1. Đình công là gì ?

Đình công là sự ngừng bộ phận hoặc toàn bộ quá trình sản xuất, dịch vụ do tập thể những người lao động cùng nhau tiến hành với yêu sách người sử dụng lao động phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động hoặc làm thoả mãn những yêu sách và các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

Nội dung khái niệm đình công:

Đình công là một trong những quyền cơ bản của người lao động được pháp luật quy định. Quyển đình công do tập thể người lao động quyết định thông qua tổ chức công đoàn trong trường hợp người lao động không nhất trí với quyết định của hội đồng trọng tài lao động về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và cũng không lựa chọn việc yêu cầu toà án giải quyết. Việc đình công do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định sau khi tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động bằng bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ kí và phải được quá nửa tập thể lao động tán thành. Ban chấp hành Công đoàn làm bản yêu cầu của cuộc đình công, cử đại diện, nhiều nhất là ba người để trao bản yêu cầu này cho người sử dụng lao động, đồng thời, gửi thông báo đình công cho cơ quan lao động cấp tỉnh và cho Liên đoàn lao động cấp tỉnh.

Đình công tuân theo những điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định là đình công hợp pháp. Các cuộc đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động; vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp; không theo đúng trình tự, thủ tục quy định được coi là đình công bất hợp pháp.

Chính phủ quy định các doanh nghiệp phục vụ công cộng, doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng bị cấm đình công. Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định hoãn hoặc ngừng cuộc đình công nếu thấy cuộc đình công đó có nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân hoặc an toàn công cộng.

Pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo lực, làm tổn hại máy móc, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp, các hành vi xâm phạm trật tự an toàn công cộng trong khi đình công.

 

2. Đình công bất hợp pháp là gì ?

Đình công bất hợp pháp là đình công thiếu một trong các điều kiện đình công hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Nội dung khái niệm về đình công bất hợp pháp:

Quan điểm về đình công bất hợp pháp ở các nước cũng khác nhau. Ở Việt Nam, những cuộc đình công không do công đoàn lãnh đạo, không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể... là đình công bất hợp pháp (Xf. Đình công hợp pháp).

Việc kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công theo yêu cầu của tập thể lao động, người sử dụng lao động hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Khi có quyết định của toà án về cuộc đình công là bất hợp pháp, tập thể người lao động phải ngừng đình công. Trong một số trường hợp (ví dụ: tập thể lao động không thực hiện đúng thủ tục đình công và người sử dụng lao động có lỗi...), người lao động tham gia đình công dù không có đủ cơ sở pháp lí vẫn có thể được giải quyết một phần tiền lương và các quyền lợi khác.

3. Đình công hợp pháp là gì ?

Đình công hợp pháp là đình công tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nội dung khái niệm về đình công hợp pháp:

Nhìn chung, pháp luật các nước hầu hết đều thừa nhận đình công với tính cách là quyền của người lao động cũng chỉ thừa nhận những cuộc đình công hợp pháp, tuy phạm vi đình công hợp pháp cũng khác nhau theo pháp luật của từng nước, căn cứ vào các quy định về đối tượng, mục đích, phạm vi, thời điểm, người lãnh đạo, thủ tục tiến hành... đình công.

Theo pháp luật Việt Nam, đình công hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau: 1) Phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, trong phạm vi quan hệ lao động; 2) Do người lao động trong cùng doanh nghiệp tự nguyện tiến hành trong phạm vi doanh nghiệp đó; 3) Trong trường hợp tập thể người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp lao động của hội đồng trọng tài lao động nhưng không khởi kiện ra toà án; 4) Do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn lâm thời lãnh đạo theo thủ tục luật định; 5) Không vi phạm quy định về cấm, hoãn, ngừng đình công.

 

Việc kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công theo yêu cầu của tập thể người lao động. người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Việc phán quyết cuộc đình công là hợp pháp của toà án căn cứ vào lỗi của người sử dụng lao động (nếu có) để giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật.

 

4. Quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công

4.1 Khái niệm về đình công và giải quyết đình công

Quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công là quan hệ phát sinh giữa đại diện lao động lãnh đạo đình công, người lao động tham gia đình công, với người sử dụng lao động hoặc với người thàm gia giải quyết đình công, được các quy phạm pháp luật lao động điều chỉnh.

Có thể nói, trong các quan hệ pháp luật có liên quan đến quan hệ pháp luật về sử dụng lao động, quan hệ đình công là quan hệ nhạy cảm và phức tạp nhất vì nó có ảnh hưởng lớn đến sự bình ổn của quan hệ lao động, trật tự an ninh ở địa phương nơi diễn ra đình công và không loại trừ khả năng phát sinh các vấn đề về chính trị. Chính vì vậy, quan hệ này cần được sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật và có những định hướng rõ ràng để phòng ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đình công.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh vấn đề giải quyết đình công cũng cần có những biện pháp phù hợp để quan hệ lao động nhanh chóng trở lại ổn định sau quá trình giải quyết đình công, cũng như giải quyết dứt điểm những hậu quả của đình công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trước, trong và sau đình công.

 

4.2 Chủ thể của quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công

+ Chủ thể tham gia và lãnh đạo đình công

Là người lao động, tập thể lao động và thành phần lãnh đạo đình công. Trên thực tế, tư cách chủ thể của các bên khi tham gia đình công là một trong các yếu tố quyết đinh tính hợp pháp của cuộc đình công. Vỉ dụ: Chủ thể lãnh đạo đinh công theo quy định của pháp luật hiện hành phải là tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể, chủ thể tham gia đình công là tập thể lao động trong phạm vi một doanh nghiệp...

 

+ Chủ thể cỏ thẩm quyền giải quyết đình công

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết đình công theo quy định của pháp luật hiện hành là toà án nhân dân cấp tỉnh, toà án nhân dân cấp cao (theo Điều 405 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

 

4.3 Nội dung quan hệ pháp luật về đình công và giải quyết đình công

Nội dung quan hệ là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình đình công và giải quyết đình công.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trước, trong và sau quá trình đình công được quy định trong BLLĐ.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình giải quyết đình công được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (Từ Điều 403 đến Điều 413 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).