Luật cư trú 2006 số: 81/2006/QH11 quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Luật quy định cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú. Sau đây ACC cung cấp một số nội dung quan trọng của luật này.
Luật cư trú 2006 81/2006/QH11
1.Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống.
2.Quyền của công dân về cư trú
1. Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú.
3. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú.
4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.
5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
3.Các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú
1. Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
2. Người bị Toà án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế.
3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
4.Trách nhiệm của công dân về cư trú
1. Chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú.
2. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp.
3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú.
4. Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu.
5. Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bị hư hỏng.
5.Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
6.Nơi cư trú của người chưa thành niên
1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
7.Đăng ký thường trú
Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.
8.Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh
Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
9.Sổ hộ khẩu
1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
2. Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.
3. Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc.
10.Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.
Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.
2. Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.
3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.
Trên đây là giải đáp của ACC về Luật cư trú 2006 81/2006/QH11. Nếu quý khách còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ đội ngũ chuyên gia của ACC để được giải đáp nhanh nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận