Một số điểm mới Nghị định 99/2021/NĐ-CP

Vào ngày 11/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, nghị định này có nhiều nội dung mới. Để tìm hiểu kỹ hơn về các điểm mới trong Nghị định này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây:

Nghị định 1

1. Nghị định là gì?

Nghị định là một loại văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, chủ yếu được Chính phủ sử dụng với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Nghị định dùng để: quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh,quyết định của Chủ tịch nước; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ thành lập...

2. Các điểm mới của Nghị định 99/2021/NĐ-CP

Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán của cơ quan kiểm soát, thanh toán

Nghị định số 99 quy định nguyên tắc: “Trường hợp hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư chưa đảm bảo đúng chế độ hoặc thiếu hồ sơ theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan kiểm soát, thanh toán được phép từ chối thanh toán và chậm nhất trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư, cơ quan kiểm soát, thanh toán phải có văn bản thông báo cụ thể lý do từ chối thanh toán gửi một lần cho chủ đầu tư để hoàn thiện, bổ sung theo quy định của Nghị định này”. Như vậy, nguyên tắc này, được quy định cụ thể hơn so với quy định trước đây về thời gian chậm nhất là 03 ngày làm việc cơ quan kiểm soát, thanh toán phải thông báo bằng văn bản lý do dừ chối và chỉ gửi một lần cho chủ đầu tư.

Cũng như các quy định trước đây, Nghị định số 99 quy định nguyên tắc “Số vốn đầu tư công giải ngân cho nhiệm vụ, dự án trong năm cho các công việc, hạng mục của nhiệm vụ, dự án không vượt vốn kế hoạch trong năm đã bố trí cho dự án.” Bỏ nguyên tắc “Lũy kế số vốn thanh toán cho dự án không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao.”

Về quy định nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, Nghị định số 99 quy định được thực hiện cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giá trị giải ngân của hợp đồng phải đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới được chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho từng lần giải ngân của hợp đồng. Theo Thông tư số 52 trước đây chỉ quy định: “Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng”.

Đồng thời, Nghị định số 99 bổ sung thêm nguyên tắc: “Đối với các chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trong tổng mức đầu tư (hoặc dự toán được duyệt) được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện kiểm soát, thanh toán đảm bảo không vượt giá trị tính theo tỷ lệ quy định.”. Đây là điểm rất mới so với quy định trước đây tại Thông tư số 08.

Hồ sơ pháp lý của nhiệm vụ, dự án

Đối với nhiệm vụ quy hoạch

Theo Khoản 1, Điều 9, Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 quy định: “Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”. Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch được bố trí để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.”. Tuy nhiên, về thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN quy định tại Nghị định số 11,chưa quy định thủ tục hành chính đối với nhiệm vụ quy hoạch. Thực tế thực hiện thời gian qua cho thấy, hồ sơ pháp lý của nhiệm vụ quy hoạch mới được quy định tại Công văn số 12873 BTC-ĐT ngày 25/10/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư các nhiệm vụ quy hoạch (Công văn số 12873).

Do đó, để thống nhất thực hiện, tại Tiết a, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 99 đã bổ sung quy định hồ sơ pháp lý của nhiệm vụ quy hoạch, về cơ bản hồ sơ pháp lý của nhiệm vụ quy hoạch được thực hiện theo Công văn số 12873, tuy nhiên, có một vài điều chỉnh đó là: Nghị định số 99 bổ sung thêm hồ sơ “Kế hoạch đầu tư công hằng năm được cấp có thẩm quyền giao” và “Bảo đảm thực hiện hợp đồng (đối với trường hợp hợp đồng quy định hiệu lực của hợp đồng bắt đầu từ khi nhà thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng)”. Đồng thời, Nghị định số 99 thay hồ sơ “Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu” tại Công văn số 12873 bằng hồ sơ “Quyết định hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu”

Đối với nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư

Nghị định số 99 đã có một số thay đổi về hồ sơ pháp lý đối với nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư so với quy định tại Điều 8, Nghị định số 11, cụ thể là:

Bổ sung thêm hồ sơ “Quyết định hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu” và “bảo đảm thực hiện hợp đồng (đối với trường hợp hợp đồng quy định hiệu lực của hợp đồng bắt đầu từ khi nhà thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng)”. Đồng thời, Nghị định số 99 thay hồ sơ “Quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư” tại Tiết a, Khoản 4, Điều 8, Nghị định số 11 bằng hồ sơ “Quyết định hoặc văn bản giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền (trừ trường hợp nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đã có trong Quyết định phê duyệt dự án hoặc Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật)”.

