Giảm án, đặc xá có lẽ là điều được nhiều phạm nhân quan tâm. Vậy Có thể được ân xá tối đa là bao nhiêu năm? Hãy cùng Luật ACC tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Ân xá là gì? Quy định về ân xá
Như đã phân tích, hiện tại không có bất kỳ văn bản pháp luật nào đề cập hay quy định hay giải thích về khái niệm ân xá. Tuy nhiên, nếu hiểu theo từ điển Tiếng Việt online thì ân xá được xác định là hoạt động, là quyết định miễn hoặc giảm hình phạt cho người phạm tội (phạm nhân) đã năn năn hối cải do cơ quan quyền lực nhà nước hoặc nguyên thủ quốc gia ban hành trên cơ sở những điều kiện nhất định nhân dịp những ngày lễ trọng đại của dân tộc. Khái niệm này cũng được đề cập tại trang web Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) thì ân xá được xác định là một trong những chính sách đặc ân của nhà nước về mặt pháp lý trong việc thực hiện chính sách nhân đạo khoan hồng, để miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho người phạm tội. “Ân xá” có thể được thể hiện dưới hai hình thức “đại xá” hoặc “đặc xá”.
2. Đại xá là gì? Quy định về đại xá
Cũng giống như “ân xá”, khái niệm “đại xá” cũng không được quy định cụ thể tại bất cứ văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, trong từ điển tiếng Việt online cũng có giải thích về khái niệm “đại xá” là một hình thức tha tội cho hàng loạt người phạm tội (không phân biệt họ đã phải chấp hành hình phạt hay chưa, hoặc đã bị truy tố, xét xử hay chưa) do người đại diện cho quyền lực nhà nước (nguyên thủ quốc gia) hoặc cơ quan quyền lực nhà nước ban hành.
Trên cơ sở khái niệm “đại xá” được đề cập trong từ điển Tiếng Việt online được xác định ở trên, kết hợp với nội dung khái niệm được giải thích tại trang web Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), có thể hiểu, “đại xá” là một trong những hình thức pháp lý của hoạt động “ân xá”, là chính sách thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước trong đó tha tội hoàn toàn (“tha bổng”) đối với một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt (rất nhiều) người phạm tội trên quy mô lớn do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành và quyết định nhân sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của một quốc gia. Ở Việt nam, hiện nay, theo Hiến pháp năm 2013, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định “đại xá” (Theo Điều 70 Hiến pháp năm 2013).
Trên cơ sở những khái niệm và quy định nêu trên, có thể khái quát nội dung về chính sách “đại xá” trên một số khía cạnh như sau:
– Về mặt bản chất: “Đại xá” là một chính sách khoan hồng của Nhà nước, trong đó thực hiện việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, tha tội hoàn toàn, miễn hình phạt cho một số loại tội phạm hoặc nhiều người phạm tội nhất định không phân biệt họ đang chấp hành hình phạt, đã bị truy tố hay xét xử hay chưa.
– Đối tượng áp dụng: Là những người phạm tội trong tất cả các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) hoặc đang thực hiện việc thi hành án.
– Điều kiện áp dụng: Được áp dụng trong những sự kiện trọng đại, dịp quan trọng trong đời sống chính trị của quốc gia. Ở Việt Nam, Quốc hội sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, đời sống chính trị và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và tình trạng phạm tội để quyết định về việc đại xá hay không đại xá đối với những hành vi phạm tội hoặc loại tội phạm nào.
– Phạm vi áp dụng: Áp dụng trên phương diện rộng, với hàng loạt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội theo điều kiện nhất định.
– Hậu quả pháp lý: Như đã phân tích, việc “đại xá” thể hiện sự khoan hồng, mang bản chất là “tha tội hoàn toàn” cho người phạm tội nên người được áp dụng biện pháp đại xá sẽ được xác định từ “người phạm tội” thành người không có tội, và sẽ không có án tích khi xem xét về lý lịch tư pháp. Người phạm tội sau khi được “đại xá” thì sẽ trở thành một công dân bình thường.
– Văn bản pháp lý quy định về vấn đề đại xá: Chỉ được nêu tên trong Hiến pháp năm 2013, và Bộ luật Hình sự năm 2015, mà không có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về khái niệm, bản chất hay các nội dung cụ thể của vấn đề này.
3. Đặc xá là gì? Quy định về đặc xá
Mặc dù là một trong những hình thức “ân xá”, nhưng khác với chính sách “đại xá”, pháp luật có quy định cụ thể về vấn đề “đặc xá” trong nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015, và cụ thể là Luật Đặc xá năm 2007, Nghị định 76/2008/NĐ-CP. Trên cơ sở những văn bản pháp luật được xác định ở trên, có thể khái quát quy định về việc “đặc xá” như sau:
- Khái niệm “đặc xá”:
Hiện nay, khái niệm đặc xá được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá năm 2007, theo đó, đặc xá được hiểu là chính sách của Nhà nước, theo đó Chủ tịch nước sẽ ra những quyết định nhằm tha tù trước thời hạn cho những người bị kết án với mức hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong những sự kiện trọng đại, dịp lễ lớn của đất nước hoặc trong những trường hợp đặc biệt theo quy định. Việc “đặc xá” thể hiện sự khoan hồng đặc biệt, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội.
- Bản chất của việc “đặc xá”:
Là việc miễn toàn bộ hoặc một phần hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt cho người đang bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân để họ có thể được tha tù, không phải chấp hành hình phạt tù nữa, ra tù sớm hơn thời gian mà họ phải chấp hành theo bản án, quyết định của Tòa án. Việc đặc xá chỉ được thực hiện khi nhân những dịp lễ quan trọng của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt với những điều kiện nhất định.
- Đối tượng được áp dụng việc “đặc xá”
Khác với trường hợp “đại xá”, đối tượng được áp dụng việc “đặc xá” theo quy định tại Điều 2 Luật đặc xá năm 2007 không phải là tất cả người phạm tội mà chỉ áp dụng đối với người phạm tội đã bị kết án tù có thời hạn hoặc là tù chung thân mà đáp ứng những điều kiện nhất định.
- Điều kiện để được đề nghị đặc xá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật đặc xá năm 2007, người bị kết án phạt tù được đề nghị đặc xá khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Trong quá trình thi hành án phạt tù đã có biểu hiện tốt, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của nơi giam giữ, được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên.
– Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định theo quyết định của Chủ tịch nước, trong đó phải đảm bảo điều kiện: nếu là người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn thì ít nhất phải chấp hành được 1/3 thời gian phạt tù phải chấp hành theo nội dung bản án; nếu là người đang chấp hành án tù chung thân thì ít nhất phải chấp hành được 14 năm. Trường hợp người phạm tội đã từng được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời gian đã được giảm sẽ không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù.
Trong đó cần lưu ý: Đối với những trường hợp người phạm tội bị kết án tù nhưng chấp hành tốt quy chế nội quy, cải tạo được xếp loại khá và đã thực hiện xong các vấn đề hình phạt bổ sung (nếu là phạm tội về tham nhũng hoặc một số tội khác theo quy định) thì thời gian đã chấp hành án phạt tù phải đáp ứng để được xem xét đề nghị “đặc xá” có thể ngắn hơn thời gian quy định nêu trên nếu thuộc một trong các trường hợp như:
+ Lập công lớn
+ Người có công với cách mạng là thương binh, bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, danh hiệu dũng sĩ và các trường hợp là thân nhân gia đình liệt sĩ, con của bà mẹ Việt nam anh hùng hoặc con của người có công với cách mạng.
+ Bị bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
+ Người chưa thành niên phạm tội, bị kết án tù; người già cả từ đủ 70 tuổi trở lên.
+ Gia đình đặc biệt khó khăn mà họ là lao động duy nhất tạo ra thu nhập nuôi sống thân nhân có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định
+ Trường hợp khác theo quyết định của Chủ tịch nước.
– Phải chấp hành xong các hình phạt bổ sung khác (như phạt tiền, tiền bồi thường, án phí, nghĩa vụ khác) nếu người đề nghị đặc xá là người bị kết án về các tội về tham nhũng hoặc một số tội khác theo quy định của Chủ tịch nước.
– Không thuộc vào một trong các trường hợp không được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật đặc xá năm 2007, cụ thể không thuộc trường hợp:
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác.
+ Đã từng được đặc xá.
+ Người bị kết án đang có ít nhất hai tiền án trở lên.
+ Đang trong quá trình giải quyết kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án mà người bị kết án này đang phải chấp hành.
– Thực hiện đầy đủ hồ sơ đề nghị đặc xá.
- Thẩm quyền quyết định việc đặc xá:
Đối với việc “đặc xá”, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, quy định trong Luật đặc xá năm 2007 thì thẩm quyền quyết định việc đặc xá thuộc về Chủ tịch nước.
- Thời điểm áp dụng việc “đặc xá”:
Việc “đặc xá”, theo quy định tại Luật đặc xá năm 2007, được thực hiện và áp dụng trong nhân những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện trọng đại của đất nước hoặc trong một số trường hợp đặc biệt mà việc đặc xá nhằm đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
- Hậu quả pháp lý của việc “đặc xá”:
Khác với chính sách “đại xá”, việc “đặc xá” không làm cho người phạm tội (người bị kết án) trở thành người không có tội, hay không có án tích trong nội dung lý lịch của người đó, mà mục đích của “đặc xá” là chính sách khoan hồng, chỉ giúp cho người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt còn lại, để họ sớm trở về với gia đình, với xã hội, làm lại cuộc đời. Họ không được xóa án tích luôn tại thời điểm đặc xá mà trong lý lịch tư pháp của họ vẫn thể hiện là có tiền án, có án tích, và chỉ được xóa án tích nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 70, 71, 72, 73 Bộ luật hình sự năm 2015 như trường hợp chấp hành án thông thường.
Trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp của Luật ACC về Có thể được ân xá tối đa là bao nhiêu năm? Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho quý bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu, nếu quý bạn đọc còn có thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website hoặc Hotline để được hỗ trợ giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận