Phân loại các dịch vụ tư vấn và dịch vụ phi tư vấn theo luật đấu thầu ? Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu ?

1. Phân loại dịch vụ tư vấn và dịch vụ phi tư vấn trong đấu thầu ?

1.1. Xác định các loại gói thầu theo quy định của pháp luật Đấu thầu:

Tại Khoản 8 và Khoản 9, Khoản 23, Khoản 25, Khoản 45 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định các loại gói thầu trong hoạt động Đấu thầu bao gồm:

+ Dịch vụ tư vấn trong đấu thầu:

Khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định về gói thầu dịch vụ tư vấn bao gồm:

"Dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc; khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập thiết kế, dự toán; lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm tra, thẩm định; giám sát; quản lý dự án; thu xếp tài chính; kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ tư vấn khác."

+ Dịch vụ phi tư vấn trong đấu thầu:

Khoản 9 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: Logistics, bảo hiểm, quảng cáo, lắp đặt không thuộc quy định tại Khoản 45 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 (xây lắp), nghiệm thu chạy thử, tổ chức đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng, vẽ bản đồ và hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 (Dịch vụ tư vấn).

 

1.2. Gói thầu mua sắm Hàng hóa:

Khoản 25 Luật Đấu thầu 2013 quy định hàng hóa gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; Thuốc, vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.

1.3. Gói thầu xây lắp:

Khoản 45 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định rằng Xây lắp gồm những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt công trình, hạng mục công trình.

1.4. Gói thầu hỗn hợp:

Khoản 23 Luật Đấu thầu 2013 quy định rằng Gói thầu hỗn hợp là gói thầu bao gồm thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP);

Thiết kế và xây lắp (EC);

Cung cấp hàng hóa và xây lắp (PC);

Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC);

Lập dự án, thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (chìa khóa trao tay).

1.5. Phân biệt dịch vụ tư vấn và dịch vụ phi tư vấn:

+ Dịch vụ tư vấn bao gồm các hoạt động như sau:

- Lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc;

- Khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Khảo sát, lập thiết kế, dự toán;

- Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

- Thẩm tra, thẩm định;

- Giám sát;

- Quản lý dự án;

- Thu xếp tài chính;

- Kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ;

Các dịch vụ tư vấn khác.

+ Dịch vụ phi tư vấn bao gồm các hoạt động như sau:

- Logistics

- Bảo hiểm

- Quảng cáo

- Lắp đặt không thuộc hoạt động xây lắp theo Khoản 45 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013

- Nghiệm thu chạy thử

- Tổ chức đào tạo

- Bảo trì

- Bảo dưỡng

- Vẽ bản đồ

- Các hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn thuộc Khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013.

Việc phân loại gói thầu được thực hiện theo các quy định nêu trên. Theo đó để phân biệt dễ dàng nhất giữa gói thầu dịch vụ tư vấn với gói thầu dịch vụ phi tư vấn thì, trường hợp việc thực hiện gói thầu cần yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của chuyên gia thì được phân loại là gói thầu tư vấn. Trường hợp không yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm chuyên gia được phân loại gói thầu dịch vụ phi tư vấn.

Đối với trường hợp của bạn, dịch vụ thuê khoan khảo sát, thuê thiết bị đo đạc phân tích thì sẽ được xếp vào dạng gói thầu phi tư vấn hay gói thầu tư vấn thì bạn dựa vào những đặc điểm, yêu cầu trên của luật để xác định.

1.6. Các hình thức Đấu thầu hiện nay:

Theo quy định tại các điều từ Điều 20 đến Điều 27 Luật Đấu thầu 2013, có 08 hình thức đấu thầu trong nước, bạn dựa vào tính chất và hạn mức của gói thầu để lựa chọn cho mình hình thức Đấu thầu phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành:

- Đấu thầu rộng rãi: Hình thức đầu thầu không hạn chế số nhà đầu tư tham gia dự thầu;

- Đấu thầu hạn chế: Hình thức này được áp dụng đối với trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc yêu cầu có một số kỹ thuật đặc thù khác. Chỉ những nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu mới tham gia dự thầu được, tuy nhiên mỗi gói thầu phải có ít nhất 03 nhà đầu tư tham gia dự thầu.

- Chỉ định thầu: Chủ thầu lựa chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng nhu cầu của gói thầu để thương lượng và ký hợp đồng.

Hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách; Gói thầu di dời các công trình để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng…

- Mua sắm trực tiếp: Áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.

Hình thức này được thực hiện đối với nhà thầu đã trúng thầu và ký hợp đồng trước đó, đáp ứng đủ các điều kiện về đơn giá, nội dung, tính chất, quy mô gói thầu, thời gian ký hợp đồng của gói thầu trước đó...

- Chào hàng cạnh tranh: Hình thức này được áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức quy định và thuộc các trường hợp: Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường; gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi gói thầu đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, có dự toán được phê duyệt và đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.

Ngoài ra còn một số hình thức khác như: Tự thực hiện; Tham gia thực hiện của cộng đồng…

2. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với dịch vụ phi tư vấn ?

Điều 39 Luật Đấu thầu 2013 quy định về Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp như sau:

2.1. Phương pháp giá thấp nhất:

- Phương pháp này áp dụng đối với các gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ trong đó các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là cùng một mặt bằng khi đáp ứng các yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu;

- Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí của gói thầu;

- Đối với các hồ sơ dự thầu đã được đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá quy định tại điểm b khoản này thì căn cứ vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch để so sánh, xếp hạng. Các nhà thầu được xếp hạng tương ứng theo giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Nhà thầu có giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

 

2.2. Phương pháp giá đánh giá:

- Phương pháp này áp dụng đối với gói thầu mà các chi phí quy đổi được trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình;

- Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn xác định giá đánh giá.

Các yếu tố được quy đổi trên cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá bao gồm: chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến xuất xứ của hàng hóa, lãi vay, tiến độ, chất lượng của hàng hóa hoặc công trình xây dựng thuộc gói thầu, uy tín của nhà thầu thông qua tiến độ và chất lượng thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yếu tố khác;

- Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì căn cứ vào giá đánh giá để so sánh, xếp hạng. Nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

 

2.3. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá:

- Phương pháp này áp dụng đối với gói thầu công nghệ thông tin, viễn thông hoặc gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp khi không áp dụng được phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá đánh giá quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu 2013;

- Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá;

- Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì căn cứ vào điểm tổng hợp để so sánh, xếp hạng tương ứng. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp thứ nhất.

Đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Đối với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, sử dụng phương pháp chấm điểm hoặc tiêu chí đạt, không đạt. Đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá quy định tại khoản 3 Điều này sử dụng phương pháp chấm điểm. Khi sử dụng phương pháp chấm điểm, phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo