Nội dung bài viết:
Ban hành: 03/02/1994
Hiệu lực: 03/02/1994
Số ký hiệu: 58/TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nguồn thu thập: Sách-Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia;
Ngày đăng công báo ...
Cơ quan ban hành/ Chức danh / Người ký: Thủ tướng Chính phủ/ Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Phạm vi: Toàn quốc
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Lí do hết hiệu lực: Bị hết hiệu lực bởi Nghị định 117/2014/NĐ-CP Quy định về Y tế xã, phường, thị trấn
Ngày hết hiệu lực: 31/01/2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
------- Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
Số: 58/TTg Hà Nội, ngày 03 tháng 2 năm 1994
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI Y TẾ CƠ SỞ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Tổ chức y tế cơ sở trên địa bàn, phường, thị trấn (gọi chung là y tế cơ sở):
1. Y tế cơ sở là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, nằm trong hệ thống y tế Nhà nước có nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát hiện dịch sớm, chữa các bệnh và đỡ đẻ thông thường, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh phòng bệnh, tăng cường sức khoẻ.
2. Y tế cơ sở được tổ chức theo địa bàn cụm dân cư và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của cộng đồng. Cán bộ y tế cơ sở phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp, cán bộ phụ trách y tế cơ sở phải có năng lực quản lý để chỉ đạo thống nhất các mặt hoạt động y tế, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Điều 2: Cán bộ y tế cơ sở
Cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, thôn, ấp, bản... sau đây gọi chung là cán bộ y tế cơ sở, được xác định theo địa bàn hoạt động, số lượng dân và nhu cầu của từng khu vực mà bố trí như sau:
1. Y tế xã, phường, thị trấn:
a. Khu vực đồng bằng, trung du, thành phố;
Tuỳ theo số dân, địa bàn hoạt động, được bố trí từ 3 đến 6 cán bộ y tế cho 1 trạm y tế.
b. Khu vực miền núi, tây nguyên:
Tuỳ theo địa bàn hoạt động và dân số được bố trí từ 4 đến 6 cán bộ y tế cho 1 trạm y tế.
Ở vùng cao, vùng sâu nơi xa xôi hẻo lánh, y tế xã chỉ để 1 đến 2 cán bộ thường xuyên có mặt tại cơ sở y tế làm nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình công tác y tế của xã và thực hiện các dịch vụ y tế cho nhân dân tại các bản, làng gần cơ sở, số cán bộ y tế còn lại được phân công về công tác tại bản, liên bản, buôn làng.
c. Ngoài số cán bộ y tế quy định ở trên: nếu có nhu cầu xã, phường, có thể sử dụng cán bộ y tế làm việc theo chế độ hợp đồng, do xã, phường trả thù lao theo công việc.
2. Y tế thôn, làng, ấp, bản, buôn, liên bản buôn:
Tùy theo đặc điểm địa lý và dân cư của từng vùng để tổ chức lực lượng y tế cho phù hợp, ít nhất mỗi thôn, làng, ấp, bản, buôn (liên bản buôn) có một cán bộ y tế hoặc nhân viên sức khoẻ cộng đồng hoạt động do xã, phường trả thù lao theo công việc ngoài số cán bộ y tế nói tại phần a, b điểm 1 Điều 2 trên đây.
Điều 3: Chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở:
1. Số cán bộ y tế cơ sở trước đây đã thuộc biên chế Nhà nước thì vẫn giữ nguyên và hưởng mọi quyền lợi, chế độ chính sách theo quy định hiện hành như đối với công chức Nhà nước.
2. Cán bộ y tế cơ sở quy định tại phần a, b điểm 1 Điều 2 của Quyết định này không nằm trong biên chế Nhà nước nhưng được hưởng mọi quyền lợi như giáo viên đang công tác tại xã và theo hệ số ngạch bậc lương của cán bộ nhân viên y tế có cùng trình độ và quy định tại Nghị quyết số 25/CP ngày 25 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ.
3. Ở những bản, làng, buôn vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi xa xôi hẻo lánh... chưa có cán bộ y tế chuyên trách, trước mắt có thể sử dụng các nguồn nhân lực của các ngành khác đang hoạt động tại bản, làng được đào tạo các kiến thức và kỹ thuật y tế cần thiết, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trong vùng. Nhà nước giao cho Sở Y tế chi trả một khoản phụ cấp trên cơ sở hiệu quả và nội dung công việc mà hai bên đã thoả thuận. Phụ cấp kiêm nhiệm này không vượt quá 50% lương của cán bộ y tế cơ sở có cùng trình độ.
4. Cán bộ y tế ngoài đối tượng quy định tại phần a, b điểm 1 Điều 2 của Quyết định này do UBND xã, phường quản lý, chi trả phụ cấp dựa trên kết quả hoàn thành công việc được giao và sự chấp nhận của cộng đồng.
5. Chế độ bảo hiểm xã hội:
a. Cán bộ y tế cơ sở quy định tại phần a, b điểm 1 Điều 2 của Quyết định này, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm thì được hưởng mọi quyền lợi và chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của Nhà nước.
b. Số cán bộ y tế xã, phường hiện đang hưởng sinh hoạt phí theo các quy định trước đây nhưng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ nghỉ việc theo quy định tại Nghị quyết số 46/CP ngày 23/6/1993 của Chính phủ.
Điều 4: Nguồn kinh phí chi trả lương và chế độ cho cán bộ y tế cơ sở, xã, phường trước hết do ngân sách của tỉnh đáp ứng nếu thiếu ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho Giám đốc Sở Tài chính cùng Giám đốc Sở Y tế quản lý việc chi trả theo đúng chế độ quy định.
Điều 5: Bộ Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ y tế cơ sở tại chỗ để bảo đảm được yêu cầu về số lượng và chất lượng một cách ổn định, nhất là vùng cao, miền núi, vùng sâu, nơi xa xôi hẻo lánh.
Đối với cán bộ y tế ở vùng đồng bằng, thành phố trung du tự nguyện lên phục vụ tại vùng cao, nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới được hưởng lương về chế độ trợ cấp gấp 1,5 đến 2 lần so với cán bộ y tế có cùng trình độ trong biên chế Nhà nước.
Điều 6: Bộ Tài chính phối hợp với các ngành có liên quan cân đối ngân sách và cùng Bộ Y tế triển khai ngay đề án củng cố, xây dựng trạm y tế xã vào đầu năm 1994 để xoá các xã trắng (xã không có cán bộ y tế hoạt động) và các xã chưa có trạm y tế. Ngân sách bao gồm các khoản để xây dựng nhà cửa, trang thiết bị chuyên môn kỹ thuật cho trạm y tế xã và đào tạo, bổ túc cán bộ, đặc biệt là các xã vùng cao, nơi xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào các dân tộc ít người.
Điều 7: Để hỗ trợ kịp thời đối với tuyến y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tại các huyện có miền núi vùng cao, vùng sâu, nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, hải đảo và các huyện có xã vùng cao, vùng sâu được thành lập các đội y tế lưu động. Các đội y tế lưu động được trang bị dụng cụ và phương tiện đi lại để làm nhiệm vụ phòng bệnh, chống dịch, phòng chống sốt rét, bướu cổ, sinh đẻ có kế hoạch, chữa bệnh thông thường và bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế cơ sở. Số lao động của đội thuộc biên chế của Trung tâm y tế huyện và đặt dưới sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Giám đốc Trung tâm y tế huyện.
Điều 8: Quyết định này có hiêu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 9: Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức cán bộ - Chính phủ hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Điều 10: Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.