Trong thực tế kinh doanh và giao dịch, việc hiểu rõ về thời điểm mà hợp đồng dân sự có hiệu lực là một phần quan trọng giúp các bên tham gia tránh được rủi ro và xác định rõ trách nhiệm pháp lý. Vậy Hợp đồng dân sự có hiệu lực khi nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Hợp đồng dân sự có hiệu lực khi nào?
1. Hợp đồng dân sự có hiệu lực khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 của Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015:
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định vào một trong ba thời điểm sau:
- Thứ nhất, thời điểm giao kết hợp đồng:
Khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định khác, thì hợp đồng có hiệu lực vào thời điểm giao kết. Thời điểm giao kết hợp đồng thường là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng tức là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận hợp lệ của bên được đề nghị. Pháp luật Việt Nam xác định thời điểm giao kết hợp đồng là các thời điểm sau:
+ Hợp đồng được thỏa thuận trực tiếp bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị;
+ Nếu hợp đồng giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản;
+ Nếu hợp đồng giao kết bằng thư tín, qua bưu điện thì hợp đồng được giao kết vào ngày bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận hợp lệ;
+ Nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được xem là đã giao kết tại thời điểm hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng.
+ Hợp đồng giao kết bằng phương tiện điện tử thì việc giao kết còn phải tuân theo các quy định đặc thù của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Thứ hai, thời điểm do các bên thỏa thuận:
Về nguyên tắc, hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao kết. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm giao kết thì hợp đồng sẽ có hiệu lực vào thời điểm đó. Ví dụ: Các bên có thể thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày ký.
Quy định này dựa trên cơ sở nguyên tắc tự do hợp đồng. Vì các bên có quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng, nên cũng có quyền tự do lựa chọn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Thứ ba, thời điểm luật liên quan có quy định khác:
Trong những trường hợp đặc thù thể hiện bản chất của hợp đồng hoặc cần có sự kiểm soát chặt chẽ về hiệu lực của hợp đồng và để bảo vệ các bên, nhà làm luật quy định riêng về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Trường hợp này hợp đồng có hiệu lực vào thời điểm pháp luật quy định. Ví dụ:
Điều 458 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận được tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm đăng ký”.
Điều 503 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai ”.
2. Hợp đồng dân sự đã có hiệu lực thì có được sửa đổi, bổ sung được không?
Theo khoản 2 Điều 401 Bộ luật dân sự 2015:
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 421 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 421. Sửa đổi hợp đồng
- Các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng.
- Hợp đồng có thể được sửa đổi theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này.
- Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu."
Theo đó tại Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 420. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo đó, điều luật quy định, từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự được quy định như thế nào?
Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 về thời điểm giao kết hợp đồng:
"Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng
- Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
- Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
- Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này."
Theo đó Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
4. Phân biệt thời điểm có hiệu lực và thời điểm giao kết hợp đồng dân sự
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự |
Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự |
Khoản 1 Điều 401 BLDS 2015 nêu rõ Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác Theo quy định này, có thể thấy, thời điểm có hiệu lực được tính từ thời điểm giao kết, nghĩa là được tính theo quy định của thời điểm giao kết hợp đồng nêu trên trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật khác có quy định khác. Nghĩa là, hợp đồng sẽ hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng nêu trên trừ hai trường hợp: - Các bên thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm giao kết của hợp đồng thì thực hiện theo thỏa thuận đó. - Luật khác có quy định thì thực hiện theo Luật đó. Ví dụ, theo Điều 458 Bộ luật Dân sự, hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản. Riêng động sản mà Luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, xe máy... thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm đăng ký... |
Khoản 1 Điều 400 BLDS 2015 nêu rõ Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết Theo đó, ví dụ bên bán và bên mua thỏa thuận việc mua bán nhà, đất. Căn cứ quy định trên, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên mua nhận được sự đồng ý bán nhà của bên bán. Ngoài ra, với mỗi hình thức giao kết khác nhau thì thời điểm giao kết hợp đồng lại được quy định khác nhau. Cụ thể: - Thời điểm giao kết bằng lời nói: Thời điểm các bên đã thoả thuận về nội dung hợp đồng. Vẫn ví dụ trên, nếu hai bên chỉ thực hiện giao dịch, hợp đồng bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã chấp nhận giao kết hợp đồng và bàn bạc, thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng. - Thời điểm giao kết bằng văn bản: Thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc hình thức khác được thể hiện trên văn bản. Ví dụ, hai bên mua bán đất, hợp đồng có hiệu lực khi cả hai bên cùng ký vào hợp đồng mua bán và được Công chứng viên tại Văn phòng công chứng/Phòng công chứng chứng nhận. Trong trường hợp này, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm Công chứng viên ký chứng nhận vào hợp đồng mua bán nhà, đất. - Thời điểm giao kết hợp đồng nếu hai bên thoả thuận im lặng: Là sự chấp nhận giao kết trong một thời hạn: Thời điểm giao kết là thời điểm cuối cùng của thời hạn này. Ví dụ: Anh A vay anh B 10 triệu đồng và hai anh thoả thuận, trong thời gian 03 ngày sau khi anh A nhận tiền từ anh B mà anh B im lặng, không thông báo gì với anh A về lãi suất thì anh A được vay không lãi suất. Ngược lại, nếu trong 03 ngày, anh B cho vay lấy lãi thì hai bên sẽ bàn bạc lại và quyết định có vay tiền nữa không. - Thời điểm giao kết bằng lời nói sau đó xác lập bằng văn bản: Thời điểm giao kết hợp đồng như trường hợp giao kết bằng lời nói ở trên. |
Theo như phân tích ở trên, có thể thấy: Thời điểm giao kết có thể chính là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Nhưng không dừng ở đó, nếu thuộc hai trường hợp như phân tích ở trên thì hợp đồng có thể có thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực khác nhau.
Do đó, phạm vi có hiệu lực của hợp đồng rộng hơn, bao gồm nhiều trường hợp hơn vấn đề thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
5. Hợp đồng dân sự do người không có năng lực hành vi dân sự xác lập có vô hiệu không?
Căn cứ Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện như sau:
(1) Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
(2) Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
- Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
- Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vô hiệu như sau:
"Điều 407. Hợp đồng vô hiệu
- Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.”
Do đó, khi giao dịch dân sự do người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
6. Hợp đồng chính vô hiệu thì hợp đồng phụ có còn hiệu lực không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Hợp đồng vô hiệu:
“Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Theo Điều 116 Bộ Luật dân sư 2015, hợp đồng là một trong các loại giao dịch dân sự. Do đó, các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu theo các điều từ Điều 123 đến Điều 133 của BLDS cũng được áp dụng khi xem xét các vấn đề liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu.
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 402 Bộ luật dân sự năm 2015, hiệu lực của hợp đồng phụ luôn phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính. Do đó, nếu hợp đồng chính vô hiệu sẽ làm cho hợp đồng phụ vô hiệu theo. Ví dụ, A ký hợp đồng mua nội thất của công ty B và sau đó ký thêm hợp đồng phụ là yêu cầu sẽ chuyển qua cho A, vậy nếu hợp đồng chính là mua nội thất vô hiệu thì hợp đồng phụ là vận chuyển tài sản đương nhiên vô hiệu theo. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với hai trường hợp:
Thứ nhất, các bên có thỏa thuận về việc hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính; Ví dụ trong trường hợp các bên ký hợp đồng chính là mua tài sản là đồ nội thất và hợp đồng phụ là trang trí nội thất. Hai bên thỏa thuận là hợp đồng trang trí nội thất sẽ thay thế hợp đồng chính thì khi đó hợp đồng chính vô hiệu thì hợp đồng phụ vẫn sẽ được thực hiện mà không bị vô hiệu.
Thứ hai, đối với quan hệ giữa hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm và biện pháp bảo đảm sẽ áp dụng theo quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trong quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ thì hiệu lực của hợp đồng chính là độc lập và không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Tức là, hợp đồng chính chỉ vô hiệu khi nó vi phạm các quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Tuy nhiên, pháp luật vẫn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về sự phụ thuộc hiệu lực của hợp đồng chính vào hợp đồng phụ. Tức là, nếu các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính thì khi hợp đồng phụ vô hiệu sẽ làm chấm dứt hợp đồng chính.
Như vậy, sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng phụ. Tuy nhiên, điều này không phải mặc nhiên áp dụng trong mọi trường hợp. Bởi vì đối với trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ thay cho hợp đồng chính hoặc hợp đồng phụ là các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, ký quỹ... thì hợp đồng chính vô hiệu cũng không làm cho hợp đồng phụ chấm dứt.
7. Câu hỏi thường gặp
7.1. Việc chứng thực hợp đồng bằng cách công chứng là điều bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực đúng không?
Không. Hợp đồng dân sự không bắt buộc tất cả đều phải công chứng nhưng có một số pháp luật chuyên ngành yêu cầu phải được công chứng, chứng thực thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý. Ngoài những loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực thì tất cả các loại hợp đồng dân sự còn lại (không thuộc các trường hợp bắt buộc công chứng, chứng thực) đều không cần công chứng hoặc chứng thực.
7.2. Tất cả hợp đồng giao kết với người đủ 15 tuổi đến 18 tuổi đều không có hiệu lực?
Không. Theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì hợp đồng dân sự do người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi giao kết vẫn có hiệu lực nếu được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác.
7.3. Hợp đồng dân sự viết tay có hiệu lực không?
Có. Hợp đồng dân sự viết tay vẫn có hiệu lực, nhưng để đảm bảo tính chính xác và rõ ràng, việc này nên được chứng thực bằng cách công chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp tranh chấp, việc chứng minh tính chính xác của hợp đồng viết tay có thể gặp khó khăn hơn so với hợp đồng được lập bằng máy in và chứng thực chính thức.
Hy vọng qua bài viết, Công ty Luật ACC đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về Hợp đồng dân sự có hiệu lực khi nào? Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Công ty Luật ACC nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.
Nội dung bài viết:
Bình luận