Kết luận 23-KL/TW 2017 về vai trò của báo chí, xuất bản trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Nội dung bài viết:

    Ban hành: 22/11/2017

    Hiệu lực: 22/11/2017

    Về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

    23-KL/TW

    Kết luận

    Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

     

    Ban Bí thư

    Trần Quốc Vượng

    BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

    *

     

    Số: 23-NQ/TW

    ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

     

     

    Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2017

    KẾT LUẬN

    Về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn,

    đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

    Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương trình Đề án về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (Tờ trình số 43-TTr/BTGTW, ngày 10/8/2017) và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư đã kết luận như sau:

    1- Thời gian qua, báo chí, xuất bản đã tích cực góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chông tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống các văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với báo chí, xuất bản từng bước hoàn thiện. Việc chỉ đạo, định hướng nội dung chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm được quan tâm hơn. Hiệu quả phối hợp trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản được nâng cao.

    Tuy nhiên, việc phát huy vai trò báo chí, xuất bản trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và còn nhiều bất cập, hạn chế. Công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, xuất bản chưa chủ động và kịp thời, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có dấu hiệu gia tăng trong đội ngũ những người làm báo, xuất bản. Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam trong việc bồi dưỡng đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên chưa phát huy đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

    Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trên là do chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, tính phức tạp của báo chí, xuất bản trong tình hình mới; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản chưa theo kịp sự phát triển; năng lực nắm bắt, phát hiện vấn đề, chủ động kiểm soát tình hình còn hạn chế; sự phối hợp của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản và các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ, một số trường hợp còn lơi lỏng.

    2- Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản có hiệu quả, phát huy tốt vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Bí thư yêu cầu quán triệt và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

    2.1- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân để phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

    Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền; Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản.

    Phát huy vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, xuất bản.

    Các cơ quan báo chí, xuất bản phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ đi đôi với yêu cầu tuân thủ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kết hợp “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

    2.2- Tăng cường chất lượng thông tin, tuyên truyền; chú trọng tính định hướng chính trị - tư tưởng, tính văn hóa, khoa học. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; coi trọng việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm, dũng khí và quyết tâm đấu tranh với sai trái, tiêu cực. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí, xuất bản đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xác định rõ, rành mạch nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho báo chí, xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ.

    2.3- Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Báo chí, xuất bản phải bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền của báo chí, xuất bản; đề cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn và mở rộng đối tượng độc giả; coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, xuất bản. Tăng cường kỷ luật thông tin; phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí,  xuất bản, các cơ quan báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ những người làm báo, xuất bản; xây dựng đội ngũ người làm báo, xuất bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước.

    2.4-Ban cán sự đảng Chính phủ

    - Chỉ đạo phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến năm 2025 theo Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa XI.

    - Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định số 72/2013/nĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để phù hợp với các quy định pháp luật; chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet; ban hành quy định thống nhất các nhà xuất bản địa phương, nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng về một loại hình hoạt động là đơn vị sự nghiệp công lập.

    2.5-Ban Tuyên giáo Trung ương

    - Tăng cường tổ chức phổ biến, quán triệt và hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng về báo chí, xuất bản; phát huy, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, xuất bản.

    - Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế về chỉ đạo, định hướng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong nội dung báo chí, xuất bản phẩm; quy định về trách nhiệm đảng viên khi phát ngôn; viết bài trên mạng xã hội, Internet; văn bản chỉ đạo về trách nhiệm trả lời của các cơ quan đảng, nhà nước đối với các vấn đề được báo chí phát hiện, phản ánh.

    - Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận báo chí, xuất bản; xác định rõ hơn vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trên nội dung báo chí, xuất bản; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và xã hội với yêu cầu định hướng chính trị, tư tưởng; giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ kinh tế trong báo chí, xuất bản.

    2.6-Ban Tổ chức Trung ương

    Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi “Quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” (ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007) và “Quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản” (ban hành kèm theo Quyết định số 282-QĐ/TW , ngày 26/01/2010), bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của Đảng với Luật Báo chí, Luật Xuất bản.

    2.7- Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền hông

    - Chỉ đạo rà soát các quy định pháp luật về báo chí, xuất bản; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống các văn bản của Đảng, Nhà nước; có cơ chế xử lý đủ mạnh để giải quyết kịp thời, dứt điểm các sai phạm của các cơ quan báo chí, xuất bản.

    - Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp pháp lý và kỹ thuật để hạn chế, ngăn chặn việc đăng tải, phát tán thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

    - Chỉ đạo phối hợp với cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí, xuất bản theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với định hướng quy hoạch, phát triển và quản lý báo chí; kiên quyết xử lý, đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động các báo, tạp chí, nhà xuất bản, các trang thông tin điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có nhiều sai phạm; ngăn chặn có hiệu quả khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, xuất bản, buông lỏng quản lý liên kết xuất bản.

    2.8- Cơ quan chỉ quản báo chí, xuất bản

    - Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương; tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép hoạt động báo chí, xuất bản; giữ vững kỷ luật thông tin; xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm của cơ quan báo chí, xuất bản và các cá nhân liên quan. Thực hiện trao đổi thông tin thường xuyên giữa cơ quan chỉ quản báo chí, xuất bản với Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản.

    - Chỉ đạo, định hướng hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản; chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho cơ quan báo chí, xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong môi trường truyền thông đa phương tiện, truyền thông hội tụ. Xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc giữa cơ quan chủ quản và  cơ quan báo chí, xuất bản.

    2.9- Các cơ quan báo chí, xuất bản

    - Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan báo chí, xuất bản.

    - Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, quy chế hoạt động, quy trình nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường tính công khai, minh bạch, phát  huy dân chủ, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

    2.10 – Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Xuất bản Việt Nam

    Phát huy vai trò, tham gia tích cực cùng với các cơ quan chỉ đạo, quản lý trong việc lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; tổ chức thực hiện hiệu quả quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc đạo đức ngành Xuất bản; quan tâm công tác giáo dục, nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân cho nhà báo, người làm công tác xuất bản. Kịp thời động viên, khen thưởng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, xuất bản có nhiều thành tích trong thông tin, tuyên truyền góp phần vào ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

    2.11 – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

    - Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản, cán bộ phát ngôn của các cơ quan hành chính và cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản ở Trung ương và địa phương.

    - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện Quy định về việc nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    3- Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan định kỳ hằng năm kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận, báo cáo Ban Bí thư.

     

    T/M BAN BÍ THƯ

    (Đã ký)

     

    Trần Quốc Vượng

    Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.

    Bài viết liên quan

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo