Nội dung bài viết:
Ban hành: 15/07/2016
Hiệu lực: 15/07/2016
Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
05-KL/TW
Kết luận
Nội chính - Pháp luật
Ban Bí thư
Đinh Thế Huynh
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG * Số 05-KL/TW |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2016 |
KẾT LUẬN
CỦA BAN BÍ THƯ
Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Tại phiên họp ngày 07-6-2016, sau khi nghe Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 48) và các ý kiến các cơ quan, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau:
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 đã đạt được kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được nâng lên. Công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm. Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm về ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được chỉ đạo và tiến hành quyết liệt; cơ bản đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tội phạm đề ra, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và gìn giữ trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến rất phức tạp. Một số loại tội phạm (giết người do nguyên nhân xã hội, ma túy, buôn lậu, trộm cắp, cướp giật tài sản, chống người thi hành công vụ, …) có xu hướng tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Các vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh đa cấp, môi trường (vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý chất thải, khai thác trái phép tài nguyên…) ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, đời sống nhân dân và hủy hoại môi trường. Thành phần tội phạm đa dạng, có xu hướng trẻ hóa, nguy hiểm và manh động hơn. Tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp đang là một trong những nguyên nhân chính phát sinh tội phạm.
Một số nơi, việc thực hiện Chỉ thị 48 còn mang tính hình thức, thiếu chương trình, kế hoạch hành động, thiếu kiểm tra, giám sát cụ thể. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm vẫn chưa thực sự mạnh, thiếu sức lôi cuốn được nhân dân tích cực tham gia; có nơi, có lúc còn để tội phạm lộng hành. Một số nơi chưa làm tốt công tác chủ động phòng ngừa tội phạm; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa nghiêm; một số cán bộ, đảng viên, kể cả ở cơ quan bảo vệ pháp luật chưa gương mẫu, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật; hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm chưa hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn nhiều sơ hở, hạn chế, bất cập…
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách ở nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 48; đồng thời chú trọng làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1- Công tác phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Mọi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống tội phạm ngay từ trong gia đình, địa bàn nơi cư trú và tại cơ quan, đơn vị công tác. Đối với cán bộ, đảng viên có vợ (hoặc chồng), con bị xử lý hình sự thì tùy theo mức độ liên đới phải xem xét trách nhiệm khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo hoặc miễn nhiệm, cách chức nếu cán bộ, đảng viên đó đang giữ chức vụ lãnh đạo.
2- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách; phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tội phạm; chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm tình hình, chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa giải quyết các vấn đề bức xúc về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng ngừa tội phạm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, cán bộ hưu trí, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình, thủ tục, điều kiện đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, chú ý các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
3- Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, hướng mạnh hơn về cơ sở, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân… Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 90-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Có chính sách động viên những người có công, người có uy tin trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt trong nhân dân về phòng, chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở.
Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công trấn áp các loại tội phạm; nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người và các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp, như các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng biên giới…
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảm hóa, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục,cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng; giám sát thực hiện các kiến nghị, khiếu nại của nhân dân ở cơ sở, góp phần phòng ngừa tội phạm.
4- Củng cố, nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm; các cơ quan tiến hành hoạt động tư pháp, nâng cao đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, thật sự là chỗ dựa và niềm tin của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho các cơ quan thực hành quyền tư pháp, các đơn vị trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, tội phạm về môi trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
5- Các cấp, các ngành cần hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, nhất là giữa Công an với Quân đội, giữa Công an với Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên. Phối hợp chặt chẽ hơn, có hiệu quả hơn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật, có tác dụng trừng trị tội phạm, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân.
6- Khẩn trương hoàn thiện để triển khai thực hiện Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ tạm giam, đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách và pháp luật hình sự, dân sự, kết hợp chặt chẽ giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính. Rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách và pháp luật về tài chính, ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
7- Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, nhất là với các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ nước ngoài. Sơ kết, tổng kết và thực hiện tốt các Công ước, Điều ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp… mà Việt Nam đã gia nhập hoặc ký kết; nghiên cứu tham gia, ký kết các Điều ước quốc tế khác liên quan đến phòng, chống tội phạm; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật phục vụ phòng, chống tội phạm.
8- Trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 48 cần lồng ghép với các nội dung thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Triển khai thực hiện quyết liệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình phòng, chống ma túy.
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với ngăn ngừa, giải quyết tệ nạn xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt, có chương trình hành động, kế hoạch hằng năm thực hiện Kết luận; định kỳ tổ chức kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn thực hiện.
Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và Kết luận này./.
|
T/M BAN BÍ THƯ (đã ký) Đinh Thế Huynh |
Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.