Giám định tư pháp là một trong những yếu tố quan trọng, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ giám định tư pháp là gì và vai trò của nó trong quá trình giải quyết các vụ án. Bài viết dưới đây của Công ty Luật ACC sẽ giúp bạn khám phá khái niệm này cùng với các quy định pháp lý liên quan đến giám định tư pháp.
Giám định tư pháp là gì?
1. Giám định tư pháp là gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi, bổ sung 2020 thì giám định tư pháp được quy định như sau: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
>>> Bạn có thể đọc thêm bài viết về: Phí gia nhập đoàn luật sư là bao nhiêu?
2. Quy định về trưng cầu giám định tư pháp
Trưng cầu giám định tư pháp quy định tại Điều 25 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi, bổ sung 2020, cụ thể:
Thứ nhất, người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Thứ hai, quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau đây:
- Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;
- Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;
- Tóm tắt nội dung sự việc;
- Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;
- Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
- Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;
- Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp.
Thứ ba, trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Thứ tư, trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Cuối cùng, trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.
Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định.
Tổ chức chủ trì có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức triển khai việc giám định chung và thực hiện giám định phần nội dung chuyên môn của mình.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo hình thức giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.
Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.”.
2.1. Quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp
Trước hết, cần tìm hiểu người trưng cầu giám định tư pháp là ai?
Tại khoản 2 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định:
Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Vậy người trưng cầu giám định tư pháp có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Về quyền, căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020 như sau:
Thứ nhất, trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này thực hiện giám định;
Thứ hai, yêu cầu cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;
Thứ ba, yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.
Về nghĩa vụ, dựa vào khoản 2 Điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020, cụ thể:
- Phải xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;
- Cần đưa ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;
- Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp;
- Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp bị đe dọa do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp.
2.2. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp
Chúng ta cần nên biết là người yêu cầu giám định tư pháp là ai? Từ đó, mới biết quyền, nghĩa vụ của họ là gì?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020: Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”
Về quyền của người yêu cầu giám định, tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định:
- Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;
- Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định
Về nghĩa vụ, khoản 3 Điều 22 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 thì người trưng cầu giám định có nghĩa vụ như sau:
- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;
- Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
Lưu ý rằng: Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
2.3. Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp
Dựa vào khoản 5 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 thì người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.
Căn cứ tại Điều 23 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 thì quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp được quy định như sau:
Người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp sẽ có quyền:
- Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định;
- Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định;
- Độc lập đưa ra kết luận giám định.
- Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp;
- Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này;
- Được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Đồng thời, người giám định tư pháp có các nghĩa vụ sau:
- Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp;
- Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;
- Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;
- Lập hồ sơ giám định;
- Bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
- Không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;
- Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người giám định tư pháp còn có quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.
2.4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp
Tại Điều 23 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định các quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, cụ thể là:
Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có quyền:
- Yêu cầu người trưng cầu, người yêu cầu giám định cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật cần thiết cho việc giám định;
- Từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm;
- Được nhận tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; được thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp khi trả kết quả giám định.
Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó và thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn.
- Người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định, trường hợp cần có từ 02 người trở lên thực hiện vụ việc giám định thì phải phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định;
- Bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.
- Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết;
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người thực hiện giám định do mình phân công cố ý kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức;
- Trường hợp từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp thì phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn;
- Chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp do mình đưa ra.
3. Để được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì cá nhân phải đáp ứng những điều kiện gì?
Điều kiện để cá nhân được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được quy định tại Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
- Phải có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
- Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;
- Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
Tuy nhiên, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Đồng thời, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
>>> Có thể bạn sẽ quan tâm: Mẫu đơn thay đổi, từ chối luật sư bào chữa
4. Nguyên tắc thực hiện việc giám định tư pháp được quy định như thế nào?
Nguyên tắc thực hiện việc giám định tư pháp được quy định như thế nào?
Việc giám định tư pháp được thực hiện theo những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 như sau:
- Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định
- Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.
- Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.
5. Câu hỏi thường gặp
Để hiểu hơn về giám định tư pháp, dưới đây là những câu hỏi thắc mắc và giải đáp về việc giám định:
Giám định tư pháp có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai có kiến thức chuyên môn không?
Không. Giám định tư pháp chỉ có thể được thực hiện bởi những cá nhân hoặc tổ chức được nhà nước bổ nhiệm và có đủ điều kiện theo quy định pháp luật, bao gồm cả năng lực chuyên môn và kinh nghiệm.
Người yêu cầu giám định tư pháp có quyền yêu cầu người giám định bảo vệ bí mật kết quả giám định không?
Có. Theo quy định, kết quả giám định chỉ được thông báo cho người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản để tiết lộ thông tin.
Giám định viên tư pháp có được quyền từ chối thực hiện giám định khi cảm thấy không an toàn cho bản thân không?
Có. Giám định viên tư pháp có quyền từ chối giám định nếu nhận thấy có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc an toàn cá nhân do việc thực hiện giám định, và có thể yêu cầu cơ quan thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Hy vọng rằng qua những chia sẻ của Công ty Luật ACC, bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về khái niệm “giám định tư pháp là gì” và tầm quan trọng của nó trong các quy trình pháp lý. Trong bối cảnh mà các tranh chấp và vụ án ngày càng phức tạp, việc nắm vững những thông tin này không chỉ giúp bạn hiểu biết pháp luật mà còn hỗ trợ bạn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nếu bạn đang cần tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan đến giám định tư pháp, đừng ngần ngại liên hệ với ACC để được hỗ trợ kịp thời và chính xác.
Nội dung bài viết:
Bình luận