Thực tiễn, có thể xảy ra trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai. Vậy trong tình huống này pháp luật dân sự quy định như thế nào? Hậu quả pháp lý ra sao? Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định tại Điều 236 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015
1. Một số khái niệm
Khi tìm hiểu quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015, bạn đọc có thể bắt gặp cụm từ “ngay tình”, “liên tục”, “công khai”.
1.1. Chiếm hữu ngay tình
Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu lên định nghĩa tại Điều 180 như sau: Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu. Có thể thấy, chiếm hữu ngay tình bao gồm chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.
So với Bộ luật Dân sự năm 2005, khái niệm chiếm hữu ngay tình trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã rộng hơn. Căn cứ theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2005, chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản của mình đương nhiên là chiếm hữu có căn cứ pháp luật;
+ Bằng ý chí của mình, chủ sở hữu tài sản ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của mình nên người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản cũng được coi là chiếm hữu có căn cứ pháp luật;
+ Bằng giao dịch dân sự (phù hợp với quy định của pháp luật), chủ sở hữu chuyển giao tài sản của mình cho người khác và người nhận chuyển giao được coi là người chiếm hữu có căn cứ pháp luật;
+ Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan là người chiếm hữu có căn cứ pháp luật;
+ Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Các trường hợp khác mà pháp luật quy định là chiếm hữu có căn cứ pháp luật.
Việc chiếm hữu không phù hợp với những nội dung nêu trên được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Ví dụ: A vay tiền B và bị khởi kiện sau đó thi hành án là một mảnh đất, sau khi thi hành án, mảnh đất được bán và sang tên cho C. Sau đó bản án bị hủy do A đã trả tiền cho B trước đó, trong trường hợp này C là người chiếm hữu ngay tình. Căn cứ về chiếm hữu ngay tình đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên B và bán cho C và đã sang tên do đó đây được hiểu là trường hợp chiếm hữu ngay tình.
1.2. Chiếm hữu liên tục
Điều 182 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định như sau: chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.
Căn cứ theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể thấy, tính liên tục của việc chiếm hữu được xác định căn cứ vào hai điều kiện sau:
Thứ nhất, việc chiếm hữu diễn ra trong một khoảng thời gian xác định;
Thứ hai, không có tranh chấp về quyền đối với tài sản hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tại Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
Việc xác định là chiếm hữu liên tục tại Điều 190 Bộ luật Dân sự năm 2005 được quy định là việc chiếm hữu liên tục trong một khoảng thời gian và không có tranh chấp về tài sản. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Như vậy, điều này có nghĩa là dù việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà có tranh chấp hay không có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì vẫn được coi là chiếm hữu liên tục.
1.3. Chiếm hữu công khai
Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2015, chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.
2. Quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Thông thường, người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác nhưng không có căn cứ pháp luật thì có nghĩa vụ phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, Điều 236 đã đưa ra một ngoại lệ, theo đó, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, mặc dù chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng nếu chủ thể đáp ứng các điều kiện được công nhận là chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì có thể trở thành chủ sở hữu của động sản, bất động sản đó.
Thông qua việc tìm hiểu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về Điều 236, có thể thấy vẫn tồn tại trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng nếu đáp ứng các điều kiện như ngay tình, liên tục, công khai và thời hạn chiếm hữu thì pháp luật vẫn thừa nhận quyền sở hữu của chủ thể trong tình huống này.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 gửi đến quý bạn đọc để tham khảo. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc cần giải đáp, vui lòng truy cập trang web: https://accgroup.vn để được hướng dẫn, trao đổi cụ thể.
Nội dung bài viết:
Bình luận