Nguyên tắc hiệp thương dân chủ từ lâu đã là nguyên tắc cơ bản và không thay đổi trong suốt các kỳ Đại hội sửa đổi Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Để thực hiện tốt hiệp thương dân chủ, phối hợp và phát huy tốt quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc thì bạn đọc cần nắm rõ khái niệm nguyên tắc hiệp thương dân chủ.
Nguyên tắc hiệp thương dân chủ
1. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ là gì?
Hiệp thương dân chủ bao gồm hai khái niệm hiệp thương và dân chủ được ghép lại, theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là họp, thương lượng những vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan chung đến các bên. Như vậy, hiệp thương dân chủ được hiểu theo nghĩa là những cuộc họp, thương lượng, thỏa thuận có liên quan chung đến các bên một cách dân chủ. Trên thực tế, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, việc thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hết sức rộng lớn, sinh động và phong phú hơn thế.
Hiệp thương dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động, thế nên bắt buộc toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải nhận thức đúng và thực hiện nghiêm, nội dung rất rộng bao quát toàn bộ tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có những nội dung rất căn cơ là xây dựng chương trình hành động; cử ra và cho thôi người tham gia Ủy ban Mặt trận và các chức danh chủ chốt của Uỷ ban Mặt trận các cấp; hiệp thương về việc phát động những cuộc vận động hoặc các phong trào thi đua yêu nước mang tính toàn dân; hiệp thương hiến kế thực hiện những nhiệm vụ mới có tính chất trung tâm đột xuất đang đặt ra; hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...
“Hiệp thương dân chủ” là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong tổ chức, sinh hoạt của Mặt trận các cấp. Theo đó, các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ việc đề ra chương trình phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên, đến việc tổ chức thành lập các cơ quan lãnh đạo của Mặt trận các cấp đều được thực hiện trên tinh thần bàn bạc, nhất trí.
2. Mục tiêu của hiệp thương dân chủ
Mục tiêu của hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động của các thành viên trước tình hình và nhiệm vụ đặt ra, trên cơ sở đó thông qua các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội cùng nhau làm lan tỏa sự thống nhất ý chí và hành động của toàn dân nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiệp thương dân chủ càng thấu đáo, đồng thuận cao thì tổ chức phối hợp thống nhất hành động càng thuận lợi và đạt hiệu quả.
Tính chất của hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tự do tư tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thống nhất trong đa dạng trên cơ sở nhận biết và tôn trọng sự khác biệt, cùng nhau trao đổi hướng tới đồng thuận vì lợi ích chung, mọi thành viên đều bình đẳng và độc lập thể hiện chính kiến của mình, không quy chụp, mệnh lệnh, áp đặt dưới mọi hình thức. Cái cốt lõi và cũng là thước đo của hội nghị hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hành dân chủ, phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm đại diện của mọi thành viên, thuyết phục lẫn nhau, hướng tới sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động vì lợi ích chung.
Tham khảo Quyền và trách nhiệm của mặt trận tổ quốc Việt Nam [2022]
3. Ý nghĩa của nguyên tắc hiệp thương dân chủ
Xét về ý nghĩa của hiệp thương dân chủ có thể thấy: nét nổi bật của tổ chức Mặt trận là tính xã hội rộng rãi, tập hợp đông đảo mọi lực lượng, giai tầng xã hội trong vai trò một liên minh chính trị. Sự khác biệt này đòi hỏi Mặt trận phải áp dụng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình. Thực tiễn cho thấy, do liên minh mà cần phải hiệp thương, hiệp thương dân chủ mới giữ được sự tồn tại của liên minh một cách thực chất. Có thể hiểu, hiệp thương trong hoạt động của Mặt trận là cùng thảo luận, bàn bạc từ rất nhiều sự khác biệt để đi tới chỗ cùng thống nhất về một hay một số vấn đề, hoặc chủ trương nào đó do Mặt trận khởi xướng.
Tham khảo Dân chủ là gì? Các hình thức dân chủ [Cập nhật 2022]
4. Thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong xây dựng chương trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Một là, việc xây dựng chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp được tiến hành hiệp thương dân chủ tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đại biểu tham dự Đại hội hoàn toàn bình đẳng, dân chủ khi nêu các vấn đề, sau khi thống nhất sẽ tiến hành biểu quyết thông qua chương trình hành động toàn khóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp.
Hai là, hiệp thương xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm. Trên cơ sở Chương trình hành động toàn khóa, Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường kỳ có nhiệm vụ thảo luận dân chủ để thống nhất triển khai thực hiện trong năm.
5. Câu hỏi thường gặp
Phối hợp và thống nhất hành động có tầm quan trọng như thế nào trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?
Tầm quan trọng đặc biệt. Tính chất đặc thù về tổ chức của Mặt trận thể hiện ở chỗ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của nhiều tổ chức và các cá nhân tiêu biểu. Các tổ chức thành viên vẫn giữ tính độc lập của mình khi tham gia là thành viên của Mặt trận. Tính độc lập về tổ chức của các tổ chức thành viên của Mặt trận thể hiện ở chỗ: Mỗi tổ chức đều có hệ thống tổ chức, bộ máy cán bộ chuyên trách riêng, có điều lệ riêng, ngân sách hoạt động riêng… Tuy có sự độc lập như vậy, nhưng khi tham gia vào các chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận, các tổ chức thành viên cũng đồng thời tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phối hợp và thống nhất hành động cho phép các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ được tính độc lập của mình khi thực hiện Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chương trình chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giữa hiệp thương dân chủ với phối hợp và thống nhất hành động có mối quan hệ gắn bó như thế nào?
Mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hiệp thương dân chủ là cái đi trước, cái mở đường cho phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận. Thực tiễn cho thấy, trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiệp thương dân chủ là tiền đề để nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động được thực thi có kết quả trong thực tế, nếu tách rời hiệp thương dân chủ và phối hợp, thống nhất hành động thì sự phối hợp và thống nhất hành động sẽ chỉ là hình thức.
Nguyên tắc cơ bản của các Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?
Hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động vẫn là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trước đến nay, đều ghi nhận rõ ràng về nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động với ý nghĩa là một nguyên tắc đặc thù nhất của tổ chức Mặt trận.
Hiệp thương dân chủ là nguyên tắc tổ chức và là phương thức hoạt động đặc trưng, mang bản sắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nếu thực hiện tốt nguyên tắc này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ góp phần làm phong phú các hình thức và cơ chế thực thi dân chủ trong xã hội. Qua đó góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nội dung bài viết:
Bình luận