ LÀM VIỆC
của chi bộ ……… nhiệm kỳ …
(Mẫu Quy chế dùng cho chi bộ đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập)
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Căn cứ Quy định số 98-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan;
- Căn cứ Quyết định số -QĐ/ĐU ngày tháng năm ... của Đảng ủy Bộ Tài chính về việc chuẩn y kết quả bầu cử cấp ủy chi bộ …… nhiệm kỳ …;
Chi bộ …… ban hành Quy chế làm việc nhiệm kỳ ……. như sau,
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CHI BỘ
Điều 1: Chức năng
Chi bộ …… là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao; đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện tốt chức năng xây dựng, phát triển đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Điều 2: Nhiệm vụ
- Lãnh đạo xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị
Chi uỷ chi bộ thường xuyên phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từng bộ phận, từng đảng viên là cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, điều hành cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến và nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí.
- Lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng
Chi bộ phân công một đồng chí chi ủy viên phụ trách công tác chính trị tư tưởng, giúp chi bộ nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị, kịp thời uốn nắn những lệch lạc về nhận thức, tư tưởng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ.
Đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị được tham gia học tập đầy đủ chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Kiên quyết chống tư tưởng và việc làm trái với Cương lĩnh, Chỉ thị, Nghị quyết, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống tác phong quan liêu, xa rời thực tế, xa rời quần chúng, chống tư tưởng cục bộ, gia trưởng, vô tổ chức, vô kỷ luật, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
- Lãnh đạo thực hiện công tác tổ chức và cán bộ
Chi ủy tham mưu thực hiện tốt công tác tổ chức và cán bộ, có trách nhiệm giúp chi bộ đề xuất ý kiến về công tác tổ chức và cán bộ của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ; tham mưu thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; chỉ đạo việc lấy ý kiến nhận xét, đánh giá, đề nghị bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ khi có yêu cầu.
- Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội
Chi ủy phân công cấp uỷ viên phụ trách công tác đoàn thể có nhiệm vụ theo dõi tình hình hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, nữ công … tham mưu cho chi bộ chỉ đạo hoạt động đoàn thể đúng chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của các đoàn thể cấp trên; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động đúng Điều lệ và Quy chế.
Đoàn viên, hội viên được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên trong chi bộ; làm tốt công tác bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú để xem xét đề nghị kết nạp Đảng; phát huy quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên trong việc tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của cơ quan, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí và chống những biểu hiện tiêu cực khác.
- Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh
Thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, chấp hành nghiêm nề nếp sinh hoạt Đảng và làm tốt công tác kiểm tra của chi bộ.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể chi ủy, chi bộ lãnh đạo bằng Nghị quyết, phân công cho từng cá nhân phụ trách. Nghị quyết của chi bộ phải được tán thành theo đa số. Chi ủy chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chương II
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN
Điều 3. Trách nhiệm và quyền hạn của chi bộ
- Chi bộ thực hiện sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác cán bộ; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể thuộc cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của chi bộ; mọi chủ trương, công tác lớn của đơn vị đều phải được chi bộ thảo luận và thông qua Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện.
- Chi bộ lãnh đạo công tác của đơn vị và các tổ chức đoàn thể bằng Nghị quyết. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội là cụ thể hóa Nghị quyết của chi bộ để triển khai thực hiện, đồng thời chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo của chi bộ.
Định kỳ hoặc đột xuất, chi bộ kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đảng viên, công chức trong cơ quan, đơn vị.
Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của chi ủy
- Chi ủy Chi bộ
- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên và người lao động đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao theo đúng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi nghị quyết của Đảng.
- Chăm lo xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; chủ động, đề phòng và kịp thời khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật.
- Giáo dục, quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác và rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên.
- Kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên.
- Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thu, nộp đảng phí của đảng viên đúng quy định.
- Tổ chức sinh hoạt chi ủy, chi bộ, sinh hoạt chuyên đề theo quy định và sinh hoạt bất thường khi cần thiết.
- Triệu tập đại hội chi bộ khi hết nhiệm kỳ và chuẩn bị nội dung nhân sự đại hội trình cho Đảng ủy cấp trên.
- Bí thư chi bộ
- Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước chi bộ, chịu trách nhiệm trước Đảng ủy Bộ Tài chính về mọi hoạt động của chi bộ; phụ trách chung và lãnh đạo trực tiếp các công tác sau:
- Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng; cùng các đồng chí trong cấp ủy nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên; định hướng kịp thời nhằm ổn định tư tưởng chính trị, tạo sự đoàn kết, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ.
- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng; công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng, đề ra nhiệm vụ trọng tâm tháng tới và xin ý kiến chi bộ.
- Lãnh đạo, hội ý trong cấp ủy về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của cấp ủy.
- Điều hành các buổi sinh hoạt chi bộ theo đúng nội dung, chương trình đã được chi ủy duyệt; chủ trì dự thảo các kết luận, nghị quyết của chi bộ sau các kỳ họp; không ngừng tăng cường đoàn kết nội bộ.
- Thực hiện các quan hệ của chi bộ với các Đảng ủy, các tổ chức đảng trực thuộc Bộ.
- Phó Bí thư chi bộ
- Thay mặt Bí thư điều hành các hoạt động của chi bộ khi Bí thư đi vắng (hoặc khi được ủy quyền).
- Phó Bí thư phụ trách phần công việc được Chi ủy phân công.
- Lãnh đạo trực tiếp các mảng công tác: Dự thảo chương trình, nội dung, nghị quyết các cuộc họp của chi bộ; đảm bảo cho việc sinh hoạt chi bộ đúng quy định; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao phục vụ cho các cuộc họp sơ kết, tổng kết; thông báo các văn bản của cấp trên đến đảng viên; công tác văn phòng cấp ủy; Quản lý hồ sơ chi bộ hàng năm.
- Thực hiện nhiệm vụ được Bí thư, cấp ủy phân công.
- Chi ủy viên
- Tham gia, đề xuất ý kiến của mình vào công việc chung của chi bộ.
- Thực hiện tốt và chịu trách nhiệm trước Chi ủy, Chi bộ về lĩnh vực được phân công; kịp thời phản ánh, báo cáo tình hình với Chi ủy về công việc được phân công.
- Trực tiếp theo dõi công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; trực tiếp theo dõi công tác dân vận; công tác tổ chức đoàn thể của cơ quan; xây dựng và theo dõi Chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm, nhiệm kỳ.
- Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, nhiệm kỳ về Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư BCH TW khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/20212 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Phụ trách sinh hoạt chuyên đề của chi bộ.
- Quản lý tài chính, thu, nộp đảng phí.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên
- Thực hiện tốt 4 nhiệm vụ của người đảng viên được quy định tại Điều 2 của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam và các nhiệm vụ được chi ủy, chi bộ phân công.
- Tham gia ý kiến thảo luận, biểu quyết những nội dung do chi bộ yêu cầu và liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của đảng viên.
- Các đồng chí đảng viên, chi ủy viên phải nghiêm túc tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ nơi công tác và Chi bộ nơi cư trú theo quy định theo Quy định 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Ban Chấp hành Trung ương; gương mẫu về mọi mặt nơi công tác và nơi cư trú; thực hiện tốt Quy định những điều đảng viên không được làm.
Chương III
NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 6. Nguyên tắc làm việc
Chi bộ ……. hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, giữ vững sự đoàn kết nhất trí; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên và Quy chế làm việc đã đề ra.
Điều 7. Chế độ làm việc
Cấp ủy, chi bộ mỗi tháng họp thường lệ 1 lần, sinh hoạt chuyên đề mỗi quý 1 lần; khi cần thiết chi ủy triệu tập họp bất thường; chi ủy trao đổi công việc thống nhất chương trình hoặc công việc đột xuất, chuẩn bị chu đáo đầy đủ các nội dung trước khi tiến hành tổ chức họp chi bộ; các cuộc họp cấp ủy, họp chi bộ do Bí thư hoặc Phó Bí thư chủ trì theo sự phân công của Bí thư.
Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo
- Chi ủy có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, thường xuyên, kịp thời những thông tin cần thiết liên quan đến công tác đảng cho các đồng chí trong cấp ủy, đảng viên.
- Chi ủy dự thảo các báo cáo sơ kết, tổng kết và hết nhiệm kỳ gửi đảng viên tham gia ý kiến, hoàn thiện và báo cáo với Đảng ủy hoặc trình ra Đại hội và báo cáo định kỳ, đột xuất khác.
Điều 9. Chế độ kiểm tra, giám sát
Căn cứ hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên, Chi ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm của chi bộ. Chi ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết của Chi bộ và các yêu cầu, nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên.
Điều 10. Chế độ tự phê bình và phê bình
Định kỳ hàng năm tiến hành tự phê bình, phê bình sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của cấp ủy gắn với đánh giá tình hình công tác xây dựng Đảng cả năm của Chi bộ.
Điều 11. Chế độ phát ngôn và giữ gìn bí mật
Chi ủy viên và đảng viên được phát huy dân chủ, thảo luận, chất vấn các công việc trong cuộc họp chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng; nói, viết và làm theo đúng Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không nói và làm theo ý riêng cá nhân kể cả trong trường hợp bảo lưu ý kiến; phải giữ đúng quy định chung và các quy định cụ thể về bảo vệ tài liệu bí mật, giao nộp, cung cấp, khai thác thông tin, tài liệu đúng quy định.
Chương IV
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 12. Đối với Đảng ủy Bộ Tài chính
Chi bộ …… chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Bộ Tài chính, nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy, báo cáo đầy đủ theo chế độ quy định về hoạt động của Chi bộ cho Đảng ủy biết để lãnh đạo, chỉ đạo.
Điều 13. Đối với các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính
Thường xuyên giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đảng bộ, chi bộ trong Bộ Tài chính, không ngừng trao đổi, học tập kinh nghiệm lãnh đạo và công tác, phối hợp để cùng thực hiện và xử lý các công việc chung của Đảng ủy và Bộ Tài chính.
Điều 14. Đối với các tổ chức đoàn thể
Chi ủy lãnh đạo và tạo mọi điều kiện để các tổ chức đoàn thể hoạt động nhằm phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, vận động đoàn viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 15: Đối với Lãnh đạo cơ quan, đơn vị
Chi uỷ phối hợp với Lãnh đạo cơ quan, đơn vị lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ theo quy chế làm việc của Chi bộ và cơ quan, đơn vị đã đề ra; thảo luận, thống nhất với Lãnh đạo cơ quan, đơn vị những vấn đề quan trọng để chi ủy tham mưu cho chi bộ ra Nghị quyết sát hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Tổ chức thực hiện
- Quy chế này được Chi bộ ….. thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất; báo cáo Đảng ủy Bộ Tài chính để theo dõi, chỉ đạo thực hiện.
- Các đồng chí Chi ủy và toàn thể đảng viên Chi bộ ……… có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
- Trong quá trình thực hiện, Chi bộ tiếp tục rút kinh nghiệm để bổ sung hoặc sửa đổi Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nơi nhận: - Đảng uỷ Bộ (để b/c); - Các đ/c trong cấp ủy (để t/h) - Đảng viên (để t/h) - Lưu VP. |
T/M CHI BỘ BÍ THƯ Nguyễn Văn A |
4. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh qua những nhiệm vụ gì?
Lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Tổ chức thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Tham gia bảo vệ Tổ quốc: Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tham gia các hoạt động quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu.
Đảm bảo an ninh trật tự: Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong đơn vị, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Tổ chức đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đơn vị.
5. Nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng, đảng viên của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập thế nào?
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, củng cố tổ chức Đảng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên: Tổ chức học tập, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên.
Phát triển đảng viên: Xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, tuyển chọn, kết nạp những người đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận: Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đấu tranh phòng chống các biểu hiện suy thoái: Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, đạo đức của đảng viên.
Hy vọng qua bài viết, Công ty Luật ACC đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về Mẫu Quy chế dùng cho chi bộ đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Công ty Luật ACC nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.
Nội dung bài viết:
Bình luận