Quyết định 71/QĐ-TTg 2024 sửa đổi Quyết định 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 đến 2025

Nội dung bài viết:

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Số: 71/QĐ-TTg

    Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2024

     

    QUYẾT ĐỊNH

    SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 68/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2025

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

    Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

    Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

    Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

    Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

    Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 8885/TTr-BCT ngày 13 tháng 12 năm 2023.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 như sau:

    1. Sửa đổi khoản 2 mục III Điều 1 như sau:

    “2. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025

    a) Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

    Các hoạt động chính:

    - Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

    - Tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

    - Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

    - Lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế;

    - Tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước;

    - Xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ;

    - Tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ;

    - Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

    - Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ;

    - Tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

    - Hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

    - Hỗ trợ tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước;

    - Xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất;

    - Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

    b) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

    Các hoạt động chính:

    - Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp;

    - Xây dựng kế hoạch, biên dịch, biên soạn tài liệu về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất để đào tạo cho các doanh nghiệp;

    - Tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp;

    - Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất;

    - Tổ chức đánh giá công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất.

    c) Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

    Các hoạt động chính:

    - Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

    - Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước;

    - Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

    - Tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại;

    - Tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại.

    d) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

    Các hoạt động chính:

    - Giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

    - Xây dựng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế;

    - Kết nối chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước;

    - Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

    - Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm;

    - Hỗ trợ doanh nghiệp: (i) tiếp nhận chuyển giao công nghệ; (ii) mua bản quyền, sáng chế, phần mềm; (iii) thuê chuyên gia nước ngoài; (iv) đào tạo nguồn nhân lực;

    - Hỗ trợ các dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức, cá nhân đã tự đầu tư nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng vào sản xuất có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế;

    - Hỗ trợ mua trang thiết bị chính cho các phòng thử nghiệm để nâng cao năng lực các Trung tâm phát triển công nghệ hỗ trợ theo Đề án do Bộ Công Thương phê duyệt;

    - Hỗ trợ kinh phí một số cơ sở nghiên cứu, ứng dụng hiện có của các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Nghị định 111/2015/NĐ-CP;

    - Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

    đ) Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

    Các hoạt động chính:

    - Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp và đóng tàu;

    - Mua thông tin dữ liệu cần thiết trong và ngoài nước;

    - Cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chính sách về công nghiệp hỗ trợ;

    - Tổ chức hội thảo hàng năm công bố thông tin về năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ quốc gia;

    - Duy trì, nâng cấp trang thiết bị, hoạt động của trang thông tin điện tử công nghiệp hỗ trợ;

    - Xuất bản các ấn phẩm và quảng bá về công nghiệp hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    e) Kinh phí thực hiện giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

    - Kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện dự kiến là 870,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng;

    - Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác phù hợp với quy định của pháp luật do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện;

    - Hàng năm, căn cứ vào Chương trình và đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (đối với kinh phí trung ương); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương (đối với kinh phí địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành;

    - Nguồn vốn khác: Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và nguồn vốn ODA; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.”

    2. Sửa đổi điểm a khoản 2 mục IV Điều 1 như sau:

    “a) Chủ trì, tổng hợp kinh phí sự nghiệp của ngân sách trung ương thực hiện Chương trình vào dự toán của bộ, cơ quan trung ương liên quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách hàng năm.”

    3. Sửa đổi khoản 3 mục IV Điều 1 như sau: “3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Chủ trì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”

    Điều 2. Hiệu lực thi hành

    1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

    2. Các hoạt động của Chương trình triển khai trước khi Quyết định này có hiệu lực được thực hiện theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

    3. Bãi bỏ Phụ lục I, II ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

    4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

     


    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
    - Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
    - Lưu: VT, CN (2).

    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG




    Trần Hồng Hà

    Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.

    Bài viết liên quan

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo