Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2018 về Luật Thể dục thể thao

Thể dục thể thao là hoạt động hằng ngày giúp con người nâng cao thể lực, cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, hoạt động tưởng chừng như đơn giản này cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, được pháp luật mở rộng ra thành nhiều vấn đề. Sau đây, hãy cùng Công ty Luật ACC Tìm hiểu về Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2018 về Luật Thể dục thể thao qua bài viết dưới đây.

Thong Tu Huong Dan Luat The Duc The Thao
Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2018 về Luật Thể dục thể thao

1. Thuộc tính pháp lý của Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2018 về Luật Thể dục thể thao

  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Số, ký hiệu: 09/VBHN-VPQH
  • Cơ quan ban hành: VĂN BẢN HỢP NHẤT - VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
  • Ngày ban hành: 29/06/2018
  • Trích yếu: hợp nhất Luật Thể dục, thể thao.
  • Người ký: NGUYỄN HẠNH PHÚC
  • Công báo: 833 + 834
  • Tình trạng: Còn hiệu lực

2. Điểm mới của Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2018 về Luật Thể dục thể thao

2.1. Về thể dục thể thao quần chúng

- Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi cho các các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 11).

- Bổ sung các tiêu chí đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng: Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; Số gia đình thể thao; Số cộng tác viên thể dục, thể thao; Số câu lạc bộ thể thao; Số công trình thể thao; Số giải thể thao tổ chức hằng năm (Điều 12).

- Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng.

2.2. Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường

- Sửa đổi, bổ sung Điều 21: Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 22: Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc

- Sửa đổi, bổ sung Điều 25 về thi đấu thể thao trong nhà trường, quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học. Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

2.3. Về thể thao thành tích cao

- Tại Luật TDTT năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng và còn chung chung.

Vì vậy, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên thể tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32); Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 33).

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (các Điều 37, 38, 40).

- Bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành hoặc áp dụng luật thi đấu của môn thể thao (Điều 38a).

2.4. Về cơ sở thể thao

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 54 về các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao.

- Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao và giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp (Điều 55).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (Điều 56).

2.5. Về nguồn lực phát triển TDTT

- Về đất đai dành cho TDTT: Sửa đổi, bổ sung nội dung về đất đai cho thể dục thể thao cho phù hợp với Luật quy hoạch, Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan; quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch , kế hoạch sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho công trình thể dục, thể thao, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế. (khoản 1 Điều 65)

- Chính thức luật hóa đặt cược thể thao (điều 67a)

3. Tiêu chuẩn huấn luyện viên thể dục thể thao

3.1. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp

Tiêu chuẩn chung về đạo đạo đức nghề nghiệp của huấn luyện viên thể dục thể thao được quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL, cụ thể như sau:

- Tâm huyết với nghề, nhiệt tình, trách nhiệm và bảo đảm yêu cầu về thời gian, chất lượng với công việc được giao.

- Thẳng thắn, trung thực, khách quan, làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; thái độ lịch sự, khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với Nhân dân; tôn trọng đồng nghiệp; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ và năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.

3.2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh huấn luyện viên thể dục thể thao

* Huấn luyện viên thể dục thể thao cao cấp (hạng I)

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực thể dục thể thao;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

* Huấn luyện viên thể dục thể thao chính (hạng II)

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực thể dục thể thao;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

* Huấn luyện viên thể dục thể thao (hạng III)

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực thể dục thể thao;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

* Hướng dẫn viên thể dục thể thao (hạng IV)

Tốt nghiệp trung cấp thể dục thể thao trở lên.

Trường hợp có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

(Theo Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL)

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo