Giá trị của di sản văn hóa là gì? Giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đời sống kinh tế xã hội

Di sản văn hóa là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của con người. Để hướng tới sự phát triển bền vững và nhân văn, chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc về di sản văn hóa và những giá trị mà nó mang lại, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của di sản văn hóa.

Bao Ton Di San Van Hoa Va Phat Trien Kinh Te Xa Hoi

Giá trị của di sản văn hóa là gì? Giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đời sống kinh tế xã hội

1. Di sản văn hóa là gì?

Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất  có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại (như các di tích, hiện vật, các loại hình văn học, nghệ thuật, các nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức và kỹ năng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công,...) còn tồn tại đến ngày nay, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng.

Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể.

1.1. Di sản văn hóa vật thể

Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa vật thể được dùng để chỉ các sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, gồm:

  • Di tích lịch sử - văn hóa
  • Danh lam thắng cảnh
  • Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1.2. Di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái hiện và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Các di sản văn hóa phi vật thể cụ thể như sau:

  • Tiếng nói, chữ viết
  • Ngữ văn dân gian
  • Nghệ thuật trình diễn dân gian
  • Tập quán xã hội và tín ngưỡng
  • Lễ hội truyền thống
  • Nghề thủ công truyền thống
  • Tri thức dân gian

2. Giá trị của di sản văn hóa

Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

  • Di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của thế hệ cha ông, tạo tiền để để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Bên cạnh đó, đây còn là nền tảng để chúng ta tiếp cận với những nền văn hóa trên toàn thế giới mà không bị mất đi bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.
  • Di sản văn hóa tham gia và thể hiện sự đang dạng của văn hóa thế giới nói chung, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói riêng. Di sản văn hóa luôn có sự đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng cách biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm nên sức sống và sự giàu có cho văn hóa nhân loại.
  • Di sản văn hóa là động lực để phát triển ngành công nghiệp không khói (ngành du lịch)

Hệ thống di sản văn hóa trải khắp đất nước chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch. Di sản văn hóa đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam; kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Một trong những di sản nổi tiếng thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, đây là di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới bởi giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo, giá trị đa dạng sinh học, giá trị văn hóa - lịch sử,.... Không chỉ vậy, vịnh Hạ Long còn được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Với những điều kiện tự nhiên ưu đãi và những danh hiệu của mình, ngày nay, vịnh Hạ Long đã trở thành trung tâm du lịch thu hút lượng khách đông đảo hàng đầu tại nước ta.

Sức hấp dẫn của di sản văn hóa đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tính đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, trở thành tài sản chung của văn hóa nhân loại. Không chỉ vậy, nó còn có 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3.500 di tích quốc gia, 122 di tích quốc gia đặc biệt.

3. Giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đời sống kinh tế xã hội

Di sản văn hóa dân tộc ở nước ta được hiểu là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Luật Di sản văn hóa (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) định nghĩa: “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Thực tiễn hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm qua đã khẳng định những thành tựu không thể phủ nhận và vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta.

3.1. Di sản văn hóa dân tộc là tài sản vô giá, tiềm lực tinh thần gắn kết cộng đồng dân tộc trong một quốc gia Việt Nam thống nhất, đa dạng văn hóa

Trước hết phải khẳng định rằng, di sản văn hóa dân tộc là một bộ phận quan trọng nhất, chứa đựng những yếu tố cốt lõi của văn hóa dân tộc. Bản thân các di sản văn hóa do cha ông ta sáng tạo ra, truyền lại cho thế hệ hôm nay tạo ra một hệ thống các giá trị có vai trò to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hệ thống giá trị đó chẳng những là tài sản vô giá mà còn là những thông điệp có ý nghĩa của cha ông ta đúc kết ở mỗi thời điểm lịch sử, rút ra những bài học lịch sử, thể hiện nghệ thuật ứng xử của cha ông ta trong cải tạo tự nhiên, đấu tranh xã hội, chống giặc ngoại xâm, mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước để xây dựng một quốc gia Việt Nam thống nhất trong đa dạng văn hóa.

Một trong những giá trị tiêu biểu nhất của di sản văn hóa dân tộc là đề cao tinh thần yêu nước, đoàn kết mọi người dân, mọi dân tộc, tạo ra sức mạnh tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy bảo vệ cho được độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc. Di sản văn hóa tạo ra những biểu tượng văn hóa gắn kết các cộng đồng dân tộc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi người Việt Nam ai cũng tự hào mình là con cháu cha rồng (Lạc Long Quân), mẹ tiên (Âu Cơ), tự hào về các dân tộc trong nước đều là anh em, từ một bọc sinh ra (đồng bào). Mỗi người Việt Nam tự hào về vua Hùng, người đứng đầu nhà nước Văn Lang đầu tiên của dân tộc, khẳng định vua Hùng là quốc tổ, có ngày giỗ tổ (mùng mười tháng ba), có hệ thống đền miếu tôn thờ, được tổ chức lễ hội tưng bừng hàng năm.

Một đặc điểm dễ nhận ra là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở nước ta, từ Bắc đến Nam, phần lớn thờ phụng những người có công chống giặc ngoại xâm, dẹp loạn cát cứ, xây dựng tinh thần đoàn kết, hòa hiếu giữa các dân tộc. Nhân dân không chấp nhận tôn vinh những người đi ngược lại quyền lợi của các dân tộc, của quốc gia, phá vỡ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở các dân tộc anh em trên đất nước ta đã thể hiện rõ nét tinh thần hòa hiếu giữa các dân tộc. Các yếu tố di sản văn hóa của các dân tộc trong quá trình giao lưu được các dân tộc học hỏi, tiếp thu cái hay, cái tốt, làm giàu có vốn văn hóa của dân tộc mình. Như vậy, giá trị của các di sản văn hóa dân tộc vừa là tài sản, vừa là tiềm lực tạo ra sức mạnh tinh thần gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong chống giặc ngoại xâm chính là từ sức mạnh của văn hóa, trong đó có vai trò của những giá trị di sản văn hóa vun đắp qua bao thế kỷ.

Lịch sử cũng đã chứng minh, sự gắn kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam là cơ sở xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để quốc gia phát triển và mỗi dân tộc có điều kiện tốt nhất để phát triển dân tộc mình.

3.2. Di sản văn hóa dân tộc là những chuẩn mực cốt lõi phản ánh đậm nét bản sắc dân tộc

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa đưa ra khái niệm: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”.

Các sản phẩm vật chất, tinh thần của di sản văn hóa dân tộc hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được bảo tồn dưới dạng nguyên gốc, nguyên trạng, kết tinh tài năng, trí tuệ, tính tư tưởng, thẩm mỹ của thời điểm lịch sử sáng tạo ra các sản phẩm đó, đồng thời các sản phẩm đó được lưu truyền qua các thế hệ được cộng đồng các dân tộc sàng lọc, vun đắp, giữ gìn những giá trị có tính tiêu biểu, chứa đựng những tinh hoa văn hóa của các dân tộc, vì thế nó là những giá trị bền vững, lâu dài, hình thành truyền thống và những tính cách, nét riêng biệt của các nhóm người, các dân tộc. Những giá trị ấy được xác định là những chuẩn mực cốt lõi phản ánh đậm nét bản sắc dân tộc được cộng đồng các dân tộc thừa nhận, bảo lưu và truyền lại cho các thế hệ sau, coi như là một mã di truyền xã hội.

Hệ thống giá trị của di sản văn hóa thể hiện những chuẩn mực về nội dung và hình thức của bản sắc dân tộc.

Khi phân tích các kiểu giá trị, các tầng bậc giá trị qua các sự vật, hiện tượng nguyên gốc, nguyên trạng, chúng ta nhận thức đầy đủ hơn, xác định rõ hơn cái nào là bản sắc dân tộc. Và chúng ta chỉ có thể xác nhận đầy đủ, rõ nét nhất những gì là bản sắc văn hóa dân tộc, cả về nội dung và hình thức, thông qua tài sản vô giá là di sản văn hóa do quá khứ để lại. Qua phân tích các sản phẩm của di sản văn hóa, dưới góc độ khoa học, chúng ta biết được đâu là yếu tố bản địa, đâu là yếu tố ngoại lai, sự biến đổi của yếu tố bản địa, ngoại lai được phản ánh trong di sản, từ đó chỉ ra những chuẩn mực cốt lõi phù hợp với nhu cầu, điều kiện lịch sử xã hội của dân tộc đó.

Ví dụ, qua các di sản văn hóa của nền văn hóa Đông Sơn, nhất là các bộ sưu tập trống đồng và các tục hèm, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, chúng ta phân tích, đánh giá các giá trị của di sản để hiểu biết đầy đủ hơn bản sắc dân tộc Việt ở thời đại vua Hùng và qua đó đối sánh với những hiện hữu di sản trong nền văn hóa đương đại, tìm ra các yếu tố gốc, sự biến đổi văn hóa qua các thời kỳ lịch sử để nhìn nhận đánh giá bản sắc dân tộc Việt hôm nay.

Như vậy, hệ thống các giá trị của di sản văn hóa có vai trò tạo nền tảng hình thành bản sắc dân tộc qua các thời kỳ lịch sử phát triển của dân tộc.

3.3. Di sản văn hóa dân tộc là nguồn vốn vô giá sáng tạo những giá trị mới trong xã hội đương đại

Để phục vụ cho yêu cầu tăng tốc phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, dân tộc ta cần phải phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn vốn văn hóa của cha ông. Bất cứ một giá trị nào của di sản văn hóa dân tộc trước hết phải thực hiện nhiệm vụ lịch sử ở thời điểm nó ra đời để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, của xã hội. Các giá trị của di sản văn hóa dân tộc tất yếu được kế thừa, phát huy trong xã hội đương đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới do lịch sử đặt ra. Có điều, mỗi giai đoạn lịch sử đặt ra yêu cầu mới, chứa đựng những giá trị mới về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật biểu hiện, phù hợp với lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ của thời đại. Do đó, huy động tối đa nguồn vốn giá trị của di sản văn hóa dân tộc không chỉ để phát huy mà còn để sáng tạo nên những giá trị mới đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị mới ấy nhằm mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa xác định nhiệm vụ cụ thể: “Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng với những đức tính sau:

Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”.

Những đức tính trên thực chất đã kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử và được nâng lên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những giá trị truyền thống của dân tộc được kết tinh, thể hiện trong toàn bộ di sản văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc. Đó là nguồn vốn vô giá, là nền tảng để sáng tạo nên những giá trị mới phục vụ đắc lực các nhiệm vụ cách mạng ngày hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng.

3.4. Di sản văn hóa là tài sản vô giá để giao lưu văn hóa trong nước và với các nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội

Việt Nam là một quốc gia thống nhất có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của dân tộc mình. Hệ thống giá trị của di sản văn hóa mỗi dân tộc cũng chính là tài sản vô giá để các dân tộc trong nước giao lưu hiểu biết lẫn nhau qua đó hiểu biết sâu sắc hơn giá trị văn hóa của nhau, càng tôn trọng nhau, cùng vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình và phát triển, chung xây tổ quốc Việt Nam phát triển bền vững, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, các dân tộc tất yếu phải tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Tham gia vào toàn cầu hóa, các dân tộc có cơ hội giới thiệu cái hay, cái tốt, cái đẹp của văn hóa dân tộc mình, từ đó làm giàu có kho tàng văn hóa nhân loại, đồng thời các dân tộc có cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới tự làm giàu có tài sản văn hóa của dân tộc mình. Chúng ta hội nhập quốc tế, tham gia toàn cầu hóa bằng nguồn vốn văn hóa của dân tộc do cha ông để lại và những gì hiện có hôm nay.

Trống đồng Ngọc Lũ (thời văn hóa Đông Sơn), chiếc áo dài Việt Nam… có giá trị biểu trưng cho văn hóa dân tộc. Vịnh Hạ Long, khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long… được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng… được ghi vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Những giá trị của các di sản văn hóa trên giúp chúng ta tự hào về văn hóa dân tộc, chủ động và tự tin trong giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.

Do vậy, các giá trị của di sản văn hóa chính là tài sản vô giá, niềm tự hào dân tộc, để giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, để khẳng định những đặc trưng văn hóa của dân tộc trong bối cảnh đa dạng hóa các nền văn hóa.

Giao lưu văn hóa giữa các dân tộc không chỉ là động lực tinh thần mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở nước ta có giá trị đại diện nhân loại và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học khác đã trở thành tụ điểm du lịch hấp dẫn, điểm đến của du khách nhiều nước trên thế giới, đem lại nguồn lợi đáng kể cho dân chúng nơi có di sản văn hóa và đóng góp ngân sách quốc gia, phát triển ngành nghề và dịch vụ phục vụ du lịch…

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến Giá trị của di sản văn hóa là gì? mà ACC đã chia sẻ đến quý bạn đọc. Hy vọng rằng với những thông tin trên, quý bạn đọc có thể áp dụng được trong cuộc sống và công việc. Mọi thông tin thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi; ACC với đội ngũ chuyên viên với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sẽ hỗ trợ quý bạn đọc một cách chuyên nghiệp và nhanh chóng nhất. Công ty Luật ACC - Đồng hành pháp lý cùng bạn.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo