1. Chính sách tiền tệ là gì?
Chính sách tiền tệ (Monetary Policy) là chính sách kinh tế vĩ mô, sử dụng các công cụ tín dụng và hối đoái tác động đến việc cung ứng tiền cho nền kinh tế nhắm tới các mục tiêu như ổn định tiền tệ, ổn định giá cả, giảm lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế…
2. Các loại chính sách tiền tệ
Có 2 loại chính sách tiền tệ gồm chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thu hẹp.
2.1 Chính sách tiền tệ mở rộng là gì?
Chính sách tiền tệ mở rộng hay chính sách nới lỏng tiền tệ là gì? Là việc Ngân hàng Nhà nước tăng mức cung tiền cho nền kinh tế nhiều hơn bình thường. Để làm điều này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện 1 hoặc kết hợp 2 trong 3 cách gồm hạ lãi suất chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng mua vào trên thị trường chứng khoán.
Lúc này lãi suất giảm, các doanh nghiệp vay tiền nhiều hơn để phát triển kinh doanh, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn làm cho tổng cầu tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Từ đó, quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập của người lao động tăng, thất nghiệp giảm. Chính vì thế, chính sách này thường được sử dụng khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
2.2 Chính sách tiền tệ thu hẹp là gì?
Chính sách tiền tệ thu hẹp hay chính sách tiền tệ thắt chặt là việc Ngân hàng Nhà nước giảm mức cung tiền cho nền kinh tế. Việc này được thực hiện thông qua các hành động như tăng lãi suất chiết khấu, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bán chứng khoán ra thị trường.
Khi đó, lãi suất tăng cao, cá nhân và tổ chức dè dặt hơn trong việc chi tiêu và đầu tư, làm cho tổng cầu giảm khiến mức giá chung cũng giảm xuống. Chính sách này được sử dụng trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, lạm phát tăng cao.
3. Chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu gì?
Dù thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt, mục đích của chúng đều hướng tới giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế bền vững.
3.1 Tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là tăng trưởng kinh tế. Dựa vào sự điều chỉnh khối lượng cung tiền cho nền kinh tế, chính sách này tác động đến lãi suất và tổng cầu. Từ đó giúp gia tăng đầu tư, tăng sản lượng chung, tăng GDP, đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng kinh tế.
3.2 Giảm tỷ lệ thất nghiệp
Chính sách tiền tệ tác động tăng cung tiền giúp mở rộng quy mô nền kinh tế, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất sẽ cần nhiều nhân công hơn, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người dân, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, việc tăng cung tiền đi kèm với chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước phải vận dụng kết hợp hiệu quả các công cụ tiền tệ để kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp không vượt quá mức cho phép, đồng thời đưa nền kinh tế ổn định và tăng trưởng, khống chế tỷ lệ lạm phát ở mức cho phép.
3.3 Ổn định giá cả thị trường
Việc ổn định giá trong kinh tế vĩ mô sẽ loại bỏ được biến động giá giúp Nhà nước hoạch định hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế. Giá cả ổn định sẽ tạo ra môi trường đầu tư ổn định, an toàn, việc này hấp dẫn các nhà đầu tư giúp thu hút thêm nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng và phát triển.
3.4 Kiểm soát lạm phát
Lạm phát hiểu đơn giản là mức giá hàng hóa chung tăng cao và đồng tiền giảm giá trị. Việc này gây khó khăn cho việc trao đổi hàng hóa trong nước và trao đổi hàng hóa với quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ để bình ổn giá cả hàng hóa và giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát.
4. Công cụ của chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ sử dụng một số công cụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ giá hối đoái, lãi suất chiết khấu, hạn mức tín dụng, nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn để điều chỉnh mức cung tiền cho nền kinh tế.
4.1 Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ lượng tiền phải giữ lại so với lượng tiền gửi huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, số tiền này phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, để điều chỉnh mức cung tiền cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động vào tỷ lệ này. Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cung tiền giảm, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì cung tiền tăng.
4.2 Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là tương quan sức mua giữa nội tệ và ngoại tệ, nó tác động tới xuất nhập khẩu, trao đổi ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ. Về bản chất, đây không phải công cụ của chính sách tiền tệ vì nó không tác động làm thay đổi lượng cung tiền. Tuy nhiên, nó là công cụ hỗ trợ quan trọng cho chính sách tiền tệ.
Điều chỉnh tỷ giá hối đoái được Ngân hàng Nhà nước thực hiện khi muốn điều chỉnh lượng cung tiền bằng ngoại tệ của nền kinh tế:
- Để tăng cung tiền bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái bằng cách mua vào giấy tờ có giá của các Ngân hàng Thương mại trên thị trường mở bằng ngoại tệ.
- Để giảm cung tiền bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái bằng cách bán giấy tờ có giá cho các Ngân hàng Thương mại và thu về ngoại tệ.
4.3 Lãi suất chiết khấu
Là lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho các Ngân hàng thương mại vay đối với các khoản vay đáp ứng nhu cầu tiền mặt bất thường. Điều chỉnh lãi suất chiết khấu, lượng tiền cơ sở thay đổi, cung tiền cũng thay đổi theo.
