1.Kế hoạch xây dựng mô hình hỗ trợ công tác an sinh xã hội toàn diện tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, giai đoạn 2022 - 2025
Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch về việc xây dựng mô hình hỗ trợ công tác an sinh xã hội toàn diện tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, kế hoạch được thực hiện với mục đích góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định công tác giảm nghèo bền vững là nội dung trọng tâm trong thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tiêu chí chọn xã xây dựng mô hình xuất phát từ số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và xã chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới. Về nguyên tắc thì việc lựa chọn và xây dựng mô hình trước hết phải bảo đảm những yêu cầu cơ bản của việc thực hiện các mục tiêu của Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Xây dựng mô hình phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là nhóm gia đình chính sách người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo và nhóm đối tượng xã hội thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất tinh thần, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình với cộng đồng dân cư.
Các nhiệm vụ thực hiện trong xây dựng mô hình như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là người nghèo hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm, tự giác tham gia thực hiện để nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo giúp họ khơi dậy ý chí vươn lên và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ để chăm lo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; gắn thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Triển khai có hiệu quả các hoạt động “Vì người nghèo”, an sinh xã hội, huy động nguồn lực từ sự ủng hộ của các các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ xây dựng mô hình. Hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện sinh kế; xây dựng nhà ở; giới thiệu việc làm; nước sạch; kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán,...
Mô hình được xây dựng từ năm 2022 đến hết năm 2025, với các tiêu chí công nhận như: 100% hộ nghèo được hưởng đầy đủ chính sách theo quy định, thực hiện hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững; đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 3% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025; 100% đối tượng bảo trợ xã hội sống trong hộ nghèo được hỗ trợ đảm bảo có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của người dân trên địa bàn; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; 90% trở lên trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 100% hộ gia đình chính sách người có công với cách mạng được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định. Phấn đấu không còn người có công thuộc hộ nghèo và 100% hộ người có công khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa.
100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chính sách trợ giúp theo quy định; 100% người khuyết tật được xác định mức độ khuyết tật, 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định; có trên 80% đối tượng bảo trợ xã hội mất nguồn nuôi dưỡng, không có người chăm sóc được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc được trợ giúp khẩn cấp theo quy định; trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; 100% trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng được hưởng trợ giúp tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội; .... 100% người cao tuổi được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định, trên 90% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, 80% người cao tuổi được lập sổ quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Nguồn kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, nguồn vận động xã hội hóa,....
Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, Ủy ban nhân dân xã Tân Lợi Thạnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã giai đoạn 2022 - 2025, trong đó phân tích thực trạng các chiều thiếu hụt của hộ nghèo, đề ra các mục tiêu, nội dung và các giải pháp thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận có liên quan phụ trách từng nhiệm vụ cụ thể và phối hợp với MTTQ Việt Nam, các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng tham gia, đặc biệt là người trực tiếp thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Như vậy, huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nhằm cải thiện các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo mức sống bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
Nội dung bài viết:
Bình luận