Thương hiệu là yếu tố khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong lòng khách hàng. Một thương hiệu thành công sẽ thu hút được lượng lớn khách hàng, tạo dựng được lòng tin và biến họ trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp. Vì vậy việc định vị thương hiệu ngày càng quan trọng đối với quá trình xây dựng thương hiệu. Định vị thương hiệu là gì? Định vị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những vấn đề trên.
1. Định vị thương hiệu là gì?
Theo như định nghĩa của P.Kotler thì “định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm mục đích tạo ra cho sản phẩm và thương hiệu sản phẩm một vị trí xác định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng”.
Theo Marc Filser “định vị thương hiệu là nỗ lực đem lại cho sản phẩm một hình ảnh riêng, dễ đi vào nhận thức của khách hàng. Hay cụ thể hơn, là điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng liên tưởng tới mỗi khi đối diện với thương hiệu của mình”.
Định vị thương hiệu là tạo dựng vị trí cho doanh nghiệp qua những nét riêng biệt so với các thương hiệu khác, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.
Hay định vị thương hiệu chính là xác định vị trí thương hiệu trên thị trường trong tâm trí của người tiêu dùng.
Nói tóm lại, giống như con người, thương hiệu cũng cần được định vị để khẳng định sản phẩm của thương hiệu cũng như khẳng định sự ảnh hưởng của thương hiệu đó đối với thị trường.
2. Tầm quan trọng của việc định vị thương hiệu
Định vị thương hiệu có những vai trò quan trọng như sau:
- Phân biệt thị trường, tạo nên những giá trị khác biệt:
Triển khai chiến lược định vị thương hiệu giúp doanh nghiệp xác định những đối thủ cạnh tranh của mình đồng thời tập trung nâng cao quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang giá trị khác biệt. Từ đó kích thích vào nhu cầu tìm kiếm và mua sắm của khách hàng.
- Nghiên cứu và phân tích khách hàng
Định vị thương hiệu là tiền để để doanh nghiệp nghiên cứu về khách hàng sâu hơn, xác định rõ nhu cầu mua sắm của họ. Từ đó góp phần xây dựng mối liên kế lòng tin và sự trung thành với khách hàng, đem lại một lượng khách hàng trung thành nhất định
- Giữ vững giá trị thương hiệu
Định vị thương hiệu xác định giá trị cốt lõi của thương hiệu nhờ đó mà doanh nghiệp không phải đi cạnh tranh về giá với các đối thủ mà vẫn có thể khiến khách hàng tìm mua sản phẩm.
- Xây dựng hình ảnh thương hiệu
Khi định vị thương hiệu thành công, mọi thông điệp truyền thông của doanh nghiệp sẽ được truyền tải đến đúng đối tượng khách hàng. Từ đó xây dựng hình ảnh thương hiệu và đem lại hiệu quả doanh thu cao.
3. Định vị thương hiệu như thế nào?
Định vị thương hiệu đặt ra mục tiêu là tạo cho thương hiệu hình ảnh riêng biệt so với các thương hiệu khác. Dù ở hình thức nào, thương hiệu cũng phải có nét riêng tách biệt, giúp khách hàng phân biệt với những thương hiệu còn lại.
Việc định vị thương hiệu được hình thành ngay trong quá trình thiết kế nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu. Để định vị thương hiệu chính xác, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược định vị và từ đó lập ra quy định định vị thương hiệu.
3.1. Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu
Mọi hoạt động kinh doanh đều phải có chiến lược. Định vị thương hiệu cũng vậy. Doanh nghiệp cần phải lên kế hoạch và xây dựng chiến lượng rõ ràng tùy thuộc vào từng loại thị trường cũng như tiềm lực của doanh nghiệp. Trên thực tiễn có 9 chiến lược định vị thương hiệu phổ biến, bao gồm:
- Chiến lược dựa vào chất lượng
Điều mà doanh nghiệp quan tâm chính là giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy sẽ mất thời gian khá lâu để khách hàng kiểm chứng và bị chinh phục bởi chất lượng sản phẩm nhưng khi đã định vị thành công thì thương hiệu của bạn sẽ sống mãi với thời gian
- Chiến lược dựa vào giá trị
Giá trị là những gì thật sự có ý nghĩa mà doanh nghiệp có thể đem đến cho khách hàng ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ bản.
- Chiến lược dựa vào tính năng
Nhấn mạnh vào tính năng của sản phẩm là cách mà nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng công nghệ thường sử dụng. Tuy nhiên chiến lược này dễ bị mất tác dụng nếu thị trường xuất hiện những sản phẩm mới có tính năng hoàn thiện hơn. Vì vậy doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sản phẩm để cạnh tranh.
- Chiến lược dựa vào mong ước
Kế hoạch định vị khơi gợi niềm mong muốn của khách hàng, khiến khách hàng có ấn tượng sâu và nhớ về thương hiệu lâu hơn.
- Chiến lược dựa vào vấn đề, giải pháp
Chiến lược này thực hiện dựa trên việc nhắc đến các vấn đề khách hàng gặp phải và đưa ra giải pháp chính là sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dược phẩm thường sử dụng chiến lược này.
- Chiến lược dựa vào đối thủ
Chiến lược này không nên bị lạm dụng vì có thể gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của doanh nghiệp vì đang cố tình hạ thấp đối thủ cạnh tranh mà không có căn cứ. Đây là chiến lược doanh nghiệp sẽ so sánh sản phẩm của mình với đối thủ cạnh tranh để minh chứng chất lượng.
- Chiến lược dựa vào cảm xúc
Tân công vào cảm xúc của khách hàng là một chiến lược hiệu quả để định vị thương hiệu. Lấy được cảm tình của khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy gần gũi và muốn sử dụng dịch vụ, sản phẩm.
- Chiến lược dựa vào trải nghiệm mua hàng
Chiến lược này chủ yếu tập trung từ phía khách hàng. Doanh nghiệp có thể xây dựng quy trình mua hàng riêng, khiến họ cảm thấy được quan tâm.
- Chiến lược dựa trên công dụng
Công dụng chính là tính ứng dụng của sản phẩm. Doanh nghiệp nên sử dụng chiến lược này nếu sản phẩm của doanh nghiệp có tính ứng dụng cao.
3.2. Quá trình định vị thương hiệu
Quá trình định vị thương hiệu là một quá trình lâu dài và bền bỉ, từ khi bạn xác định ý tưởng định vị thương hiệu đến thực thi và duy trì. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, thấu hiểu thị trường và mục đích của chiến lược thương hiệu. Thông thương quá trình định vị thương hiệu gồm các bước sau:
- Bước 1: Phân tích đối thủ cạnh tranh
Việc tìm hiểu thị trường và phân tích đối thủ là điều quan trọng nhất. Doanh nghiệp cần phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ và tìm ra lợi thế khác biệt của doanh nghiệp mình.
- Bước 2: Phân tích khách hàng mục tiêu
Bước tiếp theo là xác định nhóm khách hàng mà doanh nghiệp muốn hướng đến. Họ là ai, độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống ở đâu, họ đang gặp vấn đề gì và giải pháp nào phù hợp với họ. Việc xác định khách hàng chi tiết và chính xác sẽ giúp doanh nghiệp không đi nhầm hướng trong quá trình xây dựng định vị.
- Bước 3: Xác định chiến lược định vị phù hợp
Trong những chiến lược đã đề cập ở trên, hãy tìm ra chiến lược phù hợp với thị trường và sản phẩm của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp lựa chọn chiến lược nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nhận diện thương hiệu, cách sản phẩm ra mắt và cả nội dung, hình ảnh trong suốt quá trình truyền thông. Việc có định hướng rõ ràng ngay từ đầu sẽ giúp quá trình định vị thương hiệu của doanh nghiệp đạt được hiệu quả đúng như mong đợi.
- Bước 4: Đặt thương hiệu lên sơ đồ định vị
Sơ đồ định vị gồm 2 trục thể hiện giá sản phẩm và phân khúc khách hàng mà doanh nghiệp hướng đến. Trục đứng biểu thị giá sản phẩm và trục ngang biểu thị phân khúc khách hàng đang hướng đến. Đặt thương hiệu của doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh vào vị trí thích hợp. Từ đây sẽ thấy được mối tương quan giữa thương hiệu của doanh nghiệp và đối thủ cũng như toàn cảnh thị trường.
Nếu đã xác định được vị trí của thương hiệu, hãy tập trung hướng đến khách hàng trong phân khúc này, tránh lan man sẽ tốn nhiều chi phí và nguồn lực.
Tóm lại, định vị thương hiệu là bước quan trọng trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu định vị đúng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ phát triển và nổi bật hơn, ngược lại, nếu định vị sái, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ bị đối thủ cạnh tranh đánh bật và không thể nào nổi bật được. Vì thế hãy từng bước xác định quy trình định vị chính xác để xác định vị trí của thương hiệu đúng đắn nhất.
Trên đây là nội dung về Định vị thương hiệu là gì? Định vị thương hiệu như thế nào? Nếu Quý bạn đọc vẫn còn thắc mắc về định vị thương hiệu, hãy liên hệ với chúng tôi, Công ty Luật ACC luôn sẵn sàng giải đáp. Trân trọng!
Nội dung bài viết:
Bình luận