Để không bị xóa hộ khẩu sau khi bán nhà, người dân có thể thương lượng với người mua nhà cho giữ hộ khẩu hoặc chuyển hộ khẩu đi nơi khác. Vậy sau khi bán nhà việc chuyển hộ khẩu được thực hiện như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của ACC nhé.
![Chuyển hộ khẩu sau khi bán nhà như thế nào [Cập nhập 2023]](https://cdn.accgroup.vn/wp-content/uploads/2022/12/luat-2-300x169.jpg)
Sau khi bán nhà bao lâu phải chuyển hộ khẩu?
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Tuy nhiên, trường hợp bán nhà bị xóa đăng ký thường trú tại Điều 24 quy định như sau:
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:
…
- h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;
Như vậy, mặc dù trách nhiệm đăng ký thường trú được “gia hạn” đến 12 tháng nhưng sau khi bán/chuyển nhà, công dân có thể sẽ bị xóa đăng ký thường trú ngay lập tức.
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Cư trú, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày xác định được người thuộc diện xóa đăng ký thường trú, cơ quan quản lý cư trú lập biên bản về việc xóa đăng ký thường trú. Biên bản này phải có xác nhận của đại diện chủ sở hữu chỗ ở hợp hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ quan quản lý cư trú thực hiện xóa đăng ký thường trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sổ đăng ký thường trú.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày xóa đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú thông báo cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc tỉnh điều chỉnh hồ sơ đăng ký thường trú trong tàng thư hồ sơ cư trú.
Thủ tục chuyển hộ khẩu sau khi bán nhà
Từ ngày 01/7/2021, việc chuyển hộ khẩu không cần phải có giấy chuyển hộ khẩu. Khi đến cư trú tại nơi ở mới và đủ điều kiện đăng ký thường trú, người dân nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý cư trú để được đăng ký thường trú.
Đối với người mua nhà mới và đăng ký thường trú tại nhà ở đó, người dân cần chuẩn bị:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
Nếu đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, hồ sơ gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Cách để không bị xóa hộ khẩu sau khi bán nhà
Như đã phân tích ở trên, việc có bị xóa hộ khẩu sau khi bán nhà hay không phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Ý kiến của chủ nhà mới về việc giữ đăng ký thường trú;
- Việc công dân sau khi bán nhà có thuê, mượn, ở nhờ tại nhà đã bán hay không.
- Công dân có đăng ký thường trú tại nơi khác không.
Vậy, để không bị xóa hộ khẩu sau khi bán nhà, người bán nhà có 01 trong 03 cách sau:
- Thỏa thuận với chủ sở hữu mới của ngôi nhà, cho phép người chủ cũ giữ đăng ký thường trú tại địa chỉ đó sau khi bán nhà.
- Thỏa thuận với chủ sở hữu mới của ngôi nhà cho thuê, mượn hoặc ở nhờ đồng thời, cho phép tiếp tục đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
- Đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Có thể thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác để xin nhập hộ khẩu vào đó hoặc mua nhà mới (thay vì xóa hộ khẩu thì sẽ chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới).
Đổi chỗ ở bao lâu thì phải chuyển hộ khẩu?
Điều kiện đăng ký thường trú được quy định tại Điều 20 Luật cư trú năm 2020. Theo đó, trường hợp bạn kết hôn chuyển về nhà chồng ở thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2:
"Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
- a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;"
Theo Điều 22 Luật Cư trú năm 2020, người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Cũng theo Luật này, chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm: nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày thay đổi chỗ ở hợp pháp, người dân phải làm thủ tục chuyển hộ khẩu. Quá thời hạn nói trên có thể bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng do không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trên đây, ACC đã giúp bạn tìm hiểu về việc chuyển hộ khẩu sau khi bán nhà. Trong quá trình tìm hiểu, nếu có câu hỏi thắc mắc xin vui lòng liên hệ website của Công ty Luật ACC để được giải đáp nhé.
Nội dung bài viết:
Bình luận