1. Chính sách tiền tệ quốc gia là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.
2. Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ. (Điều 10 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
Cụ thể các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia như sau:
* Tái cấp vốn
Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:
- Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;
- Chiết khấu giấy tờ có giá;
- Các hình thức tái cấp vốn khác.
(Điều 11 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
* Lãi suất
Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.
Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
(Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
* Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.
(Điều 13 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
* Dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng đối với từng loại tiền gửi.
(Điều 14 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
* Nghiệp vụ thị trường mở
Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
(Điều 15 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
3. Thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia
Thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia được quy định như sau:
- Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.
- Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
(Khoản 2, 4 Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)
4. Các loại chính sách tiền tệ
Có 2 loại chính sách tiền tệ gồm chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thu hẹp.
4.1 Chính sách tiền tệ mở rộng là gì?
Chính sách tiền tệ mở rộng hay chính sách nới lỏng tiền tệ là gì? Là việc Ngân hàng Nhà nước tăng mức cung tiền cho nền kinh tế nhiều hơn bình thường. Để làm điều này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện 1 hoặc kết hợp 2 trong 3 cách gồm hạ lãi suất chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng mua vào trên thị trường chứng khoán.
Lúc này lãi suất giảm, các doanh nghiệp vay tiền nhiều hơn để phát triển kinh doanh, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn làm cho tổng cầu tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Từ đó, quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập của người lao động tăng, thất nghiệp giảm. Chính vì thế, chính sách này thường được sử dụng khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
4.2 Chính sách tiền tệ thu hẹp là gì?
Chính sách tiền tệ thu hẹp hay chính sách tiền tệ thắt chặt là việc Ngân hàng Nhà nước giảm mức cung tiền cho nền kinh tế. Việc này được thực hiện thông qua các hành động như tăng lãi suất chiết khấu, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bán chứng khoán ra thị trường.
Khi đó, lãi suất tăng cao, cá nhân và tổ chức dè dặt hơn trong việc chi tiêu và đầu tư, làm cho tổng cầu giảm khiến mức giá chung cũng giảm xuống. Chính sách này được sử dụng trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, lạm phát tăng cao.
5. Chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu gì?
Dù thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt, mục đích của chúng đều hướng tới giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế bền vững.
5.1 Tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là tăng trưởng kinh tế. Dựa vào sự điều chỉnh khối lượng cung tiền cho nền kinh tế, chính sách này tác động đến lãi suất và tổng cầu. Từ đó giúp gia tăng đầu tư, tăng sản lượng chung, tăng GDP, đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng kinh tế.
5.2 Giảm tỷ lệ thất nghiệp
Chính sách tiền tệ tác động tăng cung tiền giúp mở rộng quy mô nền kinh tế, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất sẽ cần nhiều nhân công hơn, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người dân, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, việc tăng cung tiền đi kèm với chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước phải vận dụng kết hợp hiệu quả các công cụ tiền tệ để kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp không vượt quá mức cho phép, đồng thời đưa nền kinh tế ổn định và tăng trưởng, khống chế tỷ lệ lạm phát ở mức cho phép.
5.3 Ổn định giá cả thị trường
Việc ổn định giá trong kinh tế vĩ mô sẽ loại bỏ được biến động giá giúp Nhà nước hoạch định hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế. Giá cả ổn định sẽ tạo ra môi trường đầu tư ổn định, an toàn, việc này hấp dẫn các nhà đầu tư giúp thu hút thêm nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng và phát triển.
5.4 Kiểm soát lạm phát
Lạm phát hiểu đơn giản là mức giá hàng hóa chung tăng cao và đồng tiền giảm giá trị. Việc này gây khó khăn cho việc trao đổi hàng hóa trong nước và trao đổi hàng hóa với quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ để bình ổn giá cả hàng hóa và giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát.
Nội dung bài viết:
Bình luận