Bảo lãnh có điều kiện là gì?

Bảo lãnh là một cam kết bằng văn bản về việc trả tiền hoặc thực hiện một công việc nào đó khi phát sinh những sự kiện nhất định hoặc khi kết thúc một khoảng thời gian xác định. Trong giao dịch kinh doanh, một bên của hợp đồng thường sẽ lấy bảo lãnh từ một ngân hàng thương mại và cung cấp bảo lãnh đó cho bên còn lại nhằm đảm bảo trong trường hợp xảy ra bất kỳ vi phạm hợp đồng nào, chẳng hạn như không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng sẽ thay bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Bài viết sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về Bảo lãnh có điều kiện.

11122903 Dieu Kien Thuc Hien Bao Lanh Phat Hanh Chung Khoan Ra Cong Chung 1

Bảo lãnh có điều kiện là gì?

1. Bảo lãnh là gì?

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì bảo lãnh được xem là một hình thức đảm bảo khá phổ biến và mang tính rủi ro thấp. Đồng thời mục đích của quy định này nhằm tạo điều kiện để thực hiện được các công việc liên quan nhanh chóng. Căn cứ theo Điều 335 của Bộ luật dân sự 2015 quy định khái niệm bảo lãnh như sau:

“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”

Lưu ý: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Như vậy, có thể hiểu bảo lãnh là hành vi cam kết của người thứ ba thay cho bên thực hiện nghĩa vụ đối với một cá nhân hay tổ chức khác. Theo đó, nếu bên có nghĩa vụ đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà không tiến hành hoặc thực hiện không đúng thì bên bảo lãnh sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đó theo đúng với cam kết.

Bên cạnh đó, pháp luật nước ta cũng cho phép việc nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ. Trường hợp này các cá nhân phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập.

Bên có quyền có thể yêu cầu bất kỳ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

2. Bảo lãnh có điều kiện là gì?

Bảo lãnh có điều kiện là loại bảo lãnh mà việc thanh toán chỉ có thể được tiến hành khi người thụ hưởng xuất trình kèm theo thư bảo lãnh một số chứng từ hay giấy chứng nhận được quy định trước. Các yêu cầu văn bản ở mỗi bảo lãnh cũng khác nhau có thể là thư tín dụng dự phòng, xác nhận của một chuyên gia, tổ chức trọng tài về việc vi phạm của người được bảo lãnh.

Bảo lãnh này có ưu điểm đối với người xin bảo lãnh là tránh được việc giả dối, lạm dụng chứng từ hàng hoá hoặc việc khiếu nại không trung thực của người thụ hưởng.

Nhưng lại có nhược điểm đối với người thụ hưởng đó là sự chậm trễ trong việc trả tiền bồi thường cho người thụ hưởng khi có yêu cầu của người này, không đảm bảo lợi ích cho người thụ hưởng.

3. Phương án thỏa thuận điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh có điều kiện

Việc thỏa thuận điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trên cam kết bảo lãnh như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào vị thế trong giao dịch, thỏa thuận của các bên, mục tiêu hạn chế rủi ro của các bên.

Thông thường, với tư cách là Bên nhận bảo lãnh (là bên được ngân hàng bảo lãnh và có quyền yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ) thì Bên nhận bảo lãnh sẽ luôn mong muốn quy định điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là VÔ ĐIỀU KIỆN, KHÔNG HỦY NGANG để không gặp khó khăn trong quá trình yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Tuy nhiên, với tư cách là Bên được bảo lãnh, bên đề nghị ngân hàng phát hành thư bảo lãnh thì Bên được bảo lãnh cũng sẽ có mong muốn điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là CÓ ĐIỀU KIỆN (tức là Bên được bảo lãnh phải có sự vi phạm thực sự, Bên nhận bảo lãnh khi yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải chứng minh với ngân hàng về việc Bên được bảo lãnh đã vi phạm nghĩa vụ).

Còn ngân hàng – với tư cách là bên cấp bảo lãnh thì sao:

(i) Nếu điều kiện thực hiện nghĩa vụ là VÔ ĐIỀU KIỆN, ngân hàng không gặp khó khăn trong việc xác định đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Căn cứ các hồ sơ, tài liệu mà Bên nhận bảo lãnh phải cung cấp cho ngân hàng theo quy định trên Cam kết bảo lãnh, ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi đủ hồ sơ.

