
1. Quản lý đất đai, quản lý nhà nước về đất đai là gì?
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai là nguồn tài nguyên vô giá và có hạn, là điều kiện cho nguồn sống của con người, động thực vật trên trái đất.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.”
Như vậy, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia bởi đất đai là một trong những bộ phận lãnh thổ quốc gia, bị giới hạn bởi ranh giới giữa các quốc gia. Đất đai có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội, vì vậy cần phải quản lý đất đai, phải có biện pháp để sử dụng đất đai một cách có hiệu quả nhất, hợp lý nhất tránh tình trạng để lãng phí tài nguyên, tránh sử dụng bừa bãi đất đai gây nên những hậu quả khó lường: chẳng hạn như cạn kiệt tài nguyên, sử dụng không có hiệu quả, đất đai bị bỏ hoang, ….
Quản lý đất đai là quá trình sử dụng và phát triển đất trong khu vực nông thôn hoặc thành thị, quản lý các hoạt động sử dụng tài nguyên đất nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Việc quản lý đất đai dựa trên các yếu tố: con người, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tổ chức bộ máy. Để quản lý tốt đất đai cần có những con người có đầy đủ năng lực và phẩm chất ban hành ra văn bản và tổ chức phân công thực thi nhiệm vụ phù hợp với từng bộ phận của bộ máy.
Quản lý nhà nước về đất đai là tổng hợp các hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu nhà nước về đất đai, đó là các hoạt động trong việc nắm chắc tình hình sử dụng đất đai, trong việc phân phối, phân phối lại theo quy hoạch, kế hoạch khi kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất đai. Đồng thời dựa vào các quy định pháp luật đất đai và các văn bản pháp luật liên quan, Nhà nước thanh tra, xử lý các vụ tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề nảy sinh trong quan hệ đất đai.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai:
Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai hiện nay được quy định tại Điều 24 Luật đất đai năm 2013 như sau:
“Điều 24. Cơ quan quản lý đất đai
- Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương.
- Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.”
Bên cạnh đó, tại Điều 4 nghị định 43/0214/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định cụ thể:
“Điều 4. Cơ quan quản lý đất đai
- Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:
a) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường.
- Cơ quan tài nguyên và môi trường ở địa phương bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai được giao thực hiện một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương; Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí công chức địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương và nhiệm vụ của công chức địa chính xã, phường, thị trấn.”
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai được phân chia gồm 04 cơ quan chuyên ngành, được phân bổ từ Trung ương đến địa phương:
Thứ nhất: Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ tài nguyên và Môi trường. Đây là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng, thủy văn, đo đạc bản đồ trong phạm vi cả nước và quản lý các dịch vụ công trong quản lý và sử dụng đất.
Thứ hai: Sở tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng quản lý và đo đạc bản đồ, đồng thời chịu sự lãnh đạo về mặt chuyên môn của Bộ tài nguyên và môi trường.
Thứ ba: Phòng tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có chức năng quản lý nhà nước về đất đai và lĩnh vực môi trường.
Thứ tư: Cán bộ địa chính cấp xã là người giúp Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý đất đai. Cán bộ địa chính cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí. Hiện nay, nhiều trường hợp cán bộ địa chính ở cấp xã được thuyên chuyển từ các công tác khác sang làm quản lý đất đai, vì vậy trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương và nhiệm vụ của công chức địa chính xã, phường, thị trấn. Ở cấp địa phương bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai được giao thực hiện một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai.
3. Nội dung quản lý nhà nước về đất đai:
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật đất đai năm 2013 quy định nhà nước quản lý đất đai về những nội dung sau:
+ Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.
+ Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.
+ Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất.
+ Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
+ Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
+ Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
+ Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
+ Thống kê, kiểm kê đất đai.
+ Xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
+ Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.
+ Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
+ Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
+ Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.
+ Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.
+ Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai.
Nội dung về quản lý đất đai trên đảm bảo cho việc sử dụng, phát triển quỹ đất, khai thác lợi nhuận thu được từ đất (thông qua thuế, cho thuê, chuyển nhượng, …) và giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai.
Nội dung bài viết:
Bình luận