Các Ngân hàng thương mại phải dự trữ lượng tiền mặt nhất định để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt bất thường của khách hàng. Nếu khoản dự trữ này không đủ, Ngân hàng thương mại sẽ vay Ngân hàng Nhà nước với lãi suất chiết khấu.
Nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất chiết khấu tăng, Ngân hàng thương mại sẽ phải dè chừng khoản vay này, chủ động dự trữ nhiều hơn, từ đó cung tiền trong nền kinh tế giảm. Ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất chiết khấu, các Ngân hàng thương mại vay nhiều hơn, cung tiền tăng lên.
4.4 Hạn mức tín dụng
Đây là mức dư nợ tối đa Ngân hàng Nhà nước quy định mà các Ngân hàng thương mại phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tín dụng tăng, cung tiền tăng; điều chỉnh hạn mức tín dụng giảm, cung tiền giảm.
4.5 Nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Nhà nước mua hoặc bán các loại chứng khoán trên thị trường mở. Việc này tác động đến lượng dự trữ của các Ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến việc cung ứng tín dụng của họ ra thị trường, từ đó điều chỉnh lượng cung tiền.
Nếu Ngân hàng Nhà nước mua chứng khoán trên thị trường mở, các Ngân hàng thương mại có thêm khoản tiền dự trữ, lượng cung tiền cho nền kinh tế tăng. Ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước bán chứng khoán, lượng cung tiền sẽ giảm. Đây chính là mục tiêu của chính sách tiền tệ.
4.6 Tái cấp vốn
Là việc Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng cho các Ngân hàng thương mại thông qua việc mua bán giấy tờ có giá, từ đó cung cấp nguồn vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho Ngân hàng thương mại. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế.
5. Chính sách tiền tệ ở Hàn Quốc được thực hiện như thế nào?
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Ju-yeol ngày 15/10 cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp và xác định thời điểm tăng lãi suất theo cách có thể.
Theo Phóng viên TTXVN tại Seoul, BoK Lee Ju-yeol cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp và xác định thời điểm tăng lãi suất theo cách có thể giảm bớt sự mất cân bằng tài chính mà một phần có nguyên nhân từ vấn đề nợ hộ gia đình tăng cao.
Phát biểu của Thống đốc Lee Ju-yeol được đưa ra chỉ vài ngày sau khi BoK quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,75% trong tháng 10/2021 song vẫn có hàm ý sẽ tiến hành tăng lãi suất bổ sung (khoảng 0,25%) vào trước cuối năm nay để kiềm chế lạm phát và nợ hộ gia đình.
Phát biểu trước phiên họp kiểm toán của Quốc hội cùng ngày, Thống đốc Lee Ju-yeol nhấn mạnh rằng: "Sự mất cân bằng tài chính ngày càng lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự tập trung vốn vào thị trường tài sản và sự gia tăng tích lũy của nợ hộ gia đình, đang được xem là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững của nền kinh tế quốc gia".
Ông nói thêm: "Từ nhận định đó, BoK đã dần dần bình thường hóa lập trường chính sách tiền tệ và đã được nới lỏng đáng kể sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong thời gian tới, BoK sẽ điều chỉnh phạm vi của chính sách tiền tệ cho phù hợp với sự cải thiện của các điều kiện kinh tế và tài chính".
Thống đốc Lee Ju-yeol nhận định rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi vững chắc nhờ sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất.
Xu hướng tăng này có thể sẽ tiếp tục được duy trì do chiến dịch tiêm chủng mở rộng đã và đang giúp giảm bớt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vốn là yếu tố cản trở các hoạt động kinh doanh bình thường của người dân.
Bên cạnh đó, Thống đốc Lee Ju-yeol cũng nhấn mạnh thêm vấn đề nợ hộ gia đình tăng cao cũng được coi là một rủi ro dẫn đến nguy cơ suy thoái của nền nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Theo đó, các cơ quan tài chính Hàn Quốc đã thắt chặt các quy định cho vay để kiềm chế nợ hộ gia đình và lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, hiện lạm phát vẫn ở trong biên độ cao hơn 2% do áp lực từ cả cung và cầu và dự kiến sẽ duy trì trong phạm vi mục tiêu 2% của BoK trong thời điểm hiện tại.
Vào tháng 8/2021, BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,75%, từ mức 0,5%, mức thấp kỷ lục được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái do đại dịch Covid-19. Đây cũng là lần tăng lãi suất cơ bản đầu tiên của BoK kể từ tháng 11/2018.
Ngày 12/10 vừa qua BoK đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,75% mặc dù vẫn để ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất khác trong tháng 11 tới.
Ông cũng cho biết BoK sẽ hoàn thành nghiên cứu về tính khả thi của đồng tiền kỹ thuật số do chính BoK phát hành vào năm 2022 đồng thời nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số tổng thể trong bối cảnh đang có sự chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Nội dung bài viết:
Bình luận