Kết luận 94-KL/TW 2014 tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân

Nội dung bài viết:

    Ban hành: 28/03/2014

    Số hiệu:94-KL/TW
    Loại văn bản:Văn bản khác
    Lĩnh vực, ngành:Bộ máy hành chính, Giáo dục
    Nơi ban hành:Ban Bí thư
    Người ký:Lê Hồng Anh
    Ngày hiệu lực:Đã biết
    Ngày đăng:Dữ liệu đang cập nhật
    Số công báo:Dữ liệu đang cập nhật

    BAN BÍ THƯ
    -------

    ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
    ---------------

    Số: 94-KL/TW

    ngày 28 tháng 3 năm 2014

    KẾT LUẬN

    VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VIỆC HỌC TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

    Vừa qua, Ban Bí thư đã nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo về Đề án tiếp tục đổi mới giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân (Tờ trình số 148-TTr/BTGTW, ngày 07-10-2013). Ban Bí thư đã cơ bản tán thành với nội dung Đề án, đồng thời nhấn mạnh, lưu ý một số vấn đề sau:

    1. Tiếp tục đổi mới việc học tập (bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên…) lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có tầm quan trọng chiến lược, cần đặt trong tổng thể của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

    2. Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ ta.

    Học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng; sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng; gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Các vấn đề đến nay không còn phù hợp thì không đưa vào nội dung học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

    Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, mềm dẻo, có thực tiễn và phù hợp với từng cấp; tạo được sự hứng thú và có trách nhiệm cho người dạy và người học; người học thích đọc hơn, có trách nhiệm phải học; người dạy có hứng thú hơn, có trách nhiệm cao hơn.

    3. Nội dung chương trình học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân phải tập trung xây dựng cho tốt, phù hợp cho từng đối tượng học, từng cấp học, bậc học từ thấp đến cao (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp; cao đẳng, đại học không chuyên về lý luận chính trị; đại học chuyên ngành lý luận chính trị…). Phân định rõ nội dung học tập lý luận chính trị ở từng cấp học, bậc học, tránh trùng lắp, học đi học lại nhiều lần ở nhiều cấp học (đại học, cao đẳng phải khác với trung học chuyên nghiệp, phổ thông; đại học chuyên ngành lý luận chính trị phải khác với đại học, cao đẳng không chuyên ngành…); đồng thời, bảo đảm tính liên thông.

    Đối với học sinh phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cần chú ý học tập về đạo đức, giáo dục công dân, đạo đức nghề nghiệp; trong đó, chú trọng hình ảnh nhân sinh quan, thế giới quan theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với học sinh đại học, cao đẳng, phải xây dựng thành các bài giảng chung, tổng hợp về các vấn đề cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lênin, trọng tâm là về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng hiện nay. Riêng học sinh đại học chuyên ngành lý luận chính trị, học viên trường chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang cần học tập các môn lý luận chính trị sâu rộng, đầy đủ hơn, phù hợp với yêu cầu đào tạo.

    4. Đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lý luận chính trị, bảo đảm sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường.

    5. Tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xác định rõ lý luận chính trị là môn chính bắt buộc, có thi cử, kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ. Sớm bố trí 1 đơn vị chuyên trách cấp vụ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 phòng chuyên trách trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giúp chỉ đạo và quản lý việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; mỗi trường đại học, cao đẳng phải có một đơn vị chuyên trách quản lý việc học tập lý luận chính trị trong nhà trường.

    6. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh… chỉ đạo rà soát, xây dựng hệ thống chương trình học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; xác định rõ thời hạn cụ thể để hoàn thành xây dựng chương trình học tập lý luận chính trị cho từng cấp học, bậc học.

    Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

     

    T/M BAN BÍ THƯ




    Lê Hồng Anh

    Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC

    Bài viết liên quan

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo