Ngày 01/01/2020, Luật Đầu tư công 2019 chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công cũng như tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vậy Bộ câu hỏi và đáp án về Luật Đầu tư công 2019 chi tiết nhất như thế nào? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1. Bộ câu hỏi trắc nghiệm và đáp án Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 bao gồm 3 câu hỏi.
Câu 1: Theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công bao gồm:
a. Chính phủ
b. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
c. Ủy ban nhân dân các cấp
d. Tất cả các phương án trên
Câu 2: Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 định nghĩa dự án đầu tư công là:
a. Dự án sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước
b. Dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công
c. Dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên
d. Dự án do một cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư
Câu 3: Theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, kế hoạch đầu tư công là:
a. Danh mục chương trình, dự án đầu tư công;
b. Phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.
c. Tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công;
d. Tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.
2. Hỏi đáp pháp luật liên quan đến Luật Đầu tư công 2019 ban hành ngày: 01/01/2020
Câu 1: Cho tôi hỏi, dự án đầu tư công, có tổng mức đầu tư là 60 tỷ thuộc lĩnh vực thủy lợi thì có phải thực hiện đánh giá ban đầu không?
Theo Khoản 3 Điều 8 và Khoản 2 Điều 10 Luật đầu tư công 2019 quy định dự án có tổng mức đầu tư từ dưới 80 tỷ đồng thuộc lĩnh vực thủy lợi thuộc tiêu chí phân loại dự án nhóm C.
Bên cạnh đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 55 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định việc đánh giá dự án đầu tư công như sau:
Dự án nhóm B, nhóm C phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động.
Như vậy, dự án đầu tư công có mức đầu tư 60 tỷ thuộc lĩnh vực thủy lợi không cần phải đánh giá ban đầu.
Câu 2: Cho em hỏi đơn vị thi công dự án đầu tư độc lập với vốn 15 tỷ đồng dùng cho vốn đầu tư công, thì việc sử dụng số vốn này có được đánh giá là dự án quan trọng quốc gia không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:
1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên;
2. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
a) Nhà máy điện hạt nhân;
b) Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
Việc sử dụng vốn trong trường hợp của bạn là 15 tỷ như vậy chưa đáp ứng tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.
Câu 3: Cho tôi hỏi đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuộc lĩnh vực đầu tư công có được xem là dự án quan trọng quốc gia không?
Căn cứ Khoản 2a Điều 7 Luật Đầu tư công 2019 quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:
- Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
+ Nhà máy điện hạt nhân;
+ Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
Như vậy, việc đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân theo quy định được xem là dự án quan trong quốc gia.
Câu 4: Tôi bên nhà đầu tư và đầu tư bên lĩnh vực điện hạt nhân số vốn đầu tư lên đến 100 tỷ thuộc dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, thì cơ quan nào sẽ quyết định chủ trương đầu tư dự án?
Căn cứ Khoản 1b Điều 17 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
- Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia;
+ Dự án quan trọng quốc gia.
Như vậy, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Câu 5: Tôi hiện làm việc tại Ủy ban Nhân dân huyện Tánh Linh - Bình Thuận. Theo tôi được biết thì đã có Luật Đầu tư công 2019, vậy cho hỏi theo luật này thì nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong hoạt động đầu tư công được quy định như thế nào?
Điều 85 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực 01/01/2020) quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong hoạt động đầu tư công như sau:
1. Tổ chức lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thuộc cấp mình quản lý.
2. Tổ chức thẩm định chương trình, dự án thuộc cấp mình quản lý.
3. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp các nội dung sau đây:
a) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên;
b) Tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này và của Hội đồng nhân dân cấp trên;
c) Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư chương trình, dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Luật này.
5. Tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về đầu tư công theo phân cấp quản lý.
6. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án trên địa bàn.
Câu 6: Tôi hiện làm việc tại Trà Vinh, cán bộ địa chính. Theo tôi được biết thì đã có Luật Đầu tư công 2019, vậy cho hỏi theo luật này thì Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất chủ trương đầu tư công được quy định như thế nào?
Điều 88 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực 01/01/2020) quy định Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất chủ trương đầu tư công như sau:
1. Đề xuất chương trình, dự án phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch trong từng thời kỳ.
2. Bảo đảm huy động và cân đối được nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, thời gian quy định.
3. Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư khi chương trình không trùng lặp với chương trình khác và với nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
4. Chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu liên quan đến chương trình, dự án đề xuất.
Câu 7: Theo Luật Đầu tư công 2019 thì quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công được quy định như thế nào? Căn cứ pháp lý?
Điều 91 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực 01/01/2020) quy định Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư chương trình, dự án như sau:
1. Quyết định đầu tư chương trình, dự án đúng chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phù hợp với khả năng cân đối vốn thuộc nguồn vốn cấp mình quản lý, theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong đầu tư và kết quả thẩm định.
2. Tổ chức thẩm định chương trình, dự án trước khi phê duyệt, bao gồm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
3. Cân đối vốn để thanh toán các chi phí lập, thẩm định chương trình, dự án thuộc cấp mình quản lý.
4. Chỉ đạo chủ chương trình, chủ đầu tư thực hiện chương trình, dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng trong phạm vi kế hoạch đầu tư được duyệt.
5. Quyết định việc điều chỉnh, tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án.
6. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án và hoạt động của chủ chương trình, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.
7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm quy định về thẩm quyền trong quá trình lựa chọn chủ chương trình, chủ đầu tư.
Câu 8: Hiện tôi là kỹ sư, quản lý dự án đầu tư vốn nhà nước tại Nha Trang. Được biết đã có Luật Đầu tư công 2019, vậy cho hỏi theo luật này thì trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định như thế nào?
Điều 75 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực 01/01/2020) quy định Trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng như sau:
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau đây:
a) Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm trên địa bàn theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật này;
b) Thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án;
c) Thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch giám sát và thành phần Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chậm nhất 45 ngày trước ngày thực hiện.
2. Chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật này cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng;
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật;
c) Tiếp thu ý kiến giám sát và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.
Câu 9: Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong hoạt động đầu tư công được quy định như thế nào theo luật mới ban hành gần đây? Nhờ chỉ rõ điều khoản cụ thể?
Điều 78 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực 01/01/2020) quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội như sau:
1. Ban hành luật, nghị quyết về đầu tư công.
2. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công.
3. Quyết định và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
4. Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia.
5. Giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư công.
Câu 10: Nhờ quý anh chị tư vấn giúp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm gì trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công? Căn cứ vào quy định mới nhất!
Khoản 4 Điều 67 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực 01/01/2020) quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;
b) Chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên đây là Bộ câu hỏi và đáp án về Luật Đầu tư công 2019 chi tiết nhất mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!
Nội dung bài viết:
Bình luận