Nhằm bảo đảm trẻ em có quyền có gia đình, có cha, có mẹ, được yêu thương chăm sóc, được sống, giáo dục trong tình cảm, định hướng của cha, tình yêu của mẹ, đồng thời, bảo đảm quyền được làm cha, làm mẹ của một số người không may mắn trong cuộc sống…, pháp luật Việt Nam đã công nhận quyền nuôi con nuôi và quyền được làm con nuôi là một trong những quyền con người, quyền công dân được pháp luật tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Luật ACC xin gửi đến bạn đọc bài viết Một số quy định mới nhất của Luật nuôi con nuôi [Cập nhật 2023] nhằm giúp quý bạn đọc hình dung rõ hơn về pháp luật nuôi con nuôi của nước ta như thế nào.
Một số quy định mới nhất của Luật nuôi con nuôi [Cập nhật 2023]
1. Nuôi con nuôi là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010, nuôi con nuôi được định nghĩa với nội dung cụ thể như sau:
“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”
Việc nuôi con nuôi được hình thành và đưa ra quy định cụ thể để nhằm mục đích xác lập mối quan hệ giữa cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của các chủ thể là người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình mới.
Hiện nay, nuôi con nuôi bao gồm: Nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 67 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định nội dung sau đây:
“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.”
Cần lưu ý rằng, kể từ thời điểm các bên thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi, khi mà các bên đã trở thành cha mẹ nuôi và con nuôi của nhau thì giữa các bên sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và ngược lại của con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Một số quy định mới nhất của Luật nuôi con nuôi [Cập nhật 2023]
Hiện nay Luật nuôi con nuôi 2010 đang có hiệu lực, tuy nhiên Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP, cụ thể bao gồm các điểm mới như sau:
Thứ nhất, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi:
– Ủy ban nhân dân cấp xã:
Đăng ký nuôi con nuôi ở trong nước, cụ thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP, thì việc đăng ký nhận nuôi con nuôi có một số thay đổi như sau:
+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi cư trú cũng có thẩm quyền cùng với nơi cư trú của người được nhận làm con nuôi đăng ký nhận nuôi con nuôi trong nước nếu người nhận con nuôi là cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;
+ Ủy ban nhân dân cấp xã đã lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi: có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký nhận con nuôi nếu trẻ chưa bị chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng;
+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở nuôi dưỡng trẻ đóng trụ sở: nếu trẻ bị bỏ rơi nhưng đã có cơ sở nuôi dưỡng tiếp nhận trẻ.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Có thẩm quyền quyết định việc nhận nuôi con nuôi nếu: nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người được nhận làm con nuôi đăng ký hộ khẩu thường trú;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi đóng trụ sở;
Tuy nhiên thẩm quyền thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc về Sở Tư pháp, sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
– Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài: có thẩm quyền thực hiện đăng ký nhận nuôi con nuôi nếu người nhận con nuôi và người được nhận con nuôi đều là công dân Việt Nam và tạm trú ở nước ngoài, cụ thể đăng ký tại một trong hai nơi cư trú của một trong hai bên;
Lưu ý: Có nơi công dân Việt Nam tạm trú sẽ không có cơ quan đại điện, trong trường hợp này hai bên có thể đăng ký nhận nuôi con nuôi tại một cơ quan đại diện của Việt Nam tại nơi gần nhất hoặc tại nơi thuận lợi nhất cho việc đăng ký;
Như vậy so với quy định về thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi theo quy định tại Nghị định 24/2019/NĐ-CP đã có sự mở rộng hơn so với Luật nuôi con nuôi 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP, thẩm quyền đăng ký việc nhận nuôi con nuôi không còn bó buộc cả ở đăng ký nhận nuôi con nuôi trong nước và nhận nuôi con nuôi tại nước ngoài. Việc thay đổi này giúp cho phân tán thẩm quyền đăng ký, tránh tập trung vào một cơ quan dẫn đến công việc quá nhiều, không thể đáp ứng phục vụ tốt cho người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi thực hiện thủ tục này.
Thứ hai, thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Các bên chuẩn bị một bộ hồ sơ trong đó bao gồm: một bộ hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi, một bộ hồ sơ của người được nhận nuôi con nuôi;
– Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thủ tục
Khi đăng ký nhận con nuôi thì phải có mặt của người nhận nuôi con nuôi; cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng người được nhận làm con nuôi và người được nhận làm con nuôi
+ Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định của luật, cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định hồ sơ.
+ Nếu xét thấy có đủ điều kiện để nhận nuôi con nuôi thì thực hiện đăng ký nuôi con nuôi bao gồm công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch về việc nhận nuôi con nuôi và cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, thủ tục này được thực hiện trong vòng thời gian 20 ngày kể từ ngày ghi nhận được sự đồng ý của những người cần xin ý kiến.
Ghi bổ sung thông tin về cha mẹ trong Giấy khai sinh và vào Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi nếu là trẻ bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi mà trong Giấy khai sinh chưa có thông tin về cha mẹ.
Đăng ký khai sinh lại cho trẻ và thu hồi lại Giấy khai sinh cũ nếu có hai bên bao gồm cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ thỏa thuận và nếu con nuôi trên 9 tuổi đồng ý về việc thay đổi thông tin về cha mẹ.
+ Nếu xét thấy các điều kiện để đăng ký nhận nuôi con nuôi không đủ hoặc hồ sơ thiếu thì trả lại hồ sơ.
– Bước 3: Trả kết quả
Kết quả được trả lại cho người nhận con nuôi, đại diện của các cơ sở nuôi dưỡng, cha mẹ đẻ hoặc là người giám hộ của trẻ có thể là một trong ba giấy tờ, tài liệu sau:
+ Giấy chứng nhận nuôi con nuôi nếu hồ sơ hợp lệ;
+ Văn bản từ chối đăng ký nhận nuôi con nuôi kèm bộ hồ sơ ban đầu của người đăng ký;
+ Giấy khai sinh được bổ sung thông tin hoặc Giấy khai sinh mới đã được thay đổi thông tin về cha mẹ;
Việc trả kết quả được thực hiện trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được sự đồng ý của những người cần lấy ý kiến theo quy định của luật.
Thứ ba, điểm mới đối với việc đăng ký nuôi con nuôi của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài:
Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đối với việc nhận nuôi con nuôi của các công dân Việt Nam với nhau hoặc một trong hai bên là công dân Việt Nam và bên còn lại là người nước ngoài thì thực hiện thủ tục ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Theo quy định pháp luật của nước nơi đăng ký quy định họ có thẩm quyền đăng ký, tuy nhiên trừ trường hợp việc thực hiện thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi của nước đó do tuân thủ theo điều ước quốc tế đã có hiệu lực mà Việt Nam và nước nơi đăng ký là thành viên.
Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc ghi vào Sổ hộ tịch được quy định tại Luật Hộ tịch 2014 cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi cư trú hoặc nơi người được nhận làm con nuôi cư trú.
Nhìn chung Luật nuôi con nuôi có một số điểm mới và cần lưu ý nêu trên sau khi được hướng dẫn bởi nghị định mới, các bên trong việc đăng ký nhận nuôi con nuôi chú ý các vấn đề này để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân cũng như của người khác.
Xem thêm: Quy định pháp luật nuôi con nuôi mới nhất [Cập nhật 2022]
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Luật nuôi con nuôi cũng cho thấy những bất cập nhất định trong triển khai thực hiện trên thực tế. Để biết thêm những bất cập đó là gì mời bạn tham khảo bài viết: Tổng hợp những bất cập của luật nuôi con nuôi (năm 2023)
3. Mục đích của việc nuôi con nuôi là gì?
Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về mục đích của việc nuôi con nuôi là:
“ Nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”.
Như vậy, ta nhận thấy, việc nuôi con nuôi nhằm mục đích chính là để xác lập mối quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, từ đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận nuôi và người nhận nuôi dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của các bên.
Không những thế, việc nhận nuôi con nuôi của các chủ thể đã thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần, trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Việc các chủ thể nhận nuôi con nuôi đã trở thành một biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa có mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất. Không những thế, việc nuôi con nuôi còn giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho Nhà nước ta trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc nuôi con nuôi trên thực tế xảy ra khá phức tạp, việc quán triệt mục đích của việc nuôi con nuôi được pháp luật ngày càng quan tâm hơn.
4. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi
Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 như sau:
“Điều 24. Hệ quả của việc nuôi con nuôi
- Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
- Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
- Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.”
5.Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi theo Luật nuôi con nuôi
Việc nuôi con nuôi được giải quyết trên các nguyên tắc: khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
6. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế theo quy định của Luật nuôi con nuôi
Đối tượng điều chỉnh của Luật nuôi con nuôi là quan hệ nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau cùng thường trú tại Việt Nam, cũng như quan hệ nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà cả hai bên hoặc một bên định cư ở nước ngoài. Người nhận con nuôi có thể là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Do đó, khi một người được nhiều người xin nhận làm con nuôi, cần xem xét ưu tiên người nào có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi tốt nhất, không làm thay đổi quá nhiều môi trường sống của trẻ em. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được quy định như sau:
- Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;
- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
Nuôi con nuôi lĩnh vực khá nhạy cảm, quan hệ xã hội này luôn có sự biến động phức tạp. Vì vậy để việc nuôi con nuôi được thực hiện một cách có hiệu quả và đúng mục đích, đảm bảo quyền lợi trẻ em, thì việc hoàn thiện pháp luật nuôi con nuôi là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thực tiễn. Chúng tôi đã cố gắng đưa đến những thông tin, kiến thức chọn lọc, chính xác nhất trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật hiện hành từ đó làm rõ Một số quy định mới nhất của Luật nuôi con nuôi [Cập nhật 2023] cho quý bạn đọc. Trong quá trình tham khảo nếu còn nội dung nào thắc mắc bạn vui lòng phản hồi bài viết hoặc liên hệ tới Luật ACC theo thông tin phía dưới để được hỗ trợ kịp thời.
Nội dung bài viết:
Bình luận