Quyết định 35/2012/QĐ-UBND Hà Tĩnh chính sách đối với ngành giáo dục và đào tạo

Nội dung bài viết:

    Ban hành: 13/07/2012

    Số hiệu: 35/2012/QĐ-UBND
    Loại văn bản: Quyết định
    Lĩnh vực, ngành: Giáo dục
    Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
    Người ký: Võ Kim Cự
    Ngày hiệu lực: Đã biết
    Ngày đăng: Dữ liệu đang cập nhật
    Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
    Tình trạng: Đã biết

    ỦY BAN NHÂN DÂN             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
        TỈNH HÀ TĨNH                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
               --------                                        
    ----------------

         Số: 35/2012/QĐ-UBND                      Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 07 năm 2012

    QUYẾT ĐỊNH

    VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

    ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

    Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

    Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

    Thực hiện Nghị quyết số 05-NQTU ngày 20/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo và Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI về việc “Phê duyệt đề án Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo”;

    Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách đối với ngành giáo dục và đào tạo

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

    Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ngoại vụ, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 2;
    - Wesite Chính phủ;
    - Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
    - Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT;
    - TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
    - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
    - Sở Tư pháp;
    - Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh;
    - Cổng thông tin điện tử tỉnh;
    - Trung tâm Công báo – Tin học tỉnh;
    - Các Phó Văn phòng UBND tỉnh
    - Lưu: VT, VX.

    TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
    CHỦ TỊCH




    Võ Kim Cự

     QUY ĐỊNH

    MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGÀNH GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

    Chương 1. Quy định chung

    Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh.

    1. Đối tượng áp dụng:

    - Công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên thuộc ngành giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh;

    - Người thuộc diện thu hút các chuyên ngành sư phạm;

    - Các cơ sở giáo dục – đào tạo trên địa bàn.

    2. Phạm vi điều chỉnh: Các hoạt động phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các cơ quan quản lý, các trường phổ thông, mầm non, phổ thông dân tộc nội trú, các trung tâm: Giáo dục Thường xuyên, Hướng nghiệp, Dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

    Chương 2. Chính sách cụ thể

    Điều 2. Khen thưởng đối với học sinh, giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, khu vực và quốc gia.

    a. Đạt giải kỳ thi Vô địch quốc tế:

    - Học sinh đạt Huy chương Vàng được thưởng 50 triệu đồng, Huy chương Bạc 40 triệu đồng, Huy chương Đồng 30 triệu đồng.

    - Các giáo viên bồi dưỡng đội tuyển được thưởng: Mỗi Huy chương Vàng 50 triệu đồng, mỗi Huy chương Bạc 40 triệu đồng, mỗi Huy chương Đồng 30 triệu đồng.

    b. Đạt giải kỳ thi Vô địch Châu Á và khu vực Đông Nam Á:

    - Học sinh đạt Huy chương Vàng được thưởng 30 triệu đồng, Huy chương Bạc 20 triệu đồng, Huy chương Đồng 10 triệu đồng.

    - Các giáo viên bồi dưỡng đội tuyển được thưởng: Mỗi Huy chương Vàng: 30 triệu đồng, mỗi Huy chương Bạc 20 triệu đồng, mỗi Huy chương Đồng 10 triệu đồng.

    c. Đạt giải kỳ thi học sinh quốc gia: Học sinh đạt giải Nhất được thưởng 10 triệu đồng, giải Nhì 7 triệu đồng, giải Ba 5 triệu đồng, giải Khuyến khích 3 triệu đồng.

    Điều 3. Chính sách ưu đãi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

    1. Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục đang công tác tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định tại: Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II); Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135) chưa có đất ở tại địa phương công tác, có nguyện vọng định cư và cam kết phục vụ lâu dài (20 năm trở lên), được giao đất ở phù hợp với quy hoạch của địa phương, theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

    2. Hỗ trợ thêm 20% lương cơ bản cộng với phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung theo lương hàng tháng đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chuyển đến làm công chức, viên chức tại các Phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã và Sở Giáo dục – Đào tạo.

    3. Hỗ trợ thêm 20% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng đối với nhân viên y tế học đường trong các cơ sở giáo dục.

    Điều 4. Chính sách thu hút nhân tài.

    Hỗ trợ học sinh đạt giải quốc tế, khu vực và quốc gia vào học các ngành sư phạm có cam kết (của sinh viên và phụ huynh) về phục vụ cho ngành giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh ít nhất 10 năm: Học sinh đạt giải quốc tế hỗ trợ 3 triệu đồng/ tháng; học sinh đạt giải quốc gia hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.

    Điều 5. Chính sách đầu tư phát triển.

    1. Ngân sách sự nghiệp:

    a. Đảm bảo ngân sách chi thường xuyên phục vụ các hoạt động giảng dạy và học tập cho các nhà trường và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

    b. Hàng năm ưu tiên bố trí từ nguồn kinh phí chống xuống cấp để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp, sửa chữa các nhà trường và các cơ sở giáo dục khác theo khả năng đáp ứng của ngân sách;

    2. Đầu tư phát triển:

    a. Bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các dự án Giáo dục – Đào tạo đã cam kết.

    b. Hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, khoảng 60% tổng mức đầu tư trong mỗi trường (nhưng không quá 5 tỉ đồng). Trong đó, ưu tiên cho các trường THCS đã được quy hoạch lâu dài theo hướng liên xã (phường), các trường trọng điểm chất lượng cao;

    c. Bổ sung các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo (ngân sách tập trung, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác) để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị Trường THPT Chuyên tỉnh theo đề án đã được phê duyệt;

    c. Tăng cường đầu tư xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên thuộc các vùng giáo dục khó khăn, thuộc các huyện miền núi: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh.

    Điều 6. Chính sách xã hội hóa:

    1. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở trường, lớp đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Ưu tiên dành quỹ đất thích hợp để mở trường tư thục. Đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi loại đối tượng có nhu cầu đều có thể được học tập dưới các hình thức và trình độ phù hợp.

    2. Tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp theo hướng xã hội hóa để đầu tư xây dựng trường học đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học.

    Chương 3. Tổ chức thực hiện

    Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

    1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

    a. Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện chính sách này.

    b. Hàng năm lập kế hoạch về nội dung và nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành có liên quan, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

    c. Định kỳ hàng năm tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện các chính sách trên báo cáo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.

    2. Sở Nội vụ:

    a. Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thực hiện chính sách này gồm: Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ưu tiên chỉ tiêu thu hút và đào tạo cán bộ có chất lượng cao.

    b. Tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định cử cán bộ, giáo viên học tập, đào tạo theo phân cấp quản lý.

    3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn (xây dựng cơ bản tập trung, Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, đối ứng ODA….) để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và đào tạo.

    4. Sở Tài chính: Căn cứ vào kế hoạch, nhiệm vụ và dự kiến kinh phí của ngành Giáo dục – Đào tạo, trên cơ sở khả năng ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư, các sở, ngành có liên quan, thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm và trong quá trình thực hiện dự toán.

    5. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để bổ sung quỹ đất xây dựng trường học và các cơ sở giáo dục khác; bố trí quỹ đất ở thực hiện chính sách thu hút và ưu đãi cho các đối tượng theo quy định.

    6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

    a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn về trình tự thủ tục giao đất cho các đối tượng theo quy định của chính sách trên, đồng thời bố trí quỹ đất để thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng theo đúng phương án của UBND tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.

    b. Bố trí ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định để đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

    Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, hay cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp, thống nhất trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

    Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.

    Bài viết liên quan

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo