Ngày 30 tháng 3 năm 2018 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2018/TT- BTC TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2018 thay thế Thông tư số 139/2010/TT- BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước. Sau đây là thông tin chi tiết của Thông tư 36/2018/TT-BTC.

1. Thuộc tính pháp lý của Thông tư 36/2018/TT-BTC
Số ký hiệu: 36/2018/TT-BTC
Ngày ban hành: 30/03/2018
Loại văn bản: Thông tư
Ngày có hiệu lực: 15/06/2018
Cơ quan ban hành/ Chức danh / Người ký: Bộ Tài chính
Thứ trưởng: Trần Xuân Hà
Phạm vi: Toàn quốc
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
2. Điểm mới của Thông tư số 36/2018/TT-BTC
Thông tư số 36/2018/TT-BTC quy định một số nội dung mới đáng lưu ý như sau:
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; kinh phí thực hiện Đề án/Dự án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp, các Đề án/Dự án có văn bản hướng dẫn riêng thì thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn của Đề án/ Dự án đó.
Đối tượng được gọi chung là cán bộ, công chức gồm:
- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;
- Công chức, công chức thực hiện chế độ tập sự trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp huyện); công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố ở phường, thị trấn.
Đối tượng được gọi chung là viên chức gồm
Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
Kinh phí đào tạo cho cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung chi đào tạo, bồi dưỡng
Bổ sung đối tượng cán bộ, công chức tham gia là nữ; là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo theo các chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Đối với chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc, căn cứ khả năng ngân sách được giao, căn cứ vào chứng từ, hóa đơn hợp pháp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc cho đối tượng được cử đi đào tạo cho phù hợp.
Mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên
Tùy theo đối tượng, trình độ học viên, căn cứ yêu cầu chất lượng khóa bồi dưỡng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khóa bồi dưỡng CBCC quyết định mức chi thù lao cho giảng viên, trợ giảng (nếu có), báo cáo viên trong nước (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên, báo cáo viên trong phạm vi dự toán được giao, Mức chi thù lao tối đa: 2.000.000 đồng/người/buổi (một buổi giảng tính bằng 4 tiết học).
Mức chi đào tạo, bồi dưỡng viên chức
Căn cứ nguồn lực tài chính bố trí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức tại cơ quan, đơn vị; căn cứ nội dung chi đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC quy định tại Điều 4 của Thông tư số 36/2018/TT-BTC và mức chi đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCC quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Thông tư này; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định mức chi đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức phù hợp với quy định của pháp luật về cơ chế tài chính của đơn vị mình.
3. Các khoản chi đào tạo cán bộ công chức viên chức
** Trường hợp đào tạo cán bộ công chức viên chức trong nước:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BTC, nội dung chi đào tạo cán bộ công chức viên chức trong nước bao gồm những khoản chi sau:
- Chi phí dịch vụ đào tạo, chi phí triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và các chi phí (bắt buộc) khác (nếu có) liên quan đến khóa đào tạo phải trả cho các cơ sở đào tạo ở trong nước;
- Hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc;
- Hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung;
- Hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho cán bộ, công chức, viên chức trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ);
- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo được hưởng các chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
** Trường hợp đào tạo cán bộ công chức viên chức ở nước ngoài
Theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BTC, trường hợp cán bộ công chức viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thì được nhận kinh phí chi cho những nội dung sau đây:
- Chi phí dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, phí triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và các chi phí khác liên quan đến khóa đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc (nếu có) phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài;
- Chi phí cho công tác phiên dịch, biên dịch tài liệu;
- Chi phí mua bảo hiểm y tế trong thời gian học tập ở nước ngoài;
- Chi phí cho công tác tổ chức lớp học: Khảo sát, đàm phán, xây dựng chương trình học tập với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; chi phí phải trả cho tổ chức trong nước hoặc văn phòng đại diện trong nước của các tổ chức đào tạo nước ngoài thực hiện đưa cán bộ tham dự các khóa học (nếu có);
- Chi phí ăn, tiêu vặt, ở, đi lại, lệ phí sân bay và những khoản thanh toán chung cho cả đoàn theo chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí;
- Chi làm thủ tục xuất, nhập cảnh (hộ chiếu, thị thực (visa)).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về chủ đề: Thông tư số 36/2018/TT- BTC TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, công chức, viên chức. Nếu quý khách hàng có bất kỳ câu hỏi liên quan đến chủ đề này có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để nhận được câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất. Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, chúng tôi tự tin cam kết cho Quý khách hàng dịch vụ pháp lý tốt nhất, nhanh nhất, giá cả hợp lý nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận