1. Tiền lương là gì?
Khái niệm về tiền lương
Theo C. Mác, lao động của con người là một trong 3 yếu tố quan trọng tạo nên quá trình sản xuất. Lao động giữ vai trò quan trọng trong việc tái tạo cũng như tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Vì vậy ông cho rằng: tiền lương là biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động.
Theo quan điểm của kinh tế học hiện đại: Tiền lương là giá cả của sức lao động, được xác định bằng quan hệ cung cầu trên thị trường lao động.
Trong nền kinh tế thị trường, quan niệm về tiền lương là số lượng tiền tệ mà người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động để hoàn thành công việc.
Từ các khái niệm trên, có thể khái quát rằng: Tiền lương là biểu hiện bằng tiền của hao phí lao động sống cần thiết mà doanh nghiệp cần trả cho người lao động theo thời gian, khối lượng công việc và chất lượng lao động mà người lao động cống hiến cho doanh nghiệp.
Ngoài khái niệm tiền lương mang tính tổng quát trên, chúng ta còn có một số khái niệm khác như sau:
Tiền lương danh nghĩa: Là lượng tiền tệ mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động dựa theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên trong việc thuê lao động.
Tiền lương tối thiểu: Đây là ngưỡng tiền lương để từ đó xây dựng các mức lương khác tạo nên hệ thống tiền lương của một ngành nào đó hoặc hệ thống tiền lương chung thống nhất trên cả nước, là căn cứ để hoạch định chính sách tiền lương. Ví dụ, mức tiền lương tối thiểu từ ngày 1/7/2013 là 1.150.000 đồng.
Tiền lương cơ bản: Hay còn gọi là lương cứng, được tính dựa trên mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương trong thang hệ số của nhà nước.
Tiền lương thực tế: Là tổng tiền lương cơ bản, khoản tăng lương và phụ cấp.
Bản chất của tiền lương trong doanh nghiệp
Về bản chất, tiền lương trong cơ chế thị trường gồm 3 trụ cột:
Tiền lương là giá cả sức lao động được biểu hiện bằng tiền của giá trị lao động mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động.
Tiền lương phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu trên thị trường lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu đủ sống do pháp luật quy định.
Tiền lương được xác định thông qua sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động, là khoản phải trả cho người lao động về công sức lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh.
2. Chức năng của tiền lương là gì?
Chức năng tái sản sản xuất sức lao động
Cùng với quá trình tái sản xuất của cải vật chất, sức lao động cần được tái tạo, với các hình thái kinh tế xã hội khác nhau sẽ có sự tái sản xuất sức lao động khác nhau. Quá trình này thể hiện rõ ở sự tiến bộ của xã hội và sự tác động của khoa học- công nghệ. Quy trình tái sản xuất sức lao động được thể hiện qua việc trả công cho người lao động bằng tiền lương. Như vậy, bản chất của tái sản xuất sức lao động là nhằm đảo bảo cho người lao động có một số tiền lương nhất định dùng cho sinh hoạt để họ có thể duy trì và phát triển sức lao động của mình, sản xuất ra sức lao động mới, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ để hoàn thành kỹ năng lao động và tăng cường chất lượng lao động.
Là thước đo giá trị
Khi tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động tương ứng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra trong quá trình thực hiện công việc ta có thể xác định được hao phí lao động của toàn thể cộng đồng thông qua tổng quỹ lương cho toàn thể người lao động. Điều này cũng có nghĩa là công tác thống kê sẽ giúp cho nhà nước có thể hoạch định các chính sách điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo hợp lý thực tế phù hợp với chính sách của nhà nước.
Kích thích lao động
Trong quá trình lao động, lợi ích về kinh tế của người lao động là động lực sản xuất. Khi người lao động được trả công xứng đáng thì họ sẽ làm việc tích cực, không ngừng hoàn thiện mình. Ngược lại, nếu người lao động không được trả công xứng đáng sẽ có những biểu hiện tiêu cực không thuận lợi cho doanh nghiệp, thậm chí sẽ xảy ra đình công gây xáo trộn về chính trị, bất ổn xã hội. Việc tổ chức tiền lương và tiền công sẽ thúc đẩy, khuyến khích người lao động nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động để đảm bảo công bằng trên cơ sở thực hiện tiền lương.
Chức năng điều tiết lao động
Trong việc thực hiện kế hoạch cân đối giữa các ngành, nghề ở các khu vực trên toàn quốc, nhà nước thường thông qua hệ thống thang bảng lương, các chế độ phụ cấp cho từng ngành nghề, khu vực để làm công cụ điều tiết lao động. Nhờ vậy, tiền lương cũng góp phần tạo ra một cơ cấu hợp lý để phát triển xã hội.
Chức năng tích lũy
Đảm bảo tiền lương cho người lao động không chỉ giúp họ duy trì được cuộc sống hằng ngày mà còn dự phòng cho cuộc sống lâu dài khi họ hết khả năng lao động hoặc gặp bất trắc.
Công cụ quản lý Nhà nước
Nhà nước ban hành Luật lao động để bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động để từ đó tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định nhằm góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động nhằm đạt mục tiêu của doanh nghiệp về năng suất, chất lượng lao động, tiến bộ xã hội,…
Nội dung bài viết:
Bình luận