Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đặc biệt là ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine, chưa kể tác động của biến đổi khí hậu, việc thắt chặt xuất khẩu gạo của Ấn Độ… cho thấy nguồn cung lương thực đang ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng. Hiện nay, Việt Nam không chỉ tự cân đối đủ lương thực mà còn dư thừa để xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vẫn luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng. Vậy Biện pháp đảm bảo an ninh lương thực như thế nào? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. An ninh lương thực – vấn đề cần đặt ra
Trong hai thập niên vừa qua, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp diễn ra mạnh mẽ đã khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Theo thống kê, diện tích đất canh tác lúa của cả nước đến cuối năm 2007 chỉ còn 4,1 triệu héc ta, giảm 362.000 héc ta so với năm 2005. Dự báo, từ nay đến năm 2025, nước ta có thể phải lấy 10-15% diện tích đất nông nghiệp và các loại đất khác để phát triển công nghiệp.
Theo đó, diện tích lúa đến năm 2010 còn khoảng 4 triệu héc ta, năm 2015 khoảng 3,8 triệu héc ta, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 3,6 triệu héc ta và giữ ổn định sau năm 2020 là 3,5 triệu héc ta, trong đó diện tích chuyên trồng lúa nước là 3,1 triệu héc ta.
Bài học từ Philippines cho thấy, để đổi lấy các khu công nghiệp, nước này đã mất rất nhiều cánh đồng lúa phì nhiêu và mỗi năm phải nhập 1,5 triệu tấn lương thực.
Dân số nước ta đông, trong đó hơn 70% sống ở khu vực nông thôn, đất canh tác không nhiều, nếu tính theo đầu người thì ở mức thấp nhất thế giới.
Theo dự báo, cơ cấu dinh dưỡng của người Việt Nam trong thời gian tới sẽ thay đổi theo hướng giảm dần nhu cầu về chất bột, song với tốc độ tăng trưởng dân số bình quân 1,2%/năm, cộng với nhu cầu lương thực cho chế biến, chăn nuôi sẽ tăng mạnh nên tổng nhu cầu tiêu thụ lương thực trong nước sẽ tăng thêm trong vài thập niên tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 130 triệu người vào năm 2035 phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Và để đạt được sản lượng này, Việt Nam cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu héc ta đất chuyên trồng lúa hai vụ để có 6 triệu héc ta đất gieo trồng.
Mặt khác, sự chênh lệch về năng suất lương thực giữa các vùng, miền vẫn còn khoảng cách. Thêm vào đó là vấn đề thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm nước biển xâm nhập, lấn chiếm diện tích đất canh tác. Dự tính, Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Với kịch bản nước biển dâng 1 mét, đồng bằng sông Hồng sẽ mất 5.000 ki lô mét vuông đất, ĐBSCL bị ngập 15.000-20.000 ki lô mét vuông. Tổng sản lượng lương thực nước ta theo đó có thể giảm khoảng 5 triệu tấn. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ do mất mùa, thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh… thường xuyên xảy ra, bởi vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề cấp thiết, luôn được sự quan tâm đặc biệt.
2. Giải pháp cho việc đảm bảo an ninh lương thực
Để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta cần có những giải pháp cả vĩ mô và vi mô, từ những giải pháp trong sản xuất, chế biến nông sản, cung ứng các sản phẩm vật tư nông nghiệp cho đến việc lưu thông nông sản hàng hóa…
Chính phủ cần thành lập ủy ban chính sách về gạo có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất và thi hành các chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Ủy ban này phải theo dõi, đánh giá, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp với cân đối tiêu dùng hàng năm, đảm bảo tính nhất quán và chính xác để vừa ổn định thị trường và an ninh lương thực quốc gia, vừa không để lỡ cơ hội xuất khẩu có hiệu quả. Hiện nay, việc xuất khẩu gạo và điều hòa an ninh lương thực chủ yếu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phụ trách, song thực tế VFA còn thiếu một kế hoạch và tính hiệu lực cần thiết. Bởi vậy, ủy ban này ra đời sẽ góp phần phối hợp hài hòa, thống nhất giữa các bộ, ngành và các chủ thể tham gia thị trường lương thực nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Chính phủ cần có quỹ dự phòng để hỗ trợ nông dân khi gặp thiên tai hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn giá. Bên cạnh đó, cần duy trì và tăng cường vai trò của quỹ dự trữ quốc gia trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Quỹ này phải có quy mô phù hợp với tăng trưởng nền kinh tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, trở thành công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô vấn đề an ninh lương thực của nền kinh tế.
Nhà nước cũng cần xây dựng hệ thống kho chứa để nông dân gửi thóc, chờ cơ hội phù hợp đưa ra thị trường. Với sản lượng lúa, gạo hàng hóa lên tới hàng triệu tấn như hiện nay thì Việt Nam cần tới hàng trăm triệu đô la để đầu tư cho xây dựng các silo (mỗi silo chứa 10.000 tấn). Các silo này có thể dự trữ lúa, gạo không chỉ vài tháng mà có thể kéo dài hàng năm, chờ cơ hội tốt để xuất khẩu. Điều đó không chỉ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp đầy kho không còn chỗ thu mua lúa cho nông dân mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh về giá gạo trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường vai trò của các công ty lương thực có chức năng bình ổn thị trường. Cần tạo điều kiện tốt cho các công ty này về vốn, hệ thống kho… để thực hiện tốt chức năng thu mua gạo cho xuất khẩu, dự trữ và bán gạo ra thị trường khi có biến động. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của hệ thống phân phối, bán lẻ đối với việc bình ổn thị trường. Đây phải được xem là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược đối với các doanh nghiệp có sứ mạng điều tiết và bình ổn thị trường lương thực.
Nên có chính sách đảm bảo lợi ích cho người sản xuất, tiêu thụ, dự trữ và chế biến nông sản, đảm bảo cho họ có mức lãi hợp lý và ổn định. Theo đó, Nhà nước phải quy định giá thu mua thóc không thấp hơn một mức tối thiểu nào đó. Vào vụ thu hoạch rộ, Nhà nước có thể hỗ trợ cho các công ty lương thực vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi từ 3-4 tháng để mua thóc nhằm ngăn không cho giá xuống thấp. Ngân hàng cũng có thể có chính sách cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, dùng thóc để thế chấp, khi thóc được giá nông dân bán đi để hoàn lại vốn cho ngân hàng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ cho nông nghiệp, hiện nay Nhà nước đã có chính sách ưu đãi thông qua miễn giảm thuế nhập các loại vật tư nông nghiệp (như phân bón, thuốc trừ sâu, giống). Đây là chính sách có tác động không nhỏ đến năng xuất và hiệu quả của ngành sản xuất lương thực.
Cuối cùng, đối với nhân dân ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, ngoài chính sách trợ giá, trợ cước cho các mặt hàng thiết yếu, cần thiết phải có cơ số lương thực dự trữ bắt buộc, đặt ở các địa điểm thuận lợi, đề phòng thiên tai, lũ lụt làm tắc nghẽn giao thông. Bởi trong tình huống đó dù có sự chi viện, cứu trợ của trung ương cũng không đáp ứng đủ, kịp cho nhu cầu cứu đói khẩn cấp.
Trên đây là Biện pháp đảm bảo an ninh lương thực mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!
Nội dung bài viết:
Bình luận