Cơ quan quản lý thuế là các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện quản lý nhà nước về thuế theo quy định của pháp luật thuế. Vậy Cơ quan quản lý thuế bao gồm những cơ quan nào? Hãy để bài viết này của ACC giúp bạn hiểu rõ hơn.
Cơ quan quản lý thuế là những cơ quan nào?
1. Cơ quan quản lý thuế là những cơ quan nào?
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý thuế 2019 thì cơ quan quản lý thuế bao gồm:
- Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;
- Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
Như vậy, cơ quan thuế là bao gồm các cơ quan thuế từ trung ương đến các cơ quan thuế ở địa phương. Nhưng đối với cơ quan quản lý thuế thì bao gồm các cơ quan về thuế và cơ quan hải quan, ở cấp huyện và quận, huyện, thị xã có chi cục thuế và chi cục hải quan.
2. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế
Nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế theo Điều 18 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
- Tổ chức thực hiện quản lý thu thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế tại trụ sở, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế; cơ quan thuế có trách nhiệm công khai mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Bảo mật thông tin của người nộp thuế, trừ các thông tin cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin được công bố công khai theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện việc miễn thuế; giảm thuế; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; khoanh tiền thuế nợ, không thu thuế; xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hoàn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
- Giao biên bản, kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra thuế, thanh tra thuế cho người nộp thuế và giải thích khi có yêu cầu.
- Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Giám định để xác định số tiền thuế phải nộp của người nộp thuế theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Xây dựng, tổ chức hệ thống thông tin điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp gồm những cơ quan nào?
Theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về cơ quan thuế quản lý trực tiếp như sau:
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp bao gồm:
- Cơ quan thuế quản lý địa bàn trụ sở chính của người nộp thuế, trừ Cục Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế
- Cơ quan thuế quản lý địa bàn nơi người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc khác tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính nhưng đơn vị phụ thuộc trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế trên địa bàn;
- Cục Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế được thành lập theo quy định tại Quyết định 15/2021/QĐ-TTg;
- Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cơ quan thuế cấp mã số thuế và được thay đổi theo cơ quan thuế thực hiện quyết toán thuế cho cá nhân theo quy định;
- Đối với cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là chứng khoán hoặc phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cơ quan thuế quản lý đơn vị phát hành; trường hợp có nhiều cơ quan thuế quản lý nhiều đơn vị phát hành thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cơ quan thuế nơi cá nhân nhận thừa kế, quà tặng cư trú.
- Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có thể được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế hoặc Thông báo cơ quan thuế quản lý hoặc Thông báo phân công cơ quan thuế quản lý khi cấp mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã, mã số thuế hoặc khi thay đổi thông tin đăng ký hoặc khi phân công lại cơ quan thuế quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế
Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế theo Điều 19 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
- Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.
- Kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
- Ấn định thuế.
- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
- Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
- Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế theo quy định của Chính phủ.
- Cơ quan thuế áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế với người nộp thuế, với cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập.
- Mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp trong nước và ngoài nước để phục vụ công tác quản lý thuế; chi trả chi phí ủy nhiệm thu thuế từ tiền thuế thu được hoặc từ nguồn kinh phí của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Chính phủ
5. Vai trò của cơ quan quản lý thuế
Nguồn thu ngân sách: Hoạt động thu thuế của cơ quan quản lý thuế là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động chi tiêu công, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công cụ điều tiết kinh tế: Thuế được sử dụng như một công cụ để điều tiết kinh tế, khuyến khích hoặc hạn chế một số hoạt động kinh tế nhất định.
Công cụ đảm bảo công bằng xã hội: Thuế được sử dụng để thu hồi một phần thu nhập của người giàu, chia cho người nghèo thông qua các chương trình an sinh xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
6. Câu hỏi thường gặp
6.1. Cơ quan quản lý thuế là gì?
Cơ quan quản lý thuế là các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện quản lý nhà nước về thuế theo quy định của pháp luật thuế. Hệ thống cơ quan quản lý thuế bao gồm:
- Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;
- Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
6.2. Chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý thuế là gì?
- Tổ chức thực hiện quản lý thu thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý vi phạm hành chính về thuế.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế.
- Hướng dẫn, công khai thông tin về thuế.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
6.3. Tôi có thể liên hệ với cơ quan quản lý thuế nào khi cần hỗ trợ?
Bạn có thể liên hệ với cơ quan quản lý thuế gần nhất nơi bạn cư trú hoặc nơi bạn đăng ký kinh doanh để được hỗ trợ. Danh sách các cơ quan quản lý thuế trên toàn quốc được cập nhật trên website của Tổng cục Thuế: https://www.gdt.gov.vn/.
Hy vọng qua bài viết, ACC đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về Cơ quan quản lý thuế là những cơ quan nào? Đừng ngần ngại hãy liên hệ với ACC nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.
Nội dung bài viết:
Bình luận