Nội dung bài viết:
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm làm sáng tỏ quan niệm và sự trải nghiệm của các bên liên quan về các giá trị: Tôn trọng, công bằng, tự chủ trong bối cảnh trường trung học phổ thông (THPT) ở Việt Nam. Một loạt các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc đã được thực hiện với 40 người gồm hiệu trưởng, giáo viên và học sinh, tại 08 trường THPT ở miền Trung Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện nhằm làm sáng tỏ hai câu hỏi nghiên cứu chính: 1/ Các giá trị: tôn trọng, thân thiện, công bằng, tự chủ và tự do được các bên liên quan hiểu như thế nào trong bối cảnh giáo dục Việt Nam? Và, 2/ Các giá trị mục tiêu kể trên đã được thực thi như thế nào trong trường học của họ? Kết quả gợi ra những quan điểm thú vị của các bên liên quan trong việc định nghĩa các giá trị mục tiêu. Theo đó, góc nhìn của những người tham gia ở Việt Nam vừa gặp gỡ, lại vừa khác biệt với các nghiên cứu trong những bối cảnh giáo dục khác trên thế giới. Sợi dây liên kết độc đáo giữa văn hoá Khổng Giáo ở Việt Nam và tư duy về các giá trị dân chủ của các bên liên quan cũng được phát hiện và phân tích cụ thể trong nghiên cứu này. Bằng việc soi chiếu quan điểm của những người trong cuộc ở trường học Việt Nam dưới góc nhìn so sánh với các nghiên cứu quốc tế, dự án này được kỳ vọng sẽ là một kênh thông tin hữu ích cho quá trình dân chủ hoá giáo dục ở Việt Nam. Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách vẫn còn đang loay hoay trong việc xác định các giá trị cốt lõi cho giáo dục nước nhà, nghiên cứu này được xem như một gợi ý về sự hoài hoà giữa tính truyền thống và tính toàn cầu trong việc xây dựng hệ giá trị giáo dục Việt Nam.
Nội dung bài viết:
Bình luận