Dựa vào tính chất đền bù mà hợp đồng Dân sự được chia làm ba nhóm:
- Nhóm các quan hợp đồng luôn không đền bù;
- Nhóm các hợp đồng có đền bù hoặc không đền bù;
- Nhóm các hợp đồng luôn đền bù.
Việc xếp mỗi hợp đồng thuộc nhóm nào dựa trên các quy phạm định nghĩa được quy định trong Bộ luật dân sự.

1. Nhóm các quan hệ hợp đồng luôn không đền bù
Nhóm thứ nhất: Các hợp đồng luôn không đền bù, bao gồm hợp đồng tặng cho tài sản và hợp đồng mượn tài sản. Điều 457 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận". Qua định nghĩa ta có thể nhận thấy hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng hoàn toàn vì lợi ích của bên được tặng cho. Bên được tặng cho chỉ tiếp nhận tài sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ nào mang lại lợi ích vật chất cho bên kia. Nếu một hợp đồng nào đó mang tên “hợp đồng tặng cho tài sản” mà trong đó các bên thỏa thuận với nhau rằng “ Bên A tặng cho bên B chiếc đồng hồ với điều kiện bên bên B phải tặng lại cho bên A chiếc xe đạp” thì hợp đồng đó phải được coi là hợp đồng trao đổi chứ không phải là hợp đồng tặng cho. Cũng xuất phát từ tính chất không đền bù này mà pháp luật của một quốc gia quy định rằng đối bên được tặng cho thì không yêu cầu phải có năng lực hành vi Dân sự đầy đủ ( bởi lẽ bên được tặng cho chỉ tiếp nhận lợi ích mà thôi ).
1.1 Hợp đồng tặng cho có điều kiện
Có một loại hợp đồng tặng cho đặc biệt, đó là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng tặng cho có điều kiện như sau:
"Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại".
Có thể khẳng định rằng hợp đồng tặng cho có điều kiện cũng mang tính chất không đền bù. Điều kiện trong hợp đồng tặng cho có điều kiện phải là những công việc không mang lại lợi ích ( cả vật chất lẫn tinh thần) cho bên tặng cho.
1.2 Hợp đồng mượn tài sản
Đối với hợp đồng mượn tài sản thì Điều 494 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:"Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được". Tính chất không đền bù của hợp đồng mượn tài sản thể hiện hiện ở chổ không phải trả tiền cho việc sử dụng tài sản đó. Nếu một hợp đồng mặc dù có tên gọi là “ Hợp đồng mượn tài sản” nhưng trong đó các bên lại thỏa thuận về khoản tiền mà bên mượn phải trả cho việc sử dụng tài sản.
2. Nhóm các hợp đồng có thể có đền bù hoặc không đền bù
Nhóm thứ hai: Các hợp có thể hiện đền bù hoặc không đền bù, đó là hợp đồng vay tài sản, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng gửi giữ tài sản.
2.1 Hợp đồng vay tài sản
Đối với hợp đồng vay tài sản Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Tính chất đền bù trong hợp đồng vay thể hiện ở việc trả lãi. Theo tinh thần Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng về tài sản sẽ không đền bù nếu như các bên không có thỏa thuận gì về việc trả lãi. Việc trả lãi được coi là ngoại lệ và chỉ dược áp dụng nếu như trong hợp đồng có thể hiện hoặc pháp luật có quy định. Trong trường hợp các bên chỉ thỏa thuận về việc cho vay lãi nhưng chưa xác định rõ lãi suất hoặc nếu có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi trong bản báo Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ theo ( Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015).
2.2 Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền có tính đền bù hoặc không đền bù, tương tự như hợp đồng vay tài sản. Tính chất đền bù trong hợp đồng ủy quyền được thể hiện rõ ở việc trả thù lao. Sau khi thực hiện công việc được bên ủy quyên giao phó, bên được ủy quyền được hưởng lợi ích ngược lại dưới hình thức tiền thù lao. Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Điều đó có nghĩa rằng theo theo nguyên tắc chung thì hợp đồng ủy quyền không đền bù. Bên được ủy quyền chỉ được nhận tiền thù lao nếu như các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về điều đó hoặc pháp luật có quy định.
2.3 Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản cùng thuộc nhóm thứ hai – nhóm các hợp đồng có thể đền bù hoặc không thể đền bù. Nhưng ngược lại với hợp đồng vay tài sản và hợp đồng ủy quyền, trong trường hợp gửi giữ tài sản thì nguyên tắc chung là có đền bù. Tính chất đền bù của hợp đồng gửi giữ tài sản được thể hiện thông qua tiền công cho bên giữ tài sản. Trường hợp hợp đồng gửi giữ không đền bù được coi là ngoại lệ. Điều 554 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công". Nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng về việc trả tiền công thì khi phát sinh tranh chấp, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ và khi đó mức tiền cộng được xác định theo mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công ( Khoản 2 Điều 561 Bộ luật dân sự năm 2015).
Tại sao các quy định của Bộ luật dân sự có sự khác biệt như vậy giữa hợp đồng cho gửi giữ và hợp đồng vay tài sản với hợp đồng ủy quyền?
Theo pháp luật của Nhà nước La mã thì cả ba loại hợp đồng này ( hợp đồng váy tài sản, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng gửi giữ trài sản ) đều mang tính chất không đên fbù. Hợp đồng vay tài sản “ Được tiến hành dựa sự thân quen và không lấy lãi suất”. Nếu các bên muốn cho vay có lãi thì lãi thì cần phải thực hiện bổ sung thêm một giao dịch nữa nhằm xác nhận nghĩa vụ trả lãi và lãi xuất thỏa thuận khi đó không được vượt quá mức lãi xuất cao nhất do pháp luật quy định. Hợp đồng gửi giữ và hợp đồng ủy quyền trong pháp luật La mã cũng mang tính chất không đền bù. Theo quan niệm của La Mã thì các công việc gìn giữ, bảo quản tài sản cho nhau hay công việc đại diện cho nhau xác lập giao dịch với người thứ ba ( trong hợp đồng ủy quyền ) được thực hiện dựa trên sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Đòi tiền cho các công việc đó là điều khó chấp nhận được, khi đó chuyển sang hợp đồng khoán việc. Thông thường các bên của hợp đồng ủy quyền này đều thuộc tầng lớp giàu có, do đó việc trả tiền công được hiểu như sự xúc phạm chính người chính người thực hiện công việc ủy quyền. Tuy nhiên, sẻ là lẽ thong thường nếu nhưcác bên được ủy quyền nhận quà ( merces ) cảm ơn bên có quyền. Quà này hoàn toàn có thể mang giá trị vật chất . Dần dần hình thành quà tặng này được biến thành loại khác – hoặc – một hình thức trung gian giữa quà tặng với tiền công bằng hiện vật.
Phải chăng pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng gửi giữ, theo nguyên tắc chung là có đền bù ( ngược hẳn với hợp đồng vay tải sản và hợp đồng ủy quyền ), Trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, là bởi vì trong xã hội Việt Nam ngày nay hợp đồng gửi giũ chuyên nghiệp ( với mục đích lợi nhuận chiếm đa số, vì rằng trong hợp đồng gửi giữ bên giữ luôn phải bỏ chi phí ra để bảo quản, giữ gìn tài sản trong suốt thời gian gửi giữ. Cách giải thích này có thể chưa chọn vẹn và cần sự nghiên cứu bổ sung thêm. Cũng không loại trừ trường hợp sự khác biệt đó được tạo nên một cách tính cờ trong qua trình soạn thảo văn bản pháp luật.
3. Nhóm hợp đồng luôn có tính chất đền bù
Nhóm thứ ba và cũng là nhóm phổ biến nhất: Các hợp đồng luôn đền bù, đó là: Hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng thuê dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vận chuyển.
3.1 Hợp đồng mua bán tài sản
Tính chất đền bù của hợp đồng mua bán thể hiện ở chổ : Sau khi bàn giao tài sản mua bán thì bên bán sẻ nhận được những lợi ích ngược lại dưới dạng tiền mua mà bên mua phải thanh toán. Tính chất đền bù của hợp đồng trao đổi được thể hiện bởi tài sản mà bên nhận được sau khi bàn giao tài sản của mình cho bên kia. Đối với hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng trao đổi trong đó các bên thỏa thuận không phải trả tiền mua ( hoặc không phải bàn giao tài sản ngược lại trong hợp đồng trao đổi tài sản) thì khi đó sẻ trả với bản chất pháp lí của hai loại hợp đồng đó. Hợp đồng khi đó sẽ có bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản khi phát sinh tranh chấp sẽ áp dụng quy định đối với hợp đồng tặng cho tài sản để giải quyết.
3.2 Hợp đồng thuê tài sản
Tính chất đền bù của hợp đồng thuê tài sản thể hiện ở việc trả tiền thuê. Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định mang tính chất bắt buộc rằng “ …còn bên thuê phải trả tiền thuê”. Nếu hợp đồng thuê mà trong đó các bên thỏa thuận rằng không phải trả tiền thuê thì hợp đồng đó sẽ được coi là hợp đồng mượn tài sản, chứ không phải hợp đồng thuê tài sản.
Vấn đề trở nên phức tạp khi phân tích đến các hợp đồng đề bù thuộc nhóm đối tượng là công việc phải thực hiện: Hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng vânh chuyển. Các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về bốn loại hợp đồng này đều thể hiện rõ tính chất luôn đền bù của chúng.
Với các quy đinh bắt buộc về tính chất đền bù của bốn hợp đồng nêu trên thì sẽ phát sinh vấn đề cần giải quyết: Vậy trong những trường hợp khi các bên thỏa thuận với nhau về tính chất không đền bù ( thỏa thuận rang bên thuê dịch vụ hay bên thuê gia công không phải trả tiền công, rằng bên muabảo hiểm không phải đóng phí bảo hiểm, hành khách hoặc bên thuê vận chuyển tài sản không phải trả cước phí vận chuyển ) thì sao?
Có ba phương án giải quyết vấn đề này:
- không chấp nhận chúng là hợp đồng Dân sự,
- Coi đó là hợp đồng khác ( sẻ có tên gọi khác ) với bốn loại hợp đồng nêu trên,
- Chấp nhận bốn loại hợp đồng này có thể cả đền bù lẫn không đền bù ( thuộc nhóm thứ hai).
Phương án thứ nhất hoàn toàn không hợp lí. Sự thỏa thuận đó của các bên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ Dân sự thỏa thuận đó phải là hợp đồng Dân sự. Nguyên tắc cơ bản của việc giao kết hợp đồng là các bên được quyền tự do lựa chọn loại hợp đồng mình giao kết. Sự tự do lựa chọn loại hợp đồng mình giao kết. Sự tự do lựa chọn đó không phụ thuộc vào việc loại hợp đồng mà các bên giao kết đó đã được pháp luật quy định hay chưa. Các bên có quyền chuyển giao với nhau những hợp đồng không thuộc bất cứ loại nào trong số 12 loại hợp đồng Dân sự thông dụng mà Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định.
Phương án thứ hai ( coi đó là loại hợp đồng khác với tên gọi khác hẳn với bốn loại hợp đồng nêu trên) chỉ có thể chấp nhận được nếu như chúng ta định hình rõ nét được sự khác nhau cơ bản giữa các hợp đồng mới mang tính chất không đền bù với bốn loại hợp đồng đã được quy định ( giống như định hình sự khác biệt giữ hợp đồng thuê tài sản với hợp đồng mượn tài sản). ví dụ: Nếu giữ gnuyên tính chất luôn đền bù của hợp đồng gia công thì các bên thỏa thuận rằng bên đặt gia công không phải trả tiền công thì sẽ dẫn tới hậu quả pháp lí gì khác biệt so với hợp đồng gia công thông thường ? Hơn nữa sự khác biệt ( có thể tìm thấy đó ) đã đủ để định hình nên loại hợp đồng mới hoàn toàn hay chưa?
Phương án thứ ba ( chấp nhận bốn loại hợp đồng này có thể cả đền bù lẫn không đền bù) được coi là phương án giản tiện và hợp lí hơn cả. Theo đó các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển ( vận chuyển tài sản, vận chuyển hành khách ) và hợp đồng bảo hiểm sẻ được chuyển sang nhóm thứ hai – Nhóm các hợp đồng có thể đền bù hoặc không đền bù.
Tính chất đền bù có ảnh hưởng trực tiếp tới việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. theo quy định của pháp luật thời La mã, nếu hợp đồng gửi không đền bù ( không phải trả tiền công gửi giữ ) thì bên không giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi vô ý nhẹ của mình gây ra.( lỗi vô ý nhẹ là những lỗi do thiếu kinh nghiệm hay không đủ trình độ gây ra, những lỗi mà chỉ có những người chủ tốt mới không phạm). Thế nhưng đối với hợp đồng gửi giữ có đền bù thì bên giữ phải chịu trách nhiệm đối với lỗi vô ý nhẹ. Cũng theo pháp luật La Mã, bên thuê trong hợp đồng tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê “ như tài sản của chính mình”, trong khi đó bên mượn trong hợp đồng mượn tài sản không phải có ý thức bảo quản tài sản mượn như chính mình, mà phải có ý thức giữ gìn “ như một chủ nhân tốt” nữa ( trách nhiệm nâng cao hơn).
Sự ảnh hưởng có tính chất đền bù tới quyền và nghĩa vụ của các bên cũng được thể hiện trong các quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Một số câu hỏi thường gặp
Hợp đồng có đền bù là gì?
Hợp đồng có đền bù là bản hợp đồng mà trong đó một bên nhận được một lợi ích thì phải chuyển cho bên kia một lợi ích khác tương ứng.
Hợp đồng không có đền bù là gì?
Hợp đồng không có đền bù là hợp đồng mà trong đó một bên nhận được từ bên kia một lợi ích nhưng không phải giao lại một lợi ích nào. Hợp đồng không có đền bù thường được giao kết trên cơ sở tình cảm và tinh thần tương thân, tương ái giữa các chủ thể.
Dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể hợp đồng có thể được chia thành mấy loại?
Nếu dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về Tính chất đền bù của hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành (cập nhật năm 2023), bạn đọc có nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu về Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có phải công chứng không?. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý khách hàng còn thắc mắc hay quan tâm và có nhu cầu tư vấn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các thông tin sau:
Nội dung bài viết:
Bình luận