(ii) Nếu điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là CÓ ĐIỀU KIỆN nhưng quy định quá chung chung, không rõ ràng về các hồ sơ, tài liệu cung cấp và/hoặc vượt quá thẩm quyền xác định của ngân hàng thì ngân hàng cũng không đủ cơ sở để xác định tính đầy đủ, tính hợp pháp của các tài liệu, hồ sơ mà Bên nhận bảo lãnh cung cấp cho ngân hàng khi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều này có thể phát sinh tranh chấp:

+ Tranh chấp giữa ngân hàng và Bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Việc quy định quá chung chung về các hồ sơ, tài liệu chứng minh vi phạm sẽ dẫn đến ngân hàng phải tự xác định các hồ sơ, tài liệu này có hợp pháp, hợp lệ không? Có đủ căn cứ để chứng minh vi phạm của Bên được bảo lãnh hay không trong khi ngân hàng không có năng lực, thẩm quyền để xác định tài liệu, hồ sơ hợp pháp, hợp lệ. Mặt khác, để xác định được các hồ sơ, tài liệu này có đủ căn cứ xác định vi phạm của Bên được bảo lãnh với Bên nhận bảo lãnh thì ngân hàng phải xem xét rất sâu vào giao dịch mà các bên ký kết, xem xét kỹ các thỏa thuận của Bên được bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh tại hợp đồng đã ký kết nên có những lĩnh vực, giao dịch mà ngân hàng không có đủ chuyên môn, nghiệp vụ để xác định cần phải có các tài liệu, hồ sơ nào mới chứng minh được vi phạm của Bên được bảo lãnh. Theo đó, nếu ngân hàng cho rằng các hồ sơ tài liệu này chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với Bên nhận bảo lãnh thì sẽ phát sinh tranh chấp với Bên nhận bảo lãnh vì Bên nhận bảo lãnh cho rằng tại Cam kết bảo lãnh không quy định rõ hồ sơ, tài liệu chứng minh gồm tài liệu gì nên các hồ sơ, tài liệu mà Bên nhận bảo lãnh cung cấp đã theo đúng quy định tại Cam kết bảo lãnh và ngân hàng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu ngân hàng không đồng ý với lập luận của Bên nhận bảo lãnh thì có thể phát sinh việc Bên nhận bảo lãnh khởi kiện yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh gây mất thời gian, chi phí và có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng nếu phán quyết của Tòa án có thẩm quyền cho rằng ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Cam kết bảo lãnh.

+ Tranh chấp giữa ngân hàng và chính Bên được bảo lãnh: Nếu ngân hàng đánh giá các hồ sơ Bên nhận bảo lãnh cung cấp là đủ để thưc hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Cam kết bảo lãnh thì có thể phát sinh tranh chấp với Bên được bảo lãnh vì Bên được bảo lãnh sẽ cho rằng các hồ sơ, tài liệu này không hợp pháp, hợp lệ, không đúng theo thỏa thuận của các bên và khẳng định Bên được bảo lãnh không vi phạm thỏa thuận theo hợp đồng/cam kết đã ký với Bên nhận bảo lãnh. Việc tranh chấp này dẫn đến Bên được bảo lãnh không thiện chí hợp tác với ngân hàng trong việc nhận nợ, phối hợp xử lý tài sản bảo đảm; thậm chí có thể khởi kiện ngược lại ngân hàng.

Với thực tế như trên, nếu các bên không thống nhất được phương án thỏa thuận điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là VÔ ĐIỀU KIỆN mà muốn quy định theo hướng CÓ ĐIỀU KIỆN thì theo đánh giá của BPM Group Law, các bên trong giao dịch nên lựa chọn phương án thỏa thuận điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tại Cam kết bảo lãnh theo hướng quy định cụ thể về hồ sơ tài liệu chứng minh vi phạm mà Bên nhận bảo lãnh phải cung cấp cho ngân hàng khi yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh gồm những tài liệu, hồ sơ gì: nêu rõ tên hồ sơ, tài liệu; chủ thể ký hồ sơ, tài liệu; loại hồ sơ tài liệu là bản gốc/bản chính/bản sao chứng thực/bản sao…. để minh bạch cho tất cả các bên trong giao dịch. Bên được bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh sẽ thỏa thuận các tài liệu đảm bảo phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng/cam kết đã ký, các bên kiểm soát được vi phạm của bên được bảo lãnh. Ngân hàng cũng có cơ sở minh bạch, rõ ràng để xác định các hồ sơ, tài liệu khi xem xét thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Cam kết bảo lãnh. Theo phương án này, ngân hàng chỉ cần kiểm tra hồ sơ, tài liệu theo đúng danh mục mà các bên đã thống nhất và quy định tại Cam kết bảo lãnh để làm cơ sở thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Bên nhận bảo lãnh chỉ cần thực hiện cung cấp đúng danh mục tài liệu đã quy định. Bên được bảo lãnh không có lý do để tranh chấp với ngân hàng khi ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng hồ sơ, tài liệu mà các bên đã thỏa thuận.

Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp cho thắc mắc Bảo lãnh có điều kiện là gì?. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích đến cho quý bạn đọc. Cảm ơn quý bạn đọc đã dành thời gian theo dõi bài viết của chúng tôi. 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo