Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm rửa tiền, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, pháp luật nước ta đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền và có hiệu lực kể từ ngày 07/07/2019. Qua đó, tội phạm nguồn cũng được nhắc đến. Vậy tội phạm nguồn là gì và đóng vai trò như thế nào trong thực hiện tội phạm?
1. Tội phạm nguồn là gì?
Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền. Tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP có nêu cụ thể 35 tội phạm nguồn và hướng dẫn cụ thể là: “Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của BLHS Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm”.
Tham khảo Phòng chống rửa tiền và khủng bố trong ngân hàng 2022
2. Tình tiết định tội
Điều 4 Nghị quyết 03 đề cập một số tình tiết định tội, cụ thể:
– Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính ngân hàng, thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có, bao gồm: Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp; Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; Tham gia phát hành chứng khoán…
– Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác: hoạt động casino, tham gia trò chơi có thưởng, mua bán cổ vật…
– Hành vi sử dụng tiền, tài sản phạm tội vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh, dùng tiền, tài sản thực hiện trong công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi;
– Hành vi sử dụng tiền, tài sản phạm tội để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viên hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo…
– Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản phạm tội (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…)
Tham khảo Nguyên nhân của tội phạm là gì?
3. Tình tiết định khung hình phạt
Đối với tình tiết định khung hình phạt, có 5 tình tiết định khung hình phạt như sau:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết này.
– Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập.
– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
– Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia quy định tại điểm c khoản 3 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội làm ảnh hưởng đến tính ổn định hoặc gây ra nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Quy định về tội phạm nguồn trong các Công ước quốc tế
Công ước Viên năm 1988, là Công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế. Theo nội dung Công ước này, không có quy định nào xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền bao gồm cả người phạm tội nguồn. Nhưng tại mục I, điểm b khoản 1 Điều 3 Công ước Viên, quy định: “Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại điểm (a)[1] của khoản này hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình sự của hành vi đó;”. Mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai trường hợp sau:
+Trường hợp thứ nhất: Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản;
+Trường hợp thứ hai: Nhằm “giúp đỡ” người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Thuật ngữ “giúp đỡ” trong trường hợp thứ hai, rõ ràng đã loại trừ người thực hiện hành vi phạm tội nguồn ra khỏi phạm vi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong khi trường hợp thứ nhất lại không xác định mục đích che giấu tiền, tài sản là do bản thân người phạm tội chiếm đoạt được hay là giúp đỡ người khác. Căn cứ tinh thần của điều luật, người viết cho rằng, ý tưởng của người làm luật hướng tới cả chủ thể của tội phạm nguồn và những đối tượng khác tuy không thực hiện tội phạm nguồn nhưng tham gia vào quá trình rửa tiền.
Tương tự như vậy, tại điểm a khoản 1 Điều 6 Công ước Strasbourg năm 1990 của Liên minh Châu Âu cũng không xác định hay loại trừ rõ ràng vấn đề tự rửa tiền của các đối tượng phạm tội có nằm trong phạm vi tội rửa tiền hay không.
Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 2 Quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ về chống rửa tiền, có quy định rõ ràng: “Tội phạm (rửa tiền) được quy định trong điều luật này phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử bởi tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền như một tội phạm độc lập với các tội phạm khác”. Hay nói cách khác, quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ xác định hành vi rửa tiền và hành vi thực hiện tội phạm nguồn là hai loại hành vi độc lập, mặc dù, là do cùng một cá nhân thực hiện, hai loại tội phạm này vẫn được truy tố và xét xử như hai tội danh riêng biệt.
5. Câu hỏi thường gặp
Tội phạm nguồn của tội rửa tiền là gì?
Tội phạm nguồn của tội rửa tiền là tội phạm chính tạo ra thu nhập mà khi được rửa sẽ dẫn đến tội rửa tiền. Công ước Viên chỉ quy định về các tội phạm nguồn của tội buôn bán bất hợp pháp ma túy,vì vậy, những hành vi phạm tội không liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma túy như lừa đảo, bắt cóc và trộm cắp thì không cấu thành tội rửa tiền theo Công ước Viên.
Mở rộng tội phạm nguồn của tội rửa tiền?
Cộng đồng quốc tế đã hình thành quan điểm rằng các tội phạm nguồn của tội rửa tiền cần phải được mở rộng, chứ không phải chỉ bó hẹp trong hành vi buôn bán bất hợp pháp ma túy. Vì vậy, FATF và các tổ chức quốc tế khác đã mở rộng định nghĩa của Công ước Viên về tội phạm nguồn để bổ sung cả những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Ví dụ, Công ước Palécmô yêu cầu tất cả các nước thành viên phải áp dụng “giới hạn rộng nhất các tội phạm nguồn” tội rửa tiền của Công ước này.
Không có tội phạm nguồn thì có tội phạm rửa tiền không?
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền.
Trên đây là các thông tin ACC cung cấp đến quý bạn đọc về tội phạm nguồn. Trên thực tế thực hiện có thể phát sinh các vướng mắc bất cập, nếu bạn có thắc mắc gì về tội phạm nguồn hay những vấn đề khác quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi. Công ty Luật ACC luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng!
Nội dung bài viết:
Bình luận