Đối với thực hiện dự án

Nghị định số 99 bổ sung thêm hồ sơ “Bảo đảm thực hiện hợp đồng (đối với trường hợp hợp đồng quy định hiệu lực của hợp đồng bắt đầu từ khi nhà thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng)” và hồ sơ “Quyết định hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu” so với Nghị định số 11 trước đây.

Hồ sơ tạm ứng

Giấy đề nghị thanh toán vốn, Giấy rút vốn tại Nghị định số 99 được quy định thực hiện theo Mẫu số 04.a/TT, Mẫu số 05/TT, trước đây tên và biểu mẫu Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, Giấy rút vốn đầu tư theo quy định tại Mẫu số 11, Mẫu số 16b1 Nghị định số 11.

Hồ sơ thanh toán

Hồ sơ thanh toán đối với khối lượng công việc hoàn thành thực hiện thông qua hợp đồng

Nghị định số 99 đã có một số thay đổi về hồ sơ thanh toán khối lượng công việc hoàn thành thực hiện thông qua hợp đồng so với quy định tại Điều 8, Nghị định số 11, cụ thể là:

Đối với Giấy đề nghị thanh toán vốn, Giấy rút vốn: Về chỉ tiêu, tên hồ sơ như đã phân tích sự khác nhau tại hồ sơ tạm ứng nêu trên.

Đối với Giấy đề nghị thu hồi vốn tạm ứng (trường hợp thu hồi tạm ứng), tại Nghị định số 99 được quy định thực hiện theo Mẫu số 04.b/TT, trước đây tên và biểu mẫu giấy đề nghị thanh toán tạm ứng vốn đầu tư theo quy định tại Mẫu số 05c, Nghị định số 11. Mặc dù có thay tên và mẫu biểu, nhưng về chỉ tiêu của hai mẫu biểu này cơ bản là giống nhau.

Đối với Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành quy định tại mẫu số 08b, Nghị định số 11, đến nay Nghị định số 99 quy định tách ra thành 2 mẫu biểu: Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (Mẫu số 03.a/TT), Bảng xác định giá trị khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng ban đầu trong trường hợp có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng ban đầu (Mẫu số 03.c/TT). Có thể nhận thấy việc tách thành 2 mẫu biểu này giống như quy định tại Phụ lục 03.a, Phụ lục 04 quy định tại Thông tư số 08 của Bộ Tài chính trước đây, tuy nhiên có thay đổi, hoặc chỉnh sửa một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế thực hiện.

Hồ sơ thanh toán đối với khối lượng công việc hoàn thành thực hiện không thông qua hợp đồng

Về Hồ sơ thanh toán đối với khoản chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

Bảng kê xác nhận giá trị khối lượng công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thực hiện được quy định theo Mẫu số 03.b/TT Nghị định số 99, trước đây mẫu này thực hiện theo quy định tại Mẫu số 12, Nghị định số 11. Tuy nhiên, về chỉ tiêu của hai mẫu biểu này cơ bản là giống nhau.

Ngoài ra, Nghị định số 99 bổ sung thêm quy định hồ sơ thanh toán đối với lệ phí thẩm định, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán được thực hiện như hồ sơ thanh toán đối với các hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng kiểm toán tại Tiết d, Khoản 6, Nghị định số 11 trước đây. Theo đó hồ sơ gồm: Giấy đề nghị thanh toán vốn (Mẫu số 04.a/TT), Chứng từ chuyển tiền (Mẫu số 05/TT) ban hành kèm theo Nghị định số 99.

3. Nghị định này có hiệu lực khi nào?

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Trên đây là toàn bộ nội dung về "Một số điểm mới Nghị định 99/2021/NĐ-CP” mà chúng tôi muốn mang đến cho bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu, nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ của chúng tôi, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật ACC, chúng tôi sẽ hỗ trợ và giải đáp một cách tốt nhất.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo