Chính sách đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay [Cập nhật 2024]

Đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở: đường xá, điện nước, cơ sở giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực phát triển, nâng tầm cao với kiến trúc hiện đại. Trong nội dung bài viết dưới đây, ACC sẽ trình bày rõ hơn về chính sách đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay.

Chính Sách đô Thị Hóa Là GìChính sách đô thị hóa là gì

1. Các hình thức đô thị hóa phổ biến

Quá trình đô thị hóa gồm có những hình thức sau: 

  • Đô thị hóa nông thôn: Đây là quá trình phát triển nông thôn, phổ biến lối sống thành thị cho khu vực dân cư nông thôn (cách sống, cách sinh hoạt,…). Nó được xem là hình thức tăng trưởng đô thị theo xu hướng bền vững. 
  • Đô thị hóa ngoại vi: Đây là quá trình phát triển vùng ngoại vi thành phố. Nguyên nhân là do kết quả của việc phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp,…. góp phần đẩy nhanh hoạt động đô thị hóa nông thôn. 
  • Đô thị hóa tự phát là gì? Đây là quá trình đô thị hóa diễn ra một cách tự phát. Nguyên nhân chủ yếu là do dân cư từ nhiều vùng khác đến, nhất là khu vực nông thôn.

2. Các vấn đề tồn tại của đô thị hóa 

Hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn đạt thấp. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng phát triển đô thị hiện nay chưa đáp ứng với sự đổi thay về tư duy đô thị hóa, phát triển đô thị theo hướng CNH, HĐH, phát triển đô thị gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia tầm nhìn Đại Dương với 1 triệu km2 chủ quyền biển của Việt Nam và hàng trục cửa khẩu suốt chiều dài 4500 km biên giới.

Phát triển đô thị và đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc hiện chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền, tạo sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp, nhu cầu sản xuất, dịch vụ ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị hóa lan rộng làm các khu vực này lại nằm lọt vào giữa khu dân cư đông đúc. Việc mở rộng đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia. Năng lực thu gom xử lý rác thải rắn đặc biệt là các chất thải rắn nguy hại chưa được thực hiện đúng quy định.

Đặc điểm thói quen sử dụng giao thông cá nhân gây lãng phí nghiêm trọng nguồn thiên nhiên, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn. Về kinh tế, tài chính đô thị còn hoạt động kém hiệu quả, công tác điều phối vốn đầu tư xây dựng còn bị dàn trải, việc huy động vốn từ các nguồn vốn vay, khối kinh tế tư nhân và từ cộng đồng chưa tạo động lực kích hoạt quá trình phát triển. Phát triển các khu kinh tế, đặc khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh còn giàn trải chưa có sự lựa chọn thích hợp cho thành công.

Đối với công tác quy hoạch, bất cập hiện nay là chưa xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng. quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành. Chưa có nhiều đồ án, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được thực hiện do loại hình dự án này khá phức tạp thiếu quy định luật pháp, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm.

Về quản lý đô thị còn chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng xu thế phát triển đô thị. Đầu tư phát triển đô thị, khu dô thị mới chưa có kế hoạch nhiều nơi làm sai, chậm muộn so với quy hoạch. Chính quyền chưa có giải pháp điều hòa các lợi ích nhà nước - chủ đầu tư và người dân, công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật, không gian, kiến trúc đô thị chưa được thực hiện do thiếu quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan hoặc có quy chế nhưng triển khai áp dụng còn hạn chế. Kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ, công tác quản lý môi trường đô thị chưa chặt chẽ.

Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị. Nguồn lực cho phát triển đô thị còn dải trải. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp. Tình trạng úng ngập cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, sai phép còn diễn ra ở nhiều đô thị. Xử lý nước thải chưa được chú trọng tại hầu hết các đô thị, thiếu sự đồng bộ trong xây dựng và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc các tuyến đường tại các đô thị. Hệ thống cây xanh công viên ở nhiều đô thị chưa được quan tâm, thiếu quy hoạch và kế hoạch triển khai đầu tư. Hệ thống cây xanh, mặt nước (sông, hồ) trong nhiều đô thị bị suy giảm. Đi đôi với tăng trưởng và phát triển là những thách thức của sự phát triển nóng, thiếu ổn định, bền vững của các đô thị và nông thôn. Chúng ta đang ép dân số ở khu vực nông thôn từ 70% xuống còn 50% trong những năm 2020-2030 theo lộ trình đô thị hóa. Để thực thi tốt lộ trình chuyển đổi này người nông dân cần được đào tạo để chuyển đổi nghề.

Đô thị hóa ở Việt Nam hôm nay chưa tạo được nhiểu ngành nghề mới cho lao động nông nghiệp. Những nghề người nông dân đang làm tại đô thị như: “xe ôm, cửu vạn, phụ hồ, giúp việc… không có tác dụng đến nâng cao tay nghề cho lực lượng sản xuất hay đẩy mạnh tiến trình tăng năng suất, chất lượng lao động xã hội. Một số “nghề” còn cho thấy mặt trái, mầm mống xuất hiện của “hình sự hoá” cộng đồng. Di dân gây áp lực về hạ tầng cho nhiều đô thị, trong khi nông thôn không có người làm ruộng, xuất hiện tình trạng nhà không có người ở, ruộng vườn bỏ không, nông thôn chỉ có người già và trẻ nhỏ. Nếu định hướng phát triển công nghiệp, quy trình dạy nghề còn chưa rõ ràng, thì ước mơ thoát làm nông dân sẽ khó thực hiện được.Tuy đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được nghiên cứu hoàn thiện và đưa vào áp dụng thực tế tuy nhiên tại hiện trường nhiều chỉ tiêu sử dụng lỗi thời.

Hiện nay đô thị Việt Nam còn đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu. BĐKH gây bão, lũ lụt và nước biển dâng tác động đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và các vùng đồng bằng lớn, trên 40 tỉnh có nguy cơ ngập cao (ĐBSCL, ĐBSH, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ) với khoảng 128 đô thị có nguy cơ ngập cao, 20 đô thị có nguy cơ ngập nặng; BĐKH gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, 31 tỉnh (thuộc các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ) với khoảng 139 đô thị chịu ảnh hưởng 15 đô thị có khả năng chịu tác động mạnh.

3. Giải pháp đổi mới trong phát triển đô thị tại Việt Nam

Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy đô thị theo Quy hoạch và kế hoạch: Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam (Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009), Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 (Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/06/2009), Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 (Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012). Các định hướng chương trình đã cân nhắc kỹ và các chiến lược phát triển liên quan quốc gia như vùng ảnh hưởng của lưu vực sông Mê kông,các trục hành lang giao thông xuyên Á, khai thác vùng thềm lục địa và đại dương, các vùng biên giới với các nước láng giềng… và các vùng lãnh thổ về phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Đây là cơ sở để hình thành các vùng đô thị hóa gắn với các vùng phát triển kinh tế xã hội lớn của đất nước.

Tuy nhiên, để thúc đẩy thực hiện các định hướng, chương trình, đề án trên các cấp các ngành và địa phương trước hết cần Đổi mới mạnh mẽ về tư duy, tăng cường năng lực lãnh đạo của chính quyền, chính sách quốc gia về phát triển đô thị. Đưa ra các chính sách và giải pháp phân bổ và quản lý đất đai, định giá trị bất động sản, tính tóan nguồn đất đai dự trữ phát triển, hoạch định các chương trình đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất các KCN và thu hút lao động. Xây dựng chương trình kế hoạch đầu tư và phát triển, hiện đại hóa các hệ thống đô thị, hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ tại đô thị và nông thôn. Để phát triển đô thị bền vững ứng phó được với các thách thức rủi ro từ biến đổi khí hậu Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020 (Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013), các Bộ ngành, địa phương cần tăng phối hợp Bộ Xây dựng từng bước triển khai thực hiện.

Để tạo sức mạnh, tốc độ phát triển cho đô thị cần quan tâm đổi mới quy trình, công nghệ kỹ thuật, tiếp cận dần từng bước cân nhắc trình độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhanh, nghiên cứu triển khai (R&D) và mức độ hợp tác giữa theo ngành và thiết định mạng lưới.

Về pháp luật, phải tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung để hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư vào đô thị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đổi mới chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo chiều sâu. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương. Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần sử dụng vốn ngân sách thì thành phố sẽ khó đạt được mục tiêu, do đó, đô thị sẽ tăng cường mời gọi đầu tư, tăng hợp tác phát triển trong và ngoài nước theo mô hình PPP, BTO…nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng và mục tiêu phát triển của các nhà đầu tư. Trong quá trình phát triển, việc xây dựng chính quyền đô thị là điều cần thiết để đảm bảo công tác quản lý đô thị hiệu quả. Đô thị cần có sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ về pháp lý và nguồn nhân lực, bộ máy đủ sức đảm đương nhiệm vụ, tận dụng các nguồn lực để phát triển đô thị có trọng điểm, hài hòa về lợi ích.

Để kiểm soát quá trình đô thị hóa công tác quy hoạch xây dựng đô thị phải có giá trị thực tiễn cao, quy chế và thể chế luật lệ phải thích hợp với tình hình phát triển kinh tế -xã hội ứng với từng địa phương. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phát triển là nội dung cần được ưu tiên và nâng tầm nhìn dài hạn. Các định hướng phát triển không gian lãnh thổ, mà còn là diễn đàn để các thành phần trong toàn xã hội tham gia đóng góp trí tuệ, vật chất, và tự giác thực hiện các nội dung phát triển ở phạm vi, địa bàn của từng đô thị.

Quy hoạch cần được đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện với nhiều ngành liên quan và địa phương chủ quản, để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đô thị, bảo vệ phòng chống suy thoái ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển đô thị bền vững. Để bám sát thực tiễn, quy hoạch cần được xem xét điều chỉnh kế thừa các nhân tố tích cực và khắc phục các yếu tố tiêu cực. Vấn đề này cần lồng ghép tăng cường trong giai đoạn hàng năm và 5 năm. Dài hạn quy định các nội dung hạn chế.

Để tăng cường chất lượng đô thị việc thiết lập lại trật tự trong quản lý đất đai, quản lý đô thị. Thực trạng nhiều dự án trong quá trình thực thi đang bị điều chỉnh, chia nhỏ làm vụn vỡ quy hoạch. Vì vậy, đòi hỏi các địa phương phải có các biện pháp mạnh để tạo chuyển biến trong vấn đề quản lý đất đai, xoá dần hình ảnh quy hoạch “treo”, dự án bỏ hoang… đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, nhằm thiết lập trật tự trong quản lý đất đai.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, các địa phương cần sớm triển khai lập và phê duyệt khu vực phát triển đô thị để làm cơ sở triển khai các bước đầu tư tiếp theo; tiến hành rà soát các dự án, phân loại, điều chỉnh việc thực hiện các dự án theo kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị; nghiên cứu thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư phát triển đô thị, từ khâu quy hoạch, chấp thuận đầu tư cho đến kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đầu tư và quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Đối với các vùng đô thị lớn, phải thúc đẩy hơn nữa mục tiêu tập trung phát triển các đô thị hạt nhân cốt lõi cấp vùng; Phát triển đô thị gắn với các trung tâm công nghiệp cấp quốc gia nơi có thể huy động một số lượng lớn công nhân người lao động. Các thành phố vệ tinh nằm cách trung tâm 40 km cần được quan tâm kết nối bằng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt nhanh và đường cao tốc để cùng phát triển, tránh hiện tượng quá tập trung vào đô thị lớn. Đô thị được xây dựng dựa trên hệ thống pháp luật chặt chẽ và năng động, quy hoạch, chương trình và kế hoạch triển khai được thực hiện bài bản. Đầu tư cải tạo đô thị và xây dựng mới song hành.

Đối với từng đô thị, để tránh được những “khiếm khuyết trong phát triển đô thị” chính quyền đô thị cần được quan tâm nhiều hơn đến cơ cấu, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, vị thế đô thị trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực… Phát triển đô thị bền vững, có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá thành công.

Mở rộng đô thị và tăng tỷ lệ đô thị hóa trên cơ sở phát triển dân số lành mạnh, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, ổn định định cư đô thị - nông thôn, đẩy mạnh các chương trình nhà ở, đặc biệt nhà ở cho người thu nhập thấp; thực hiện các dự án nâng cấp đô thị, cải tạo và làm mới đồng bộ các khu ở hiện có tại các khu vực nội và ngoại thành. Phân bổ, kết nối và hoàn thiện các trung tâm công cộng, các khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí và hệ thống cây xanh, mặt nước trong đô thị để tạo các không gian mở, tạo cảnh quan chung và điều hoà môi trường không khí đáp ứng nhu cầu về môi trường ở, làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí cho các cá nhân và toàn xã hội.

Về phát triển nhà ở, mô hình xây dựng, đầu tư và quản lý nhà ở xã hội đã và đang được Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, cần có biện pháp tăng cường đầu tư vốn vào các tổ chức phát triển nhà để biến các cơ quan này thành một tổ chức phát triển nhà để biến các cơ quan này thành một tổ chức cung cấp nhà ở xã hội chính cho Việt Nam. Tăng cường huy động các nguồn quỹ tư nhân để phát triển thêm chương trình nhà ở. Chính phủ cần có thêm những cam kết về bình ổn thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp bằng cách tăng cường nguồn cung nhà, siết chặt hoạt động đầu cơ BĐS…

Thúc đẩy việc lập và thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, đề xuất các giải pháp, kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch xây dựng kết hợp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Pháp luật về môi trường ở Việt Nam đang được xây dựng hoàn thiện, tuy nhiên vẫn cần bổ sung các văn bản pháp luật về các lĩnh vực: Tăng trưởng xanh; Chất lượng nước và hệ sinh thái dưới nước; cấp thoát nước - đất - nước ngầm, không khí và biến đổi khí hậu; Chất thải và tái chế; Y tế/ hoá chất; Thiên nhiên và vườn quốc gia; Hợp tác quốc tế…

Thực hiện các chính sách như: Phân loại rác thải tại nguồn, giúp tái chế rác thải, tiết kiệm tài nguyên, tạo năng lượng mới, sản phẩm có ích như phân bón, khí metal phục vụ sản xuất điện. Khuyến khích áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí CO2: như tiết kiệm năng lượng điện, than đá, dầu mỏ hay dùng các công nghệ ít tạo ra khí thải. Hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia thực hiện các chính sách, công cụ kinh tế trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Đối với phát triển giao thông đô thị, tăng cường đầu tư phát triển giao thông công cộng, áp dụng kỹ thuật quản lý giao thông thông minh có chức năng điện tử, viễn thông, truyền phát, điều khiển đường bộ và phương tiện giao thông; đây là cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, xử lý các thông tin về giao thông được cập nhật trực tiếp để tối ưu hóa trang thiết bị phục vụ cho giao thông và giải toả tắc nghẽn giao thông.

Đô thị được xác định động lực phát triển kinh tế của tỉnh, vùng quốc gia, các đô thị cần nỗ lực để khẳng định vai trò chức năng được giao. Để làm được điều này, các cấp chính quyền địa phương và trung ương phải thay đổi từ nhận thức, tránh trùng lặp, dàn trải, không áp đặt độc đoán nhưng nghiêm túc tuân thủ theo quy hoạch xây dựng đô thị và có kế hoạch cụ thể. Hơn bao giờ hết phát triển đô thị Việt Nam phải phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Khi Việt Nam đã có tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 50% trở lên đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập trung bình và có điều kiện bứt phá trong phát triển nền kinh tế và chuyển sang giai đoạn mới, có thu nhập cao tương đồng với quốc tế và khu vực.

Trên đây là một số thông tin chi tiết về chính sách đô thị hóa là gì. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề trên. Nếu bạn cần hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc sử dụng các dịch vụ pháp lý khác từ Công ty Luật ACC, hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng. ACC cam kết sẽ giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.

Gmail: [email protected]

Website: accgroup.vn

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo