ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Trong bài viết dưới đây, công ty Luật ACC xin gửi đến Quý khách hàng các nội dung tư vấn chi tiết về việc thành lập các công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng như về điều kiện để mở công ty thực phẩm chức năng, thủ tục thành lập công ty thực phẩm chức năng và duy trì việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng  như các mô hình kinh doanh thực phẩm chức năng, điều kiện bán lẻ thực phẩm chức năng, điều kiện mở cửa hàng thực phẩm chức năng.

  1. Thủ tục thành lập công ty thực phẩm chức năng

Việc thành lập công ty thực phẩm chức năng về  mặt thủ tục thì hoàn toàn giống với thủ tục thành lập công ty theo pháp luật về doanh nghiệp, tuy nhiên có một số điểm khác nhau về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng như việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực trên.

1.1. Điều kiện thành lập công ty thực phẩm chức năng

- Các loại hình doanh nghiệp: Nếu doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nhỏ thì có thể chọn loại hình công ty tư nhân hoặc hộ gia đình hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Còn nếu quy mô lớn hơn thì có thể thành lập công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh.

- Tên công ty: Tên công ty bao gồm hai phần chính: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng của công ty. Đặc biệt lưu ý,  không dùng các từ ngữ không đảm bảo văn hóa, đạo đức; không đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức, doanh nghiệp đã đặt trước đó.

- Trụ sở chính của công ty: Địa chỉ của trụ sở chính doanh nghiệp là địa chỉ liên lạc với các cơ quan, tổ chức khác nên được xác định rõ ràng, cụ thể, thống nhất theo địa giới đơn vị hành chính.

- Vốn điều lệ: Do ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không có quy định về vốn điều lệ, nên tùy thuộc vào điều kiện tài chính của doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp. Hơn nữa, vốn điều lệ là nhận tố quyết định, doanh nghiệp phải đóng bao nhiêu thuế môn bài cho nhà nước mỗi năm (Ví dụ: đăng ký vốn điều lệ doanh nghiệp trên 10 tỷ Việt Nam đồng thì cần nộp 3 triệu Việt Nam đồng tiền thuế môn bài/ năm, Vốn điều lệ dưới 10 tỷ Việt Nam đồng là 2 triệu Việt Nam đồng/ năm…), nên doanh nghiệp cần cân nhắc mức vốn điều lệ phù hợp.

- Người đại diện pháp luật của công ty: Do người đại diện pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thành lập công ty thực phẩm chức năng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng nên cần chọn người đại diện pháp luật tuân theo các điều kiện chặt chẽ của pháp luật doanh nghiệp.

- Ngành nghề kinh doanh: Để có thể thành lập công ty thực phẩm chức năng thì doanh nghiệp cần đăng ký ngành nghề kinh doanh cụ thể, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Dưới đây là một số mã ngành, nghề kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực trên:

Mã ngành: 1079. Tên ngành: Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu.

Mã ngành: 4632. Tên ngành: Bán buôn thực phẩm.

Mã ngành: 4772. Tên ngành : Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh.

1.2. Trình tự thành lập công ty thực phẩm chức năng

Bước 1: Soạn hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh

Hồ sơ thành lập công ty bao gồm các tài liệu sau đây:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

- Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;

- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông công ty cổ phần;

- Bản sao Chứng minh thư nhân dân; Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông công ty cổ phần;

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập công ty là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.

Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập công ty là từ 04-06 ngày làm việc.

Và kết quả thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp là: Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp với 04 nội dung sau:

- Tên công ty;

- Địa chỉ công ty;

- Vốn điều lệ;

- Người đại diện theo pháp luật, danh sách thành viên công ty TNHH, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên.

Bước 2: Thực hiện một số thủ tục sau thành lập doanh nghiệp như:

- Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp;

- Khắc dấu và công bố mẫu dấu doanh nghiệp;

- Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký tài khoản với Sở kế hoạch đầu tư;

- Đăng ký chữ ký số điện tử để kê khai và nộp thuế điện tử;

- Thiết lập hồ sơ thuế;

- Đăng ký phương pháp thuế, kê khai thuế ban đầu;

- Kê khai và nộp thuế môn bài;

     2. Xin cấp các loại giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng

Sau khi được cấp phép thành lập doanh nghiệp, các công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cần xin 3 loại giấy phép sau để có thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên thực tế:

- Giấy xác nhận nhãn hiệu của sản phẩm thực phẩm chức năng đã được bảo hộ và nhãn hiệu đó không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với những nhãn hiệu độc quyền đã đăng ký với cơ quan pháp luật trước đó.

- Giấy chứng nhận sản phẩm chức năng đã được công bố chất lượng trên thị trường tại Bộ Y tế.

- Giấy chứng nhận kho chứa thực phẩm chức năng của doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

2.1. Thủ tục bảo hộ nhãn hiệu của thực phẩm chức năng

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí

- Giấy ủy quyền nếu nộp hồ đơn thông qua đại diện

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu

- Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu

Và một số giấy tờ khác có liên quan.

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu

Cục sở hữu trí tuệ có bộ phận chuyên biệt thực hiện việc kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

- Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

- Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa, không có ý kiến hoặc sửa chữa, có ý kiến chưa phù hợp thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

Bước 3: Công bố đơn

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ

- Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

- Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

2.2. Thủ tục công bố chất lượng sản phẩm chức năng

Hồ sơ thực hiện bao gồm: 

+ Biên bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm chức năng.

+ Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc chứng nhận y tế hoặc tương đương (đối với thực phẩm chức năng được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam).

+ Thông tin chi tiết sản phẩm về sản phẩm chức năng công ty bán ra thị trường.

+ Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm chức năng trong ít nhất 12 tháng có đủ chỉ tiêu theo quy định.

+ Báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm thực phẩm đối với sản phẩm mới lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường và Kế hoạch giám sát định kỳ và kiểm soát chất lượng (nếu bán sản phẩm chức năng do trong nước sản xuất).

+ Giấy phép đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng theo đúng quy định.

+ Thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của mỗi thành phần tạo nên chức năng đã công bố.

+ Mẫu nhãn sản phẩm.

+ Mẫu sản phẩm chức năng được bán.

+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Kết quả thực hiện: Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Thời gian thực hiện: 30-35 ngày làm việc.

2.3. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Bước 1: Doanh nghiệp thực phẩm chức năng nộp một bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo mẫu do pháp luật quy định,

- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:

- Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đối với: Chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm (trừ chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật); Cơ sở bán buôn thực phẩm trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên.

- Sở Công Thương cấp tỉnh trực tiếp cấp Giấy chứng nhận hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công, phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp Giấy chứng nhận đối với: Cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm của thương nhân trên địa bàn 01 tỉnh; chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng

- Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

- Nội dung thẩm định thực tế tại cơ sở bao gồm: Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định của pháp luật; Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở.

- Kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở: phải ghi rõ “Đạt” (được hiểu là Đạt sản xuất thực phẩm chức năng) hoặc “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện” vào Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Trường hợp “Chờ hoàn thiện” hoặc “Không đạt”: Sau khi đã khắc phục theo yêu cầu của Đoàn thẩm định, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng phải nộp báo cáo kết quả khắc phục. Thời hạn thẩm định lại tối đa là 10 ngày làm việc tính từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được báo cáo khắc phục

Nếu kết quả thẩm định lại “Không đạt” hoặc quá thời hạn khắc phục mà cơ sở không nộp báo cáo kết quả khắc phục, cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của công ty Luật ACC về thành lập công ty sản xuất thực phẩm chức năng, nếu Quý khách hàng còn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên như: Thủ tục thành lập công ty bán thực phẩm chức năng Hà Nội năm 2020 như thế nào?; Cách bán thực phẩm chức năng online tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật?; về Kinh doanh thực phẩm chức năng, Nguồn hàng thực phẩm chức năng xách tay phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay?; Thanh lý thực phẩm chức năng; Nguồn sỉ thực phẩm chức năng; Sale thực phẩm chức năng; Chiến lược marketing cho thực phẩm chức năng... có thể liên hệ với công ty Luật ACC để được nhận tư vấn miễn phí, chi tiết, nhanh chóng.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo