Nghỉ việc như thế nào là đúng luật?
Để tránh những tranh chấp phát sinh không cần thiết và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động khi quyết định nghỉ việc, người lao động cần tham khảo những trường hợp sau để đảm bảo việc xin nghỉ việc là đúng pháp luật Lao động.
– Nghỉ việc khi hết thời hạn theo Hợp đồng lao động
Đối với hợp đồng lao động có xác định thời hạn, khi hết thời hạn lao động được ký kết trong hợp đồng lao động và hai bên không muốn tiếp tục ký kết hợp đồng lao động, khi đó hai bên sẽ chấm dứt quan hệ lao động và người lao động sẽ được nghỉ việc.
– Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn
Trường hợp hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực, tuy nhiên người lao động và người sử dụng lao động muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động.
Ví dụ: Người lao động nộp đơn xin nghỉ việc khi hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực và người sử dụng lao động đồng ý cho người lao động được nghỉ việc.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải có lý do nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
– Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
– Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
– Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Bộ luật lao động 2019 quy định, người lao động theo hợp đồng xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (không cần lý do như hiện nay) chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 03 ngày làm việc với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng. Như vậy, người lao động nếu không còn ‘mặn mà’ với công ty thì dễ dàng chia tay công ty mà không bị gò bó gì; phần nào giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm mới tốt hơn và công ty tránh trường hợp ‘giữ xác không hồn’
Người lao động nghỉ việc trái pháp luật chịu hậu quả pháp lý như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật lao động thì người lao động nghỉ việc trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm như sau:
– Không được trợ cấp thôi việc;
– Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
– Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
– Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định.
Trường hợp nào người lao động nghỉ việc mà không cần báo trước?
Theo quy định khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 dưới đây, người lao động không phải báo trước khi nghỉ việc:
– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc khi có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
– Đủ tuổi nghỉ hưu;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực về công việc, địa điểm, điều kiện, thời giờ, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động;
– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Như vậy, từ năm 2021, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định cụ thể 07 trường hợp người lao động được nghỉ việc không cần báo trước mà không phải bồi thường.
Đơn xin nghỉ việc viết tay hay đánh máy?
Không có bất kỳ quy định nào về việc việc người lao động phải viết tay hoặc đánh máy đơn xin nghỉ việc. Trường hợp bạn là người “chữ đẹp” và muốn dành sự trân trọng nhất cho người quản lý, bạn có thể “viết tay” đơn xin nghỉ. Ngược lại, để nhanh gọn bạn có thể đánh máy đơn xin nghỉ việc. Ngoài ra, một doanh doanh nghiệp quy định, khi nghỉ việc người lao động có thể gửi email đơn xin nghỉ việc mà không cần phải đánh máy hoặc viết tay.
Tóm lại, khi nghỉ việc bạn có thể đánh máy hoặc viết tay hoặc chỉ cần gửi email tùy thuộc vào văn hóa của từng doanh nghiệp bạn làm việc.
Nội dung cần có trong đơn xin nghỉ việc?
Khi viết đơn xin nghỉ việc, người lao động cần chú ý những nội dung sau cần có trong đơn bao gồm:
– Thông tin cá nhân người xin nghỉ việc: Trong đơn xin nghỉ, người lao động cần ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ làm việc của mình.
– Thông tin lý do xin nghỉ việc: Đây là phần nội dung rất quan trọng mà người lao động cần cân nhắc kỹ để trình bày một cách ngắn gọn nhưng vẫn rành mạch, rõ ràng và đầy đủ ý.
Chúng tôi sẽ liệt kê 1 số lý do xin nghỉ ở phần bên dưới để các bạn tham khảo và sử dụng khi cần thiết
– Chi tiết thời gian xin nghỉ: Người làm đơn cần ghi chính xác thời gian muốn xin nghỉ việc chính thức của mình để doanh nghiệp nắm được và có sự thay thế nhân sự cho phù hợp.
– Nội dung bàn giao công việc: Các bạn cần ghi rõ các công việc đã thực hiện bàn giao, ai là người nhận bàn giao.
– Đề xuất: Người lao động có thể đề xuất 1 số vấn đề khi nghỉ việc như mong muốn nhận được tiền lương vào ngày bàn giao công việc, sớm nhận được quyết định nghỉ việc…vv.
Lý do xin nghỉ việc phổ biện hiện nay?
Có trăm nghìn lý do dẫn đến việc người lao động muốn xin nghỉ việc tại nơi đang làm. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi thấy đa phần người lao động xin nghỉ việc bởi các lý sau đây:
Lý do xin nghỉ việc chính đáng
Lý do chính đáng là những lý do hợp lý theo hoàn cảnh thực tế và dễ để được người sử dụng lao động đồng ý cho người lao động được nghỉ việc.
– Khi làm việc tại một nơi quá lâu và mong muốn thay đổi môi trường làm việc để làm mới mình;
– Được đào tạo chuyên ngành Công nghệ nhưng định hướng phát triển công ty có sự thay đổi và không phù hợp với chuyên môn được học.
– Thay đổi địa chỉ sang tỉnh/thành phố khác, không thuận tiện đi làm tại công ty.
– Chế độ đãi ngộ không tương xứng với công sức bỏ ra và cần tìm một nơi mới để cải thiện thu nhập ổn định cuộc sống;
– Không có cơ hội thăng tiến trong công việc dẫn đến mất động lực trong công việc;
– Mâu thuẫn với cấp trên không thể hòa giải.
– Cần thời gian đi học để nâng cao trình độ chuyên môn và không thể tập trung cho công việc.
– Bận việc gia đình, muốn dành nhiều thời gian bên gia đình.
– Có cơ hội việc làm tốt hơn với mức đãi ngộ tốt hơn.
– Điều kiện sức khỏe không đủ để tiếp tục công việc.
Lý do xin nghỉ việc không chính đáng
– Gia đình không cho làm việc và muốn chuyển sang công việc khác;
– Không hòa nhập được với đồng nghiệp do có nhiều quan điểm và khác biệt trong suy nghĩ;
– Vì những lý do buồn phiền cá nhân, chia tay người yêu, thất tình;
– Không thích lịch làm việc của công ty và cảm thấy bị gò bó về mặt thời gian;
– Công việc hiện tại nhàm chán, thiếu động lực phát triển;
– Ghét công việc hiện tại và muốn tìm công việc khác cảm thấy thích hơn;
– Xin nghỉ việc vì chia tay người yêu, thất tình
– Bố mẹ bắt nghỉ việc
Thủ tục xin nghỉ việc đúng quy định Bộ luật lao đông
Để bảo đảm việc nghỉ việc đúng quy định pháp luật, người lao động cần thực hiện các công việc như sau:
Bước 1: Người lao động nộp đơn xin nghỉ việc tới Ban lãnh đạo công ty/Thủ trưởng đơn vị/người đứng đầu cơ quan/tổ chức
Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn sau:
+ Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng;
+ Ít nhất 45 ngày đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Bước 2: Làm việc với Bộ phận quản lý tiến hành bàn giao công việc
Sau khi được người sử dụng lao động đồng ý, người lao động sẽ tiến hành bàn giao công việc của mình cho người được phân công nhận bàn giao. Trong quá trình bàn giao, Người lao động có trách nhiệm hướng dẫn công việc, quy trình và cách xử lý công việc cho người kế nhiệm.
Bước 3: Giải quyết chế độ lương, thưởng cho người lao động khi nghỉ việc
Sau khi công việc đã được bàn giao, người lao động sẽ được thanh toán các khoản lương, thưởng, trợ cấp (nếu có) trong thời làm việc tại công ty.
Ngoài ra, người lao động sẽ được công ty cấp quyết định nghỉ việc và hợp đồng lao động để làm căn cứ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp (trường hợp chưa xin được chỗ làm mới).
Cách viết đơn xin nghỉ việc
Khi viết đơn xin nghỉ việc cần phải chú ý các quy tắc như sau:
– Sử dụng ngôn ngữ trang trọng lịch sự
– Trình bày đủ ý, ngắn gọn
– Viết đầy đủ các mục chính
Đơn xin nghỉ việc sẽ bao gồm các nội dung chính theo thứ tự:
– Phần mở đầu:
Đầu tiên Đơn xin nghỉ việc cần có Quốc hiệu và tiêu ngữ:
+ Quốc hiệu ghi trên văn bản: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày bằng chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm.
+ Tiêu ngữ: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được viết bằng chữ in thường, kiểu chữ đứng, đậm; được đặt canh giữa dưới quốc hiệu; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối ngắn và có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ
Tiếp đến bên dưới là tên của loại đơn hành chính viết “ ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC” được viết dưới dạng chữ in hoa, cỡ chữ lớn.
– Phần nội dung:
Phần nội dung bao gồm các nội dung chính
+ Nơi nhận, người nhận: người có liên quan trực tiếp đến giải quyết đơn xin nghỉ việc
+ Thông tin về bản thân
+ Nguyện vọng xin nghỉ và lý do xin nghỉ
+ Thời gian bàn giao công việc và thời gian dự kiến xin nghỉ
+ Thông tin bàn giao công việc: giao cho ai, chức vụ như thế nào?
+ Nội dung bàn giao công việc
+ Lời cam kết những thông tin đã nêu là chính xác
+ Lời cảm ơn
– Phần kết:
Sau khi trình bày xong nội dung đơn xin nghỉ việc cần có ký tên, ghi rõ họ tên của người làm đơn, bộ phận phê duyệt, các bộ phận liên đới chịu trách nhiệm nếu có.
Nội dung bài viết:
Bình luận