Nội dung bài viết:
Ban hành: 11/04/2019
Số hiệu: 07/2019/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Lĩnh vực, ngành: Tài chính nhà nước, Tài nguyên - Môi trường
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
Người ký: Nguyễn Văn Sửu
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Dữ liệu đang cập nhật
Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HÀ NỘI Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------- ---------------
Số: 07/2019/QĐ-UBND Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2019
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT VÙNG BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
Theo đề nghị của liên Sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Tài chính tại: Tờ trình số 177/TTr-LS: NN&PTNT-TC ngày 28 tháng 7 năm 2017 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tờ trình số 37/TTr-LS: NN&PTNT-TC ngày 27 tháng 02 năm 2018 về việc bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 177/TTr-LS: NN&PTNT-TC ngày 28 tháng 7 năm 2017; Báo cáo thẩm định số 205/BC-STP ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Sở Tư pháp Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; trình tự, thủ tục hỗ trợ
Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Điều 2. Nội dung, mức hỗ trợ
1. Hỗ trợ đối với cây trồng
a) Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
b) Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
c) Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;
d) Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
đ) Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
e) Diện tích hoa thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
f) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
2. Hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp: Thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
3. Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản:
a) Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 50%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ trên 50% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;
b) Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa (mè, trôi, trắm, chép) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 50%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ trên 50 - 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha;
c) Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 50%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ trên 50% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
d) Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 50%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ trên 50% - 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/100m3 lồng;
đ) Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 50%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ trên 50% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
e) Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 50%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ trên 50% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
3. Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:
3.1. Thiệt hại do thiên tai:
a) Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng):
Gia cầm đến 28 ngày tuổi: Loại nhỏ hơn 0,2 kg/con, hỗ trợ 10.000 đồng/con; loại từ 0,2 kg/con đến dưới 0,5 kg/con, hỗ trợ 20.000 đồng/con;
Gia cầm trên 28 ngày tuổi: Loại từ 0,5 kg đến dưới 01 kg/con, hỗ trợ 26.000 đồng/con; loại từ 01 kg/con đến dưới 1,5 kg/con, hỗ trợ 31.000 đồng/con; loại từ 1,5 kg/con trở lên, hỗ trợ 35.000 đồng/con.
b) Lợn:
Lợn đến 28 ngày tuổi, loại nhỏ hơn 05 kg/con, hỗ trợ 300.000 đồng/con; loại từ 05 kg/con đến dưới 07 kg/con, hỗ trợ 400.000 đồng/con;
Lợn trên 28 ngày tuổi: Loại từ 07 kg/con đến dưới 30 kg/con, hỗ trợ 500.000 đồng/con; loại từ 30 kg đến dưới 60 kg/con, hỗ trợ 750.000 đồng/con; lợn hậu bị từ 60 kg/con trở lên, hỗ trợ 1.000.000 đồng/con;
Lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.
c) Bê cái hướng sữa, bò sữa:
Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, loại nhỏ hơn 60 kg/con, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; loại từ 60 kg/con đến dưới 110 kg/con, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con;
Bò sữa trên 6 tháng tuổi: Từ 110 kg/con đến dưới 160 kg/con, hỗ trợ 5.000.000 đồng/con; loại từ 160 kg/con đến dưới 210 kg/con, hỗ trợ 7.500.000 đồng/con; loại từ 210 kg/con trở lên, hỗ trợ 10.000.000 đồng/con.
d) Trâu, bò thịt, ngựa:
Đến 6 tháng tuổi, loại nhỏ hơn 50kg/con, hỗ trợ 1.200.000 đồng/con; loại từ 50 kg/con đến dưới 80 kg/con, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;
Trên 6 tháng tuổi, loại từ 80kg/con đến dưới 130 kg/con, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con; loại từ 130 kg/con đến dưới 180 kg/con, hỗ trợ 4.500.000 đồng/con; loại từ 180 kg/con trở lên, hỗ trợ 6.000.000 đồng/con.
đ) Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.
3.2 Thiệt hại do dịch bệnh:
Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn;
Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai;
Hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng);
Hỗ trợ 3.000 đồng/con chim cút;
4. Nguồn kinh phí: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách cấp mình. Trường hợp mức độ thiệt hại lớn, sử dụng vượt quá 50% nguồn dự phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét bổ sung từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai của Thành phố, dự phòng ngân sách cấp Thành phố và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định này đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, tuân thủ theo các quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý cụ thể như sau:
a) Xử phạt vi phạm hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm các quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai (cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, sử dụng sai mục đích hoặc làm thất thoát tiền, giống cây, con, hiện vật hỗ trợ và hỗ trợ không đúng đối tượng, ...).
b) Ngoài ra, căn cứ mức độ, phạm vi, các hành vi vi phạm còn bị xử lý theo các quy định hiện hành của Pháp luật.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ và thanh quyết toán đúng quy định. Tổng hợp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra và kết quả thực hiện việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại trên địa bàn Thành phố để báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cân đối nguồn kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố theo quy định.
4. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn đúng quy định: Hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và chính sách; công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước, kinh phí hỗ trợ, danh sách các hộ được hỗ trợ trên các phương tiện thông tin xã, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các thôn, tổ dân phố;
b) Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra và kết quả thực hiện việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại trên địa bàn Thành phố báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định
c) Chủ động bố trí ngân sách cấp mình để đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành; Lập dự toán, quyết định phê duyệt kinh phí, cấp và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đúng quy định;
d) Tổng hợp kết quả thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố đúng quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng 3 năm 2019 và bãi bỏ: Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 4380/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội; Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 4380/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Tra cứu văn bản pháp luật tại Công ty Luật ACC.