Nội dung bài viết:
Ban hành: 27/05/2013
Số hiệu:63-KL/TW
Loại văn bản:Văn bản khác
Lĩnh vực, ngành:Bảo hiểm, Lao động - Tiền lương, Bộ máy hành chính
Nơi ban hành:Ban Chấp hành Trung ương
Người ký:Nguyễn Phú Trọng
Ngày hiệu lực:Đã biết
Ngày đăng:Dữ liệu đang cập nhật
Số công báo:Dữ liệu đang cập nhật
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 63-KL/TW |
Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2013 |
KẾT LUẬN
HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI, TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CẢI CÁCH ĐẾN NĂM 2020
Ban Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành với Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29-5-2012 Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020"; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt và kiên trì thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và định hướng về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VIII và các Kết luận Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, Hội nghị Trung ương 6 khóa X và Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong Đảng, trong xã hội và có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương của khu vực sự nghiệp công lập phù hợp với kinh tế thị trường.
2. Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị trình Trung ương vấn đề này thành 3 Đề án:
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Khi nghiên cứu xây dựng các đề án, cần chú ý mối quan hệ và tương quan về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp của các đối tượng trong các đề án và phải theo lộ trình hợp lý, khi có đủ điều kiện đảm bảo để thực hiện.
3. Về chính sách tiền lương
Căn cứ Kết luận số 23-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 trình Trung ương với một số định hướng sau:
a) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp
- Từ nay đến năm 2016, về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Đánh giá, xem xét việc tổ chức các tổng cục, cục thuộc bộ, ngành Trung ương để tinh gọn bộ máy. Thực hiện chủ trương không nhất thiết ở Trung ương có bộ, ngành nào thì địa phương cũng có tổ chức tương ứng. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho ủy ban nhân dân, đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể và tiêu chí, địa phương có thể thành lập thêm một số cơ quan khác sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
- Từ nay đến năm 2016, cơ bản không tăng thêm biên chế (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới). Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tinh giản biên chế, đưa ra khỏi biên chế những trường hợp năng lực, phẩm chất, sức khỏe yếu, hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu; kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, thay thế những người không đáp ứng được nhu cầu bằng những người có phẩm chất và năng lực. Thực hiện nguyên tắc số công chức được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại để bổ sung cho những lĩnh vực cần tăng.
b) Về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
- Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong Đảng và toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, vai trò của đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công lập. Phải xác định đây là khâu đột phá và cần có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.
- Phân định rõ loại dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện; loại dịch vụ do các đơn vị ngoài công lập thực hiện; loại dịch vụ do các đơn vị công lập và ngoài công lập cùng thực hiện. Có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ công; tạo môi trường bình đẳng không phân biệt giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân.
- Xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi thường xuyên theo lộ trình, phù hợp với thu nhập của người dân. Xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo 3 mức: (1) Mức giá tính đủ tiền lương; (2) Mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; (3) Mức giá tính đủ lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Trên cơ sở đó, phân loại các đơn vị sự nghiệp để thực hiện theo 3 mức giá cho phù hợp. Các đối tượng thụ hưởng phải chi trả theo giá, phí dịch vụ. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng còn khó khăn để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp những dịch vụ sự nghiệp công có đủ điều kiện, trước hết là các đơn vị sự nghiệp kinh tế, thực hiện cơ chế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và từng bước cổ phần hóa theo quy định. Thực hiện mô hình hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ công theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và cho doanh nghiệp thuê lại với giá tính đủ để duy tu, bảo dưỡng.
- Thực hiện cơ cấu lại và đổi mới phương thức đầu tư, cấp phát ngân sách nhà nước theo hướng: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và hải đảo. Từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức "đặt hàng", "mua" dịch vụ.
- Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, bệnh viện và một số cơ sở dạy nghề) theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội; được quyền quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý (theo lộ trình). Nhà nước ban hành bảng lương chuẩn trên cơ sở mức lương tính đủ theo nhu cầu tối thiểu áp dụng đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp này. Căn cứ kết quả hoạt động và bảng lương chuẩn, đơn vị quyết định tiền lương cụ thể chi trả cho viên chức và người lao động phù hợp với nguồn thu dịch vụ của đơn vị.
- Quy định và thực hiện lộ trình đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu để thực hiện khoán ổn định kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong một số năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Các giải pháp tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương:
- Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; bao quát được các nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.
- Cơ cấu lại chi ngân sách cùng với việc điều chỉnh lại các chính sách, chế độ theo quan điểm ưu tiên chi cải cách tiền lương, chi cho con người là chi đầu tư phát triển, cụ thể:
+ Tiếp tục yêu cầu các địa phương dành 50% tăng thu ngân sách địa phương (tăng thu dự toán năm sau so với năm trước và tăng thu thực hiện so với dự toán) cho cải cách tiền lương.
+ Hằng năm, dành một tỉ lệ nhất định tăng thu ngân sách trung ương (tăng thu dự toán năm sau so với năm trước và tăng thu thực hiện so với dự toán) để thực hiện cải cách tiền lương trước khi phân bổ các nhiệm vụ khác.
+ Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước:
Bố trí đủ để trả các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản vay nợ nước ngoài (cả gốc và lãi).
Chi đầu tư phát triển được bố trí theo nguyên tắc: vay bù đắp bội chi từ nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA cho đầu tư phát triển theo cam kết với các nhà tài trợ; tiền thu sử dụng đất, một phần tiền thu từ sử dụng tài nguyên, tiền thu xổ số kiến thiết; tập trung đầu tư cho các dự án không có khả năng thu hồi vốn. Trên cơ sở đó giữ tỉ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản; tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên ngoài lương; giảm dần một số chế độ phụ cấp, bồi dưỡng làm đề án, hội thảo, hội họp… tiến tới đưa tiền lương thành thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức.
- Rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả; chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn thực hiện.
d) Từ nay đến khi Trung ương thông qua Đề án:
- Đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách, quy định "mức lương cơ sở" thay cho "mức lương tối thiểu chung" và từng bước điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề.
- Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; từng bước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động; bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc xác định, quyết định tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng cường thương lượng, thỏa thuận tiền lương nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.
4. Về chính sách bảo hiểm xã hội
Nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo các định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-06-2012 và Kết luận số 23-KL/TW ngày 29-05-2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, trong đó nghiên cứu toàn diện các vấn đề liên quan đến việc đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội; quản lý đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Có lộ trình để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương của người tại chức.
5. Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Nghiên cứu cải cách chính sách ưu đãi người có công, sớm điều chỉnh mức chuẩn đảm bảo tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội để người có công có mức sống trung bình khá trong xã hội. Triển khai đồng bộ các chế độ ưu đãi khác đã được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng. Tổng kết, rà soát việc công nhận người có công.
6. Giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ căn cứ Kết luận này tổ chức triển khai thực hiện; chuẩn bị 3 đề án trình Trung ương vào thời điểm thích hợp.
Nơi nhận: |
TM. BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.