Mấy ngày gần đây, một số người nhân danh các tổ chức phản động thông qua các trang web có địa chỉ ở nước ngoài lại rộ lên bàn vấn đề dân chủ với những giọng điệu cũ mèm. Họ cho rằng, việc những người như: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long…  tụ họp, móc nối, sử dụng các trang web để bày tỏ chính kiến, tuyên truyền về tình hình Việt Nam… là thực hiện quyền tự do dân chủ, tự do báo chí... Và vì thế họ gọi những hành vi ấy là “đấu tranh cho dân chủ” và những người ấy là “nhà dân chủ”. Họ coi việc Nhà nước Việt Nam bắt giữ, xử lý… những “nhà dân chủ” này là vi phạm dân chủ.

Mặc dù những rêu rao trên đã quá lỗi thời nhưng khi nghe những giọng điệu ấy, dư luận cả trong và ngoài nước vẫn thấy bất bình. Cần phải nói ngay rằng, do bị chi phối bởi những động cơ và mục đích xấu xa nên những thế lực thù địch cố tình tuyên truyền sai về một nền dân chủ chân chính, tiến bộ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang xây dựng. Một nền dân chủ mà ở đó quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân được gắn bó chặt, không thể tách rời nhau và được thể hiện rõ nét trong các quan hệ giữa thành viên với cộng đồng, cá nhân với xã hội, công dân với Nhà nước. Với tư cách là người làm chủ xã hội, công dân không chỉ có quyền mà phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chủ trương, chính sách, pháp luật là ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của toàn dân. Mọi hành vi đi ngược lại chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước là vi phạm pháp luật, là phản dân chủ. Ranh giới giữa dân chủ với phi dân chủ là rất mong manh. Nếu không có luật pháp để quản lý, điều tiết thì dân chủ rất dễ bị biến dạng, bị lợi dụng. Sẽ là rất nguy hiểm nếu dân chủ tách rời pháp luật. Ở Việt Nam không thể có thứ dân chủ vô tổ chức, dân chủ đứng ngoài pháp luật. Mọi công dân, mọi tổ chức phải có bổn phận nói và làm theo đúng chuẩn mực, hợp hiến và hợp pháp. Vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam chính là sự bảo đảm cho một nền dân chủ chân chính, tiến bộ và hiện đại.

Những hành vi trực tiếp liên lạc, cấu kết với một số tổ chức phản động và nhóm người Việt lưu vong ở nước ngoài nhằm mưu toan chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân của các đối tượng: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long… đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Đó hoàn toàn là hành vi phản dân chủ, phá hoại dân chủ chứ đâu phải là “đấu tranh cho dân chủ” như các thế lực thù địch rêu